MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số địa phương phát triển "nóng" điện mặt trời mái nhà, vượt khả năng giải tỏa công suất

Miền Nam có 240 dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), với tổng công suất 229MWp, đang bị vượt khả năng giải tỏa công suất, tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh. ĐMTMN cũng phát triển mạnh tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Đăk Lắc, Kon Tum, Gia Lai) gây nguy cơ quá tải lưới điện trung áp.

Tính đến ngày 23/8, cả nước đã có trên 45.490 dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua bán và đấu nối vào lưới điện. EVN đã yêu cầu các Tổng Công ty Điện lực trực thuộc công khai thông tin lưới điện trung, hạ áp ở khu vực bị quá tải, không đủ khả năng tiếp nhận công suất để các chủ đầu tư nắm bắt và đầu tư dự án phù hợp, hiệu quả.

Theo EVN, một số tỉnh thuộc miền Trung, miền Nam có tiềm năng lớn về bức xạ nhiệt, đã thu hút các chủ đầu tư phát triển "nóng" điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với số lượng dự án lớn. Điều này gây áp lực lớn đối với hệ thống truyền tải, giải tỏa công suất của các dự án này.

Trước tình trạng này, EVN đã yêu cầu các Tổng công ty Điện lực trực thuộc công khai thông tin lưới điện trung, hạ áp ở khu vực bị quá tải, không đủ khả năng tiếp nhận công suất để các chủ đầu tư nắm bắt và đầu tư dự án phù hợp, hiệu quả.

Theo báo cáo của các Tổng công ty Điện lực thuộc EVN, hiện nay, lưới trung, hạ áp tại các tỉnh thành miền Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM hoàn toàn đủ khả năng tiếp nhận công suất của các dự án ĐMTMN.

Tại miền Nam, số liệu Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, hiện có 2.532 khách hàng đăng ký đấu nối nhưng chưa vận hành thương mại với tổng công suất hơn 1.496 MWp. Trong đó có 240 dự án với tổng công suất 229MWp vượt khả năng giải tỏa công suất, tập trung chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh.

Với tinh thần hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư, EVN đã tập trung đôn đốc các Tổng công ty Điện lực tuyên truyền, công bố thông tin rộng rãi, để khách hàng dễ dàng truy cập, tra cứu.

Tại địa bàn Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) quản lý, ĐMTMN phát triển mạnh và tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông, Đăk Lắc, Kon Tum, Gia Lai gây nguy cơ quá tải lưới điện trung áp. Cụ thể, hiện có 519 dự án với tổng công suất 414,2 MWp ở các địa phương này đã đăng ký đấu nối nhưng không đáp ứng giải tỏa công suất. Ở các tỉnh, thành khác do EVNCPC quản lý bán điện, khả năng giải tỏa công suất ĐMTMN đấu nối lưới điện trung áp vẫn được bảo đảm.

Đặc biệt là những thông tin đấu nối, khả năng giải tỏa công suất ĐMTMN của từng đường dây, trạm biến áp được công khai, minh bạch trên website của các công ty điện lực, website Chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực.

EVN cũng chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trung áp các khu vực đầy tải, quá tải trong năm 2020; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích tối đa cho nhà đầu tư tham gia phát triển ĐMTMN mà không làm quá tải lưới điện 110 kV. Đồng thời, yêu cầu các Tổng công ty Điện lực nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư, nâng cấp lưới điện các khu vực có đấu nối, giải tỏa công suất ĐMTMN trong những năm tới.

Nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, EVN cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị tới Bộ Công Thương, để được tháo gỡ, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong phát triển ĐMTMN.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên