MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mọi phiền não của con người không phải đều vì giá nhà quá cao, công việc khó khăn, tiền viện đắt đỏ đấy sao?" Câu trả lời của nhà triết học khiến mọi người phải suy ngẫm

06-08-2019 - 11:07 AM | Sống

Khi bạn bỏ đi những suy nghĩ như "Tôi không làm được, tôi hết đường rồi..." thì não bộ của chúng ta sẽ nghĩ theo con đường tích cực, và tìm ra rất nhiều phương pháp tối ưu để giải quyết vấn đề.

Gần đây, trên mạng rất thịnh hành một tệp gif có hình gương mặt của một người đàn ông bị hói với vài sợi tóc đáng thương trên đầu và biểu cảm vô lực kèm theo câu nói: "Sống không quyến luyến."

Biểu cảm này khá hài hước, vài người còn vui đùa hỏi rằng tại sao anh ta bị hói và nhận được câu trả lời rằng: do suy nghĩ quá nhiều!

Đúng thật, thế giới của người trưởng thành thật sự chưa từng tồn tại hai từ "dễ dàng" bao giờ, không suy nghĩ vì chuyện gia đình, thì cũng phí tinh thần vì chuyện công việc.

Nhưng vấn đề người trưởng thành thường lo lắng nhất là gì? Chẳng lẽ là vì giá nhà quá cao, công việc khó khăn, tiền viện đắt đỏ ư?

Không phải.

Lý do thực sự khiến họ luôn lo lắng này nọ, là vì tâm chưa ổn định.

Mọi phiền não của con người không phải đều vì giá nhà quá cao, công việc khó khăn, tiền viện đắt đỏ đấy sao? Câu trả lời của nhà triết học khiến mọi người phải suy ngẫm - Ảnh 1.

1. Định tâm không phải là kìm nén cảm xúc

Con người ai cũng có thất tình lục dục (thất tình là 7 thứ tình cảm như vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét, ham muốn; lục dục là sáu ham muốn của con người), đây là chuyện tự nhiên, vậy làm thế nào để kìm chế được cảm xúc?

Đệ tử của Vương Dương Minh cũng từng hỏi ông câu hỏi này. Khi đệ tử ông - Từ Trừng làm quan ở Nam Kinh, một ngày nọ khi đang đọc sách, Từ Trừng nhận được tin con trai mình đang ở trong tình trạng nguy kịch. Tinh thần Từ Trừng đột nhiên sụp đổ, cả người cũng không gượng dậy nổi.

Vương Dương Minh nói, đây đúng là lúc để rèn luyện tâm tính. Không có người cha nào mà không thương con mình, lo lắng cho con là chuyện thường tình. Nhưng đau lòng quá độ như vậy, không chỉ không làm việc được, mà còn khiến người nhà và bạn bè lo lắng. Điều này có ích gì với bệnh tình của đứa trẻ hay không?

Đây là sự thật. Cảm xúc tất nhiên cần bộc lộ, nhưng sống cảm xúc thái quá không chỉ làm hại sức khỏe, còn khiến tinh thần mệt mỏi, không tốt với chúng ta chút nào.

Vậy chúng ta phải xử lý cảm xúc thế nào mới tốt đây?

Tôi có một người bạn, con trai cô ấy nghịch làm đổ ly nước nóng vào chân. Đứa trẻ bị đau lập tức khóc to, ba cậu bé chạy đến thấy vậy liền bế đứa trẻ lên, lắp bắp hỏi con sao rồi.

Còn cô ấy thấy vậy thì ôm đứa trẻ qua, vừa dỗ cậu bé nín khóc vừa nhanh chân đi vào phòng tắm, bật nước lạnh rửa chân cho con.

Lúc này, ba cậu bé cũng bình tĩnh lại và vội lấy đá chườm chân cho con.

Nửa tiếng sau, hai vợ chồng đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ kiểm tra xong liền nói với họ không cần lo lắng, vết bỏng được rửa nước lạnh rồi nên không nghiêm trọng.

Nghe được câu này, cô bạn tôi mới đưa con cho chồng bế, rồi ngồi ở băng ghế đá ngoài phòng khám bật khóc.

Không sai, mỗi người đều có quyền sống thật với cảm xúc. Khiến mình bình tĩnh, không đồng nghĩa với việc buộc chúng ta phải kìm nén cảm xúc của mình.

Bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học Freud từng cho biết: "Những cảm xúc chưa bộc lộ ra ngoài kia không biến mất, mà chỉ bị chôn vùi. Một ngày nào đó, nó sẽ phun trào với hình dạng xấu xí hơn lúc đầu nhiều."

Có cảm xúc, tất nhiên cần biểu đạt ra ngoài, nhưng không được thái quá.

Giống như hai vợ chồng kia, khi đứa trẻ bị bỏng, nếu họ chỉ khóc và không xử lý vết bỏng kịp thời. Vậy đợi đến khi đứa trẻ được đưa đến bệnh viện, vết thương có thể đã nặng hơn rất nhiều.

Nói miệng thì rất đơn giản, nhưng muốn bản thân có thể bình tĩnh mỗi khi gặp chuyện bất ngờ, không may, vậy thì bạn cần trải qua một khoảng thời gian bị mài giũa, thử thách, qua một thời gian dài sau, bạn mới có thể gặp chuyện không hoảng, cũng không lo nghĩ lung tung quá nhiều.

Mọi phiền não của con người không phải đều vì giá nhà quá cao, công việc khó khăn, tiền viện đắt đỏ đấy sao? Câu trả lời của nhà triết học khiến mọi người phải suy ngẫm - Ảnh 2.

2. Bình tâm lại, sẽ không còn suy nghĩ nhiều thứ nữa.

Có một ông chủ sống bằng nghề trồng trọt trên chính khu vườn của ông ấy. Ông ấy trồng rất nhiều loại rau, có cả khoai tây.

Năm đầu tiên, khi khoai tây sắp thu hoạch, bỗng nhiên có mưa lớn trong nhiều ngày liền khiến rất nhiều khoai bị hỏng. Đa số mọi người đều nghĩ ông chủ kia sẽ không trồng khoai tây vào năm thứ hai nữa, nhưng không ngờ, ông ta lại vẫn trồng nó.

Nhưng không may là năm thứ hai, mưa còn lớn hơn nhiều. Khi mọi người lo lắng khoai tây sẽ hỏng như năm trước, ông chủ đã kêu người hái lên hết trước khi trời mưa đợt tiếp theo. Mọi người nhìn củ khoai nhỏ xíu mà cảm thấy tiếc.

Nhưng chẳng mấy chốc, lại có một nhà hàng mua lại chúng với giá không tệ.

Sau đó, ông chủ còn thu hoạch đậu phộng, làm thành một món ăn vặt tốt cho dạ dày, bán lại cho các tiệm tạp hóa, giá cả còn đắt hơn nhiều so với đậu phộng chưa chế biến.

Do ông chủ là người đầu tiên làm như vậy trong vùng, nên doanh thu tăng rất nhanh.

Đặt trường hợp là ông chủ kia, chắc chắn có nhiều người sẽ bỏ cuộc và không dám trồng khoai tây vào năm thứ hai nữa.

Nhưng ông chủ thì ngược lại, bởi vì ông ấy không nghĩ kết thúc, cũng không nghĩ mình thất bại nhanh như thế, nên ông ấy lại bình tĩnh và bắt đầu nghĩ cách.

Bạn nên biết rằng, bộ não con người luôn hoạt động không ngừng, nó sẽ không nhàn rỗi trong khoảnh khắc nào.

Khi bạn bỏ đi những suy nghĩ như "Tôi không làm được, tôi hết đường rồi..." thì não bộ của chúng ta sẽ đi theo con đường tích cực, và nghĩ ra rất nhiều phương pháp tối ưu để giải quyết vấn đề.

Mọi phiền não của con người không phải đều vì giá nhà quá cao, công việc khó khăn, tiền viện đắt đỏ đấy sao? Câu trả lời của nhà triết học khiến mọi người phải suy ngẫm - Ảnh 3.

3. Làm hết sức mình, đừng quá lo lắng

Con người sống trong thế giới này thật không dễ dàng. Không chỉ cần phải kiềm chế cảm xúc đúng lúc, còn phải suy nghĩ cách khắc phục khó khăn, tự mình nghĩ xem cách làm đó là đúng hay sai. Có đôi lúc, dù đã tự mình đích thân đi làm, nhưng lại nhịn không được mà lo lắng cho kết quả, không biết kết quả mình nhận được là tốt hay xấu.

Nhưng nếu trái tim mệt mỏi rồi, con người sẽ bị trì trệ rất nhiều về cả tinh thần lẫn cơ thể.

Nếu bạn cứ để tâm đến kết quả, bạn sẽ lo lắng, sẽ bất an, thậm chí tức giận.

Thế nên, chỉ cần làm hết sức mình, đừng đặt nặng quá nhiều vào kết quả nhận được.

Đệ tử Từ Khản trong một lần nhổ cỏ đã phàn nàn: "Tại sao những thứ tốt lại khó dưỡng, mà những thứ xấu lại khó loại trừ đến thế?"

Vương Dương Minh đã trả lời: "Hoa cỏ vốn không có xấu tốt, người muốn ngắm hoa sẽ cảm thấy hoa tốt cỏ xấu; người cần đến cỏ như những người chăn nuôi bò sẽ cảm thấy cỏ tốt hoa xấu. Vậy chúng ta cần gì phải phiền não?"

Từ Khản không hiểu hỏi lại: "Nói như vậy, cỏ cũng tốt, vậy sao con phải nhổ cỏ?"

Vương Dương Minh đáp: "Nếu con đã thích ngắm hoa, cỏ sẽ làm cản trở sự phát triển của hoa, tất nhiên phải nhổ cỏ. Ý của ta là, làm vậy sẽ khiến con không cần lo lắng đến việc hoa bị cỏ cản trở mà không mọc nổi. Nhổ cỏ là để tránh lo lắng dư thừa kia, nên đừng trút giận lên chúng."

"Sau này, dù con có quên nhổ cỏ đi nữa, con cũng sẽ không hối tiếc hay lo lắng nữa."

Chúng ta làm việc cũng giống như vậy, bất kể kết quả thế nào, cố gắng làm hết sức sẽ không bao giờ sai. Nếu chúng ta đặt tâm trí vào quá trình nhiều hơn, chúng ta sẽ thoải mái và không nghĩ quá nhiều.

Nếu bạn không kiểm soát được sự lo lắng của bản thân, sự lo lắng đó sẽ cắn ngược lại và khống chế bạn. Tâm trí không ổn định, làm việc ắt khó thành công.

Nếu đã quyết định nỗ lực đến cùng, vậy cần gì lo lắng vào kết quả tốt hay xấu?

Năm tháng còn dài, đường đi nhiều ngã, bình tĩnh mà đối mặt với mọi chuyện, cũng là một kỹ năng sống cần học tập.


Theo Thiên Tuyết

Trí thức trẻ

Trở lên trên