Mòn mỏi trong biệt thự 'triệu đô': Loay hoay bảo tồn kiến trúc Pháp cổ
Kiến trúc Pháp cổ tại nhiều đô thị như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai)… có giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Không ít những công trình kiến trúc Pháp có giá trị đặc biệt đã bị phá bỏ, trở thành phế tích …
- 18-04-2022600 biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội sẽ bán cho ai?
- 17-04-2022Cận cảnh một trong 600 căn biệt thự cổ được bán ở Hà Nội: Nửa tỷ một mét vuông, 7 phòng ngủ, mặt tiền đắc địa
- 14-04-2022Hà Nội cấm tự ý phá dỡ biệt thự cổ xây dựng trước 1954
Chính sách bất cập dẫn đến cuộc sống của người dân tại các căn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Hàng chục hộ dân chen chúc trong những căn nhà xuống cấp, điện nước phập phù. Đi không nổi, ở cũng không xong…
Nhà ổ chuột trên đất… kim cương
Biệt thự Pháp số 13 Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm-Hà Nội) trong diện cảnh báo xuống cấp đặc biệt nguy hiểm. Mỗi mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều gửi cảnh báo tới người dân về nguy hiểm nhưng họ vẫn phải sống ở đây vì không còn cách nào khác.
Ông Lâm Tiến Tài trong căn nhà ẩm thấp, không thấy ánh sáng mặt trời tại biệt thự số 3 Điện Biên Phủ
Căn biệt thự như bị bỏ hoang, tầng 1, tầng 2 đều quây rào kín không sử dụng. Cầu thang gỗ được gia cố, chằng chống tạm bợ bằng các giá gỗ, nan giường. Men theo cầu thang gỗ ọp ẹp vừa đủ một người đi, nhóm PV có mặt tại tầng thượng của biệt thự - đây cũng là nơi sinh sống của 13 hộ gia đình. Mỗi gia đình ở trong một “hộp diêm” quây tôn tạm bợ. Mỗi khoảng trống sân thượng đều được tận dụng tối đa, nơi thì làm chuồng gà, nơi làm nhà vệ sinh tạm…
Cầu thang ọp ẹp, phải chằng chống là lối đi duy nhất lên nhà của 13 hộ dân sinh sống tại biệt thự cũ 13 Phan Huy Chú Ảnh: Trần Hoàng |
Bà Trương Thị Hương (80 tuổi) cho biết, bà theo chồng sống tại đây từ những năm 1980, hộ gia đình bà có 4 người sống trong căn phòng diện tích 15m2. Ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, các mảng trần tầng dưới rơi xuống gây khiếp sợ cho người dân. Cầu thang gỗ từ thời Pháp đang phải chống cột nhưng không biết chịu được bao lâu. “Tôi tuổi già nên chỉ ở trên này chứ không thể đi xuống tầng 1 được. Chỉ mong nhà sớm được cải tạo hoặc đi đâu đó ổn định tránh nguy hiểm”, bà Hương chia sẻ.
Gần đó là nhà của ông Nam, nhà ông được Bệnh viện E phân theo tiêu chuẩn hơn 40 năm nay. Ông Nam nhận định, nhà của mình ở vị trí “kim cương”, 3 mặt tiền phố Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên nhưng sống không khác gì “ổ chuột”. Tuy vậy, muốn sửa cũng không sửa được vì nhà thuộc diện bảo tồn. Ông Nam nói: “Chính quyền địa phương nói đã có dự án từ lâu, nhưng nhiều năm rồi không triển khai. Thế nên chúng tôi vẫn phải sống chứ biết làm sao”.
Cảnh sống chật chội trong biệt thự cũ số 13 Phan Huy Chú. Ảnh: Trần Hoàng |
Câu chuyện sống trong biệt thự triệu đô mà như khu “ổ chuột” diễn ra ở hầu hết các biệt thự khác. Tại biệt thự số 3 Điện Biên Phủ (quận Hoàn Kiếm), từng góc nhỏ đều được tận dụng triệt để cho sinh hoạt. Tại tầng 2 khu biệt thự, một cánh cửa được ngăn đôi chia thành 2 phòng, mỗi phòng là nơi cư trú của 4 nhân khẩu. Chỉ vào góc tường loang lổ diện tích gần 2m2, chị H cho biết, toàn bộ nhà chị tắm rửa, vệ sinh nhẹ, nấu ăn, giặt giũ đều ở đó. “Tắm thì chỉ cần kéo rèm lại là xong. Vệ sinh nặng thì xuống tầng 1 có nhà vệ sinh chung”, chị H nói.
Ngay sát góc tắm rửa là hệ thống điện đi dây trần, có nguy cơ chập cháy bất cứ lúc nào. Thế nhưng chị H cũng không mấy quan tâm. Chị H nói: “Biết nguy hiểm nhưng kệ vì muốn sửa gì cũng khó, vì sửa thì cũng còn các hộ khác nữa chứ đâu phải mỗi mình”.
Ở chiếu nghỉ tầng 2 biệt thự này là một hộ dân đang sinh sống, được biết đây là căn hộ cơi nới sau khi tăng nhân khẩu. Căn phòng như một chiếc lồng chim lơ lửng giữa cầu thang tối tăm, không gian chật hẹp cộng thêm trần nhà thấp khiến người dân bước vào phải cúi người lom khom để đi qua cánh cửa nhỏ. Ông Lâm Tiến Tài (70 tuổi) cho biết, đây là căn phòng của 2 vợ chồng ông, ở đây đã ba chục năm. Căn phòng chỉ đặt vừa một chiếc đệm, ngột ngạt và không hề biết ngày hay đêm. Mỗi năm, ông trả cho nhà nước 10 triệu đồng tiền thuê nhà do chưa có điều kiện để mua lại.
Dân kêu không thấu?
Biệt thự Pháp số 90 Lý Thường Kiệt là một ví dụ khác về sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng. Toàn bộ khuôn viên biệt thự từ lâu đã bị lấn chiếm xây dựng, bản thân căn biệt thự cũng xuống cấp nguy hiểm, cầu thang mục nát, kiến trúc bị phá nát từ hàng chục năm trước. Căn nhà đã được UBND quận Hoàn Kiếm, UBND thành phố khẳng định tình trạng xuống cấp và cho phép phá dỡ xây dựng lại.
Tuy nhiên vòng xoáy thủ tục hành chính kéo dài qua rất nhiều năm khiến chủ nhà vô cùng bức xúc. Cụ thể, ngày 18/6/2019, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, UBND quận Hoàn Kiếm thống nhất chủ trương về việc phá dỡ, xây dựng lại biệt thự số 90 Lý Thường Kiệt và giao các cơ quan chức năng hướng dẫn thủ tục. Tuy nhiên, điều rất lạ là sau đó Sở Xây dựng lại từ chối cấp phép vì “Hồ sơ chưa có văn bản cho phép phá dỡ công trình của UBND thành phố”! Theo đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, vướng mắc về thủ tục cải tạo, cấp phép xây dựng biệt thự khá nhiều cần được rà soát tháo gỡ. Danh mục biệt thự cần bảo tồn phải được cập nhật thường xuyên, với trường hợp xuống cấp, không còn đủ điều kiện bảo tồn thì phải có giải pháp để các hộ dân được cải tạo, xây dựng lại.
Nguy hiểm từ những biệt thự cũ xuống cấp đã được cảnh báo và đã có những bài học nhãn tiền. Điển hình ngày 22/9/2015, tòa biệt thự theo kiến trúc Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm bất ngờ đổ sập làm 2 người chết, nhiều người bị thương, 66 hộ dân sống trong biệt thự và xung quanh phải sơ tán.
Nguy hiểm từ những biệt thự cũ xuống cấp đã được cảnh báo và đã có những bài học nhãn tiền. Điển hình ngày 22/9/2015, tòa biệt thự theo kiến trúc Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm bất ngờ đổ sập làm 2 người chết, nhiều người bị thương, 66 hộ dân sống trong biệt thự và xung quanh phải sơ tán. Đáng chú ý, biệt thự này nằm trong danh sách quản lý biệt thự Pháp trước năm 1954 của UBND thành phố Hà Nội. Công trình được xếp nhóm 2 - phải có sự đồng ý của Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các đơn vị liên quan nếu cải tạo, xây dựng lại. Ngay đơn vị quản lý biệt thự trên đã có kế hoạch xây dựng lại nhưng vẫn vướng thủ tục đến khi sự cố đáng tiếc xảy ra.
Tiền phong