MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một năm bất động sản sôi động, hứa hẹn 2018 tiếp tục thành công

20-02-2018 - 18:11 PM | Bất động sản

Năm 2017 chứng kiến lượng cung bất động sản đạt mức kỷ lục, đồng thời thị trường chứng khoán đang dần trở thành kênh huy động vốn mới quan trọng cho thị trường này...

Nhiều chuyên gia dự đoán, năm 2018, nhìn tổng thể sẽ là một năm tiếp tục thành công của thị trường bất động sản. Phân khúc căn hộ vừa túi tiền vẫn giữ vai trò chủ đạo; loại hình condotel tiếp tục bùng nổ tại các thành phố du lịch và các địa phương được quy hoạch thành khu kinh tế - hành chính đặc biệt; xu hướng phát triển dự án xanh, đồng bộ về tiện ích sẽ ngày càng phổ biến...

Có thể nói, bất động sản là ngành kinh doanh "hot" nhất trong năm qua, khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới và cung-cầu trên thị trường đều tăng cao so với năm 2016.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản tăng 62% về lượng và 66,5% về vốn đăng ký mới so với 2016.

Đồng thời, số vốn đăng ký kinh doanh cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 30% tổng vốn đăng ký, tương đương 388.376 tỷ đồng. bất động sản cũng là ngành có vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp cao nhất, đạt 76,7 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng từ 11 lên gần 60 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp công bố doanh thu tăng tới hơn 100% so với cùng kỳ 2016.

Lượng cung đạt mức kỷ lục

Trên thị trường, giá cả tăng 5-10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ. Về nguồn cung, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong 2017, cả nước có 218 dự án nhà ở được chào bán, cung cấp ra thị trường 13.585 nhà phố, biệt thự, 22.710 nền đất, 22.837 sản phẩm condotel và 78.877 căn hộ.

Như vậy, phân khúc căn hộ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Ở phân khúc này, Tp.HCM và Hà Nội chiếm tới 90,4% tổng nguồn cung trên thị trường.

Riêng tại Hà Nội, tổng số căn hộ mở bán mới trong năm lên tới hơn 35.000 căn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức mở bán mới cao nhất trong vòng 5 năm qua. Phân khúc trung cấp và bình dân tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với 80% nguồn cung mới. Doanh số chào bán cũng ở mức khả quan với hơn 23.000 giao dịch thành công, tăng 12% so với 2016.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, tổng lượng căn bán được trong năm 2017 đạt 32.905 căn, giảm 5% so với năm trước. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số căn bán được nhiều hơn tổng số căn mới chào bán trong năm, mặc dù giá bán trung bình đã tăng 4% so với năm 2016...

Ở phân khúc biệt thự, liền kề, nhà phố, Hà Nội và Tp.HCM chiếm 54,1% nguồn cung nhà phố và 36,4% sản phẩm biệt thự. Các đô thị khác đóng góp tỷ trọng nguồn cung đáng kể trong phân khúc này là Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Nha Trang và Phú Quốc.

Phân khúc đất nền trong năm qua có sự tăng trưởng nguồn cung đột biến, tập trung tại Quảng Nam, Đà Nẵng, và các tỉnh lân cận Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai... Loại hình này cũng được ghi nhận có mức giá tăng mạnh tại Tp.HCM và lan sang các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, phải nói đến sự phát triển bùng nổ của phân khúc condotel với lượng cung lên tới 22.837 căn. Trong đó, 77,7% có mức giá chào bán từ 35-70 triệu/m2; 52% sản phẩm chào bán tại Nha Trang, Khánh Hòa, số còn lại tập trung ở các địa phương phát triển mạnh du lịch như Bình Thuận, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đạt khoảng 80%.

Cùng với lượng giao dịch tăng lên, lượng bất động sản tồn kho cũng giảm mạnh. Tính đến 20/11/2017, tồn kho bất động sản còn hơn 25.700 tỷ đồng, giảm gần 80% so với con số 102.800 tỷ đồng trong quý I/2013 và giảm 17% so với 31.000 tỷ đồng thời điểm tháng 12/2016.

Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư

Cung - cầu bất động sản tăng, phần lớn là do sự gia tăng của các nguồn vốn đổ vào bất động sản.

Trong năm qua, dòng vốn tư nhân đổ vào thị trường này tăng tới 60% so với năm 2016. Trong khi đó, tổng dự nợ cho vay đầu tư vào kinh doanh bất động sản cũng tăng 5% so với đầu năm, với khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng dư nợ.

Bên cạnh nguồn tín dụng, thị trường chứng khoán đang dần trở thành kênh huy động vốn mới, quan trọng cho thị trường bất động sản.

Bất động sản cũng là 1 trong 3 lĩnh vực nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 3,05 tỷ USD, tăng 54,8 so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kiều hối đổ về nước đạt khoảng 13 tỷ USD, ước tính 25% là đổ vào bất động sản.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng dòng vốn FDI và nguồn kiều hối đổ vào thị trường bất động sản đã, đang và sẽ tăng lên cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư và sức hấp dẫn của thị trường bất động sản trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Dự báo trong 5 năm tới, kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Theo đánh giá của CBRE và Vietnam Report, FDI, kiều hối đang gia tăng sẽ tiếp tục giúp thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng nhanh trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của các tập đoàn bán lẻ quốc tế, các tập đoàn du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phục vụ nhu cầu bán lẻ và bất động sản du lịch. Bao gồm các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và các khu liên hợp thương mại cao cấp.

Hơn nữa, chính sách tiền tệ ngày càng ổn định trong cách thức điều hành, minh bạch hóa dẫn đến mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng ổn định trong vài năm trở lại đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp lên kế hoạch triển khai các hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Dự báo đến năm 2020, thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng và xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) ở lĩnh vực này có khả năng bùng nổ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020" - Vietnam Report nhận định.

Thị trường sẽ có điều chỉnh lớn

Cũng bàn về diễn biến của thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản cho rằng thị trường bất động sản 2018 sẽ tiếp tục sự ổn định của năm 2017 và có phần mạnh mẽ hơn.

Những chính sách hiệu quả của Nhà nước giúp cho tình hình kinh tế vĩ mô có được những điều kiện tốt để phát triển lâu dài. Thêm vào đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, tạo nguồn lực cho nền kinh tế cũng như giúp tái khởi động lại nhiều dự án bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM phân tích thêm: dự báo thị trường bất động sản 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Trong đó, phân khúc căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản; phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh để phù hợp với yêu cầu thị trường; phân khúc thị trường condotel, đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng nóng.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

Dưới góc độ một chủ đầu tư, ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Phục Hưng Holdings nhận xét: trong các năm tới, nền tảng tích cực từ kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tạo động lực cho bất động sản nhà ở nói chung và phân khúc căn hộ nói riêng.

Cùng với sự phát triển của thị trường cũng như nguồn cung lớn trong tương lai, các chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

Ông Lâm nhấn mạnh, hiện nay, quan niệm về nhà ở đã thay đổi nhiều, người mua không chỉ mua một căn nhà che mưa che nắng mà họ còn mong muốn đây là chỗ nghỉ dưỡng cùng gia đình trong một môi trường an lành, gần gũi với thiên nhiên.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục tái cấu trúc để tạo dựng được những dự án không chỉ có chất lượng cao, thiết kế đẹp mà còn phải là các dự án thân thiện với môi trường, an toàn và đầy đủ tiện ích... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Theo Phan Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên