MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối đe dọa mới cho nền kinh tế: Người Mỹ đang tiết kiệm như những năm 1980

17-05-2020 - 11:24 AM | Tài chính quốc tế

Người Mỹ đang cắt giảm chi tiêu, tích trữ tiền mặt, trả bớt các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên đến mức chưa từng có kể từ thời TT Ronald Reagan.

Người Mỹ đang cắt giảm chi tiêu, tích trữ tiền mặt và trả bớt các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng do lo sợ dịch bệnh COVID-19 sẽ khiến họ mất việc làm. Giá trị chi tiêu bằng thẻ tín dụng tại Mỹ trong tháng 3 đột nhiên giảm mạnh với tỉ lệ giảm lớn nhất trong hơn 3 thập niên. Đồng thời, tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên đến mức chưa từng có kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Theo CNN, những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người tiêu dùng Mỹ phản ánh sự bất ổn chưa từng có trong nền kinh tế Mỹ do đại dịch COVID-19 gây ra. Mặc dù phản ứng thận trọng trong một tình huống đầy bất trắc là hợp lý nhưng việc người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi do nền kinh tế Mỹ phụ thuộc rất lớn bởi tiêu dùng cá nhân.

Mô hình phục hồi kinh tế hình chữ V sẽ không thể xảy ra nếu không có sự đóng góp của người tiêu dùng nước này.

Kể từ giữa tháng 3 tới nay, hơn 33 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và các nhà kinh tế cảnh báo thị trường việc làm sẽ mất nhiều năm mới quay lại mức trước khủng hoảng. "Người tiêu dùng rất thận trọng vì chúng tôi đang ở giữa cơn bão", ông Russell Price, kinh tế trưởng tại hãng Ameriprise Financial cho biết.

'Lo sợ và bất an'

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng vọt lên mức 14,7% trong tháng 4. Đây là cuộc khủng hoảng thất nghiệp nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái. Người Mỹ đang chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn hơn ở phía trước.

Theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố ngày 11/5 vừa qua, xác suất mất việc làm của một người trong 12 tháng tới đã tăng lên gần 21% trong tháng 4. Đây là tháng thứ hai liên tiếp số liệu này đạt mức cao kỷ lục, tính từ năm 2003.

 Mối đe dọa mới cho nền kinh tế: Người Mỹ đang tiết kiệm như những năm 1980 - Ảnh 1.

Người Mỹ đang cắt giảm chi tiêu, tích trữ tiền mặt và trả bớt các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng do lo sợ dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: AP

Người lao động cũng lo lắng về việc họ có thể tìm được một công việc khác không nếu họ bị mất việc. Xác suất tìm thấy việc làm trong 3 tháng tới giảm 6,1% xuống mức 47% trong tháng 4, mức giảm theo tháng lớn nhất từng được ghi nhận. Cuộc khảo sát đã mô tả "sự suy giảm đáng kể" trong kỳ vọng của hộ gia đình về thu nhập và mức chi tiêu dự kiến.

"Chúng ta biết rằng virus corona sẽ không biến mất hoàn toàn. Thực tế này khiến cho sự sợ hãi và bất an tăng lên, kìm hãm khả năng hoặc mong muốn chi tiêu của người tiêu dùng", bà Danielle DiMartino Booth, CEO và chiến lược gia trưởng tại Quill Intelligence nói.

Nợ thẻ tín dụng giảm mạnh

Do lo lắng về tương lai nên người Mỹ đang cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu dùng thẻ tín dụng vì đây là hình thức vay có lãi suất cao nhất. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang công bố tuần trước, dư nợ tín dụng quay vòng tháng 3 đã giảm mạnh với tỷ lệ hàng năm ở mức là 31%. Đó là mức giảm lớn nhất của tháng kể từ tháng 1 /1989.

Theo các nhà kinh tế, một phần của sự sụt giảm này là do các ngân hàng đã rút lại các hạn mức tín dụng khi nhiều khách hàng bị mất việc làm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng trở nên tiết kiệm hơn và kiểm soát việc vay mượn do lo sợ bị mất thu nhập.

Khảo sát của Cục Dữ trữ Liên bang cho thấy xác suất không trả khoản nợ tín dụng hàng tháng tối thiểu đúng hạn trong 3 tháng tới đã tăng lên 16,2% trong tháng 4, cao hơn mức trung bình của 12 tháng là 11,9%.

"Mọi người đã nghiêm túc kiểm soát mức độ chi tiêu. Bạn sẽ tự hỏi khi nào mọi người sẽ cảm thấy thoải mái mua sắm như trước", bà Booth nói.

Tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt như thời TT Reagan tại vị

Mức chi tiêu hay vay mượn bằng thẻ tín dụng có thể sẽ sụt giảm hơn nữa trong tháng 4. Ví dụ, hãng thẻ Visa cho biết, tính đến ngày 28/4, khối lượng thanh toán thẻ tín dụng đã giảm 31%. Tổ chức tín dụng này cũng cho biết danh mục duy nhất của danh mục thanh toán tại Mỹ tăng lên là thực phẩm và dược phẩm. Diễn biến tương tự ghi nhận tại các hãng bán lẻ Walmart, Costco và Target. Mọi khoản chi tiêu còn lại của tháng 4 đều bị cắt giảm.

Hãng này cũng cảnh báo rằng, các khoản chi cho các lĩnh vực thiệt hại nặng nhất trong dịch COVID-19 như du lịch, nhiên liệu, nhà hàng và giải trí sẽ giảm hơn 50%. Các khoản chi cho du lịch đã giảm sâu khoảng 80% trong tháng trước.

Theo nhà tư vấn Joe Brusuelas, kinh tế trưởng tại hãng RSM: "Động lực của nền kinh tế là những người tiêu dùng đang lo sợ, cắt giảm chi tiêu không cần thiết do lo ngại thời kỳ khó khăn phía trước nhiều hơn mức dự đoán của các nhà hoạch định chính sách”.

Hiện tại, người Mỹ đang tích trữ tiền mặt để giúp họ vượt qua những khó khăn sắp tới. Tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ đã tăng từ 8% trong tháng 2 lên 13,1% trong tháng 3. Đây là tỷ lệ tiết kiệm cao nhất trong gần 40 năm qua. Và khi số liệu thống kê tháng 4 được công bố với những chỉ số kinh tế kém lạc quan thì tỷ lệ tiết kiệm có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.

"Khi kinh tế đối mặt với suy thoái, các hộ gia đình sẽ tăng cường tiết kiệm tiền", theo ông Brusuelas

Tầng lớp trung lưu bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng là một lời nhắc nhở khác về những thiệt hại của tầng lớp trung lưu tại Mỹ thường bị quên lãnh khi khi Phố Wall tràn ngập sắc xanh.

Kể từ cuối tháng 3, thị trường chứng khoán Mỹ đã quay đầu tăng điểm khi các nhà đầu tư đã ăn mừng từ những chương trình cứu trợ khẩn cấp của chính phủ liên bang và những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19. Mặc dù các nhà đầu tư rất lạc quan về tương lai của các tập đoàn lớn, những công ty làm nên chỉ số chứng khoán S&P500, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Theo một cuộc khảo sát được hãng RSM công bố đầu tuần, khoảng 83% các doanh nghiệp môi giới đã đánh giá triển vọng kinh tế chung kém lạc quan trong tháng 4. Hơn ½ số doanh nghiệp nhận định sự suy giảm trong các điều kiện kinh tế trong 6 tháng tới. Khoảng 46% giám đốc điều hành cho biết đã cắt giảm hoạt động tuyển dụng trong tháng 4 và gần 1/3 ghi nhận sự sụt giảm trong các quyền lợi ngoài lương dành cho ứng viên. Chỉ số kinh doanh môi giới của hãng RSM đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong tháng trước.

Hãng RSM cho biết cuộc khảo sát đã cho thấy các gói cứu trợ kinh tế của chính phủ liên bang rõ ràng" không đủ để hồi phục kinh tế trong thời gian tới."

Mở cửa lại nền kinh tế

Mặc dù những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng là hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhưng chúng chỉ ra những thách thức dài hạn hơn đối với một nền kinh tế mà tỉ lệ tiêu dùng cá nhân chiếm tới 2/3 GDP.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng ngay cả sau khi các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ, nhiều người Mỹ sẽ không chi tiêu mạnh tay như trước nữa cho đến khi có thế giới điều chế được vaccine chữa COVID-19.

Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, có lẽ sẽ tránh không tới chỗ tập trung đông người trong thời gian tới. Và điều đó có nghĩa là mở cửa nền kinh tế không hề đơn giản.

"Ngay cả khi bạn là một triệu phú, bạn sẽ cảm thấy ngần ngại khi ăn uống tại nhà hàng, đi xem 1 trận bóng chày hay đi du lịch bằng máy bay", ông Price nói.

Theo Thu Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên