Một công ty bất ngờ đệ đơn phá sản dù tháng 12/2022 vừa tuyên bố làm xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời 7 tháng không cần sạc
Điều đáng chú ý là vài ngày trước khi phá sản, Lightyear đã thông báo ngừng sản xuất mẫu ô tô đầu tiên của mình.
- 02-02-2023Thu nhập vài tỷ đồng mà không cần chôn chân trong văn phòng, đây đang là ‘nghề ngôi sao’ giữa thời nguy cơ suy thoái
- 02-02-2023Không sinh ra ở vạch đích, nghỉ hưu ở tuổi 35: Một triệu phú tự thân ‘mách nước’ kiếm 1 triệu USD nhờ đi ngược những quy tắc ứng xử thông thường
- 02-02-2023Gặp gỡ 'thiên tài lập dị' đứng sau ChatGPT làm mưa làm gió ngày qua: Học viết code từ năm 8 tuổi, luôn tích sẵn vàng, thuốc men vì ám ảnh ngày tận thế
Tháng 12 năm ngoái, Lightyear – công ty có trụ sở tại Hà Lan, tuyên bố đưa vào sản xuất dự án xe chạy bằng năng lượng mặt trời mang tên Lightyear 0. Theo công ty, đây là dòng xe chạy năng lượng mặt trời đầu tiên mà người dùng đại chúng có thể tiếp cận được trên toàn cầu. Tùy thuộc vào từng quốc gia và khu vực, người dùng Lightyear 0 có thể dùng sản phẩm này 7 tháng hay chạy khoảng 7.400 km mà không cần sạc.
Tuy nhiên, tuần trước, Lightyear đã bất ngờ đệ đơn xin phá sản tại tòa án Hà Lan. Trước đó, Lightyear đã huy động được hàng trăm triệu USD tiền đầu tư từ nhiều đơn vị khác nhau nhờ hứa hẹn khả năng khai mở phân khúc xe chạy bằng năng lượng mặt trời. Hãng thậm chí còn được Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn.
Cũng như nhiều vụ phá sản khác, mọi thứ đang khá phức tạp. Reinoud van Oeijen - quản trị viên của Lightyear, xác nhận rằng mặc dù sản phẩm được gọi là Lightyear nhưng công ty sản xuất ra chúng lại có tên là Atlas Technologies.
Yêu cầu của Lightyear đã được chấp nhận bởi một tòa án ở Hà Lan. Sau đó, đơn vị này tuyên bố Atlas Technologies phá sản. Mặc dù vậy, vụ phá sản chỉ liên quan đến bộ phận sản xuất của công ty.
Điều đáng chú ý là vài ngày trước khi phá sản, Lightyear đã thông báo ngừng sản xuất mẫu ô tô đầu tiên của mình - Lightyear 0 để tập trung vào một mẫu xe khác, có giá thấp hơn mang tên Lightyear 2. Lightyear 0 chỉ mới được đưa vào sản xuất vào tháng 12 năm ngoái và đã được chuẩn bị để được bán với giá 262.000 USD (ngang một chiếc Rolls-Royce, chưa tính VAT hay bất kỳ loại phí nào khác).
Theo Sifeted, 630 nhân viên làm việc để sản xuất Lightyear 0 tại Atlas đã bị sa thải. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20 người sẽ ở lại để làm việc trong mảng pin mặt trời cho công ty con của Atlas.
Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn đối với các startup ô tô ở châu Âu khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao và dòng vốn cạn kiệt. Arrival, một công ty chế tạo xe tải điện có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã tuyên bố sa thải 800 nhân viên vào cuối tháng trước.
Lightyear được thành lập vào năm 2013. Những chiếc xe của công ty hoạt động bằng cách lắp pin mặt trời trên nóc và phía trước xe. Chiếc xe Lightyear 0 có thể chạy được quãng đường 725 km, trong đó 70 km chạy bằng năng lượng mặt trời và phần còn lại là sạc điện.
Nói chuyện với Sifted vào cuối năm ngoái, Martijn Lammers - đồng sáng lập công ty, ước tính rằng 40% tài xế Lightyear sẽ không bao giờ phải sạc xe của mình.
Thời điểm hiện tại, số phận của Lightyear 2 vẫn còn là dấu hỏi khi công ty tuyên bố phá sản. Trước đó, Lightyear nhắm đến việc bắt đầu sản xuất dòng xe này vào năm 2025 với mức giá khởi điểm chỉ dưới 40.000 USD cùng khả năng di chuyển khoảng 800 km giữa các lần nạp thêm năng lượng bằng pin mặt trời và sạc điện.
Đến nay, vẫn chưa rõ liệu Lightyear có thể tái cấu trúc và thu hút thêm tiền đầu tư cho mẫu Lightyear 2 không hay liệu một nhà sản xuất ô tô khác có “giải cứu” hãng xe này không.
Nguồn: Sifted
Nhịp Sống Thị Trường