MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một lĩnh vực ở Việt Nam được đánh giá tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Một lĩnh vực ở Việt Nam được đánh giá tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, lĩnh vực này ở Việt Nam dự kiến sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất nhất năm 2026, với doanh số 56 tỷ USD.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. 

Tại Hội thảo "Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới" được Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, bà Lê Thị Hà chia sẻ, thời gian vừa qua, Covid-19 khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Thương mại điện tử không nằm ngoài sự tác động này. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội riêng cho những doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số.

Trong Covid-19, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng, một điều tra với 47 quốc gia trải dài từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, trước thời điểm đó (2019) chỉ là 10,3%. 

"Những con số này cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung, nhưng thương mại điện tử vẫn là bức tranh lạc quan từ thực tế chúng ta nhìn thấy ở đỉnh dịch", bà Hà nói.

Liên quan đến thương mại điện tử Việt Nam trong dịch bệnh, Bộ Công Thương cũng triển khai điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp nội địa, kết quả điều tra cho thấy hai năm gần đây (năm 2020, 2021), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện Việt Nam vẫn giữ vững 17% một năm. Năm 2021 doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD mỗi người trong một năm.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó riêng năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, là quốc gia duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Phân tích sâu hơn về thói quen sử dụng các nền tảng thương mại điện tử của người tiêu dùng Việt Nam, báo cáo hồi tháng 1/2022 của Decision Lab cho biết, Shopee và Lazada là hai nền tảng thương mại điện tử được sử dụng phổ biến nhất trong năm 2021. Nếu tính riêng quý 4/2021, tỷ lệ người dùng thuộc thế hệ gen Z (16-24 tuổi) tham gia khảo sát lựa chọn Shopee là ứng dụng để mua sắm trực tuyến chiếm 81%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở thế hệ gen Y (25-40 tuổi) và gen X (41-62 tuổi) tương ứng lần lượt 76% và 58%.

Một lĩnh vực ở Việt Nam được đánh giá tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Mức độ phổ biến của các ứng dụng thương mại điện tử xét theo độ tuổi giai đoạn quý 4/2020 - quý 4/2021. Nguồn: Decision Lab

Báo cáo cũng cho biết, Facebook là nền tảng thương mại được sử dụng phổ biến ở các địa phương. Trong đó, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các nền tảng thương mại đến từ Hà Nội và TP.HCM cao hơn so với các địa phương khác.

Bà Trần Như An, Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, dưới ảnh hưởng Covid-19, phương thức tiêu dùng và năng lực mua sắm có nhiều thay đổi. Cũng trong bối cảnh này, doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, vận hành nhằm đảm bảo sự cạnh tranh. Trong làn sóng Covid-19, năm 2020, lĩnh vực thương mại điện tử đạt 14 tỷ USD, có 61 triệu người dùng smartphone, tỷ lệ này thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử phát triển. 

"Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất nhất năm 2026 với doanh số 56 tỷ USD", bà Trần Như An cho hay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia từ USAID cho rằng, dù có tiềm năng lớn nhưng hiện vẫn có một số khó khăn, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ chưa thể cạnh tranh với đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm. Do đó cần đào tạo nâng cao năng lực các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin.

https://cafef.vn/mot-linh-vuc-o-viet-nam-duoc-danh-gia-tang-truong-manh-nhat-khu-vuc-dong-nam-a-20220324120620678.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên