MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi ngày Hà Nội “mất” hơn 8 tỷ để chôn lấp rác thải

24-09-2016 - 21:07 PM | Xã hội

Mỗi năm thành phố Hà Nội chi khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

5.400 tấn rác của Hà Nội đi về đâu?

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày đêm, Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó ở khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với khối lượng trên 2.000 tấn; 1,1 triệu m3 nước sinh hoạt bẩn nhưng chỉ 100m3 trong số đó là được xử lý, còn lại xả thẳng ra sông, hồ...

Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt gần 3.900 tấn, tương đương 72%.

Toàn bộ số rác này hiện được tập trung xử lý tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) quản lý, vân hành (từ năm 1999).

Với công suất lớn tới 4.000 tấn/ngày, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện là bãi rác lớn nhất Hà Nội. Bãi rác Nam Sơn này nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, có tổng diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49ha được sử dụng vào việc chôn lấp rác thải.

Chi nhánh Urenco 8 (thuộc Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội), đơn vị quản lý Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn cho biết, mỗi ngày khu này tiếp nhận khoảng 3.800 – 4.000 tấn rác, những hôm lễ, Tết thì có thể tăng lên gấp rưỡi.

Về chi phí, mỗi năm thành phố chi khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Đơn giá của UBND TP. Hà Nội đặt hàng cho bãi rác Nam Sơn hiện nay khoảng 70.000 VND/tấn, tương đương với 3,5 USD.

Con số này cho thấy, đơn giá của TP.HCM đặt hàng cho Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư hhu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (21,1 USD), cao gấp khá nhiều Hà Nội dùng cùng sử dụng công nghệ chôn lấp.

Vì sao vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp?

Tương tự như bãi rác Đa Phước, bãi rác lớn nhất Hà Nội vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp (70-80%). Rác thải chủ yếu được thu gom, vận chuyển bằng xe cuốn ép chất thải rắn thùng kín.

Hồi giữa tháng 9/2016, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã chính thức đưa vào sử dụng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư là 612 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP. Hà Nội cấp khoảng hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, dự án này mới chỉ đạt công suất xử lý 75 tấn rác/ngày.

Nếu so với khối lượng rác trung bình một ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận (4.000 tấn) thì mới chỉ giải quyết được 1 phần rất nhỏ bằng công nghệ mới, thay vì sử dụng công nghệ chôn lấp như bây giờ.

Theo các chuyên gia môi trường, công nghệ chôn lấp rác thải chỉ có mỗi ưu điểm là đơn giản so với các công nghệ khác, chi phí đầu tư và vận hành thấp nhưng nhược điểm là rất lớn, đó là chiếm nhiều đất, khó kiểm soát nước rỉ rác, ô nhiễm không khí, mùi hôi khu vực xung quanh bãi chôn lấp.

Trên thực tế, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... đang ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn. Hồi cuối tháng 5/2016, lãnh đạo Hà Nội đã phải có buổi trực tiếp đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho những người dân nằm trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác này. Buổi đối thoại được tổ chức sau khi người dân bức xúc chặn không cho xe vận chuyển rác vào khu xử lý.

Trước những bức xúc, lo ngại về vấn đề môi trường liên quan đến việc xử lý rác thải tại Nam Sơn, một số ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục nâng công suất quy mô xử lý rác ở khu vực Nam Sơn nữa mà mở rộng, phát triển thêm các khu xử lý phân tán ở khu vực khác.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên, phát triển những loại công nghệ xử lý rác mới, thay vì phương pháp chôn lấp như hiện nay. Chúng ta phải tính đến phương án xử lý chất thải rắn cho rất nhiều năm nữa.

Nếu cứ tiếp tục sử dụng công nghệ chôn lấp vừa ô nhiễm môi trường lại hạn chế về quỹ đất. Trong khi đó, nếu sử dụng công nghệ mới thì dự trữ được cả một khu vực diện tích cho bao nhiêu năm.

35.000đ/tháng để "sống chung" với rác

Theo quyết định ký hôm 4/6/2016, Chủ tịch TP. Hà Nội đã phê duyệt nâng mức hỗ trợ ô nhiễm môi trường do bãi rác Nam Sơn ảnh hưởng tới đời sống người dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Hồng.

Nhưng trong từng phạm vi cụ thể, các mức hỗ trợ cũng có sự khác biệt, chênh lệch. Cụ thể, người dân trong phạm vi ảnh hưởng từ 500 - 1.000m có các mức tiền hỗ trợ tương ứng: từ 500 - 600m: 35.000đ/người/tháng; từ 600 - 800m: 30.000đ/người/tháng; trên 800 - 1.000m: 25.000 đồng.

Như vậy, theo quy định người nằm trong bán kính 1.000m thì được hỗ trợ nhưng 1.001m thì không được. Trước đó, mức hỗ trợ tương ứng người dân nhận được lần lượt là: 32.000 - 23.000 - 8.000đ/người/tháng.

Theo Mạnh Nguyễn

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên