MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tỉnh lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm

Một tỉnh lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm

Về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), địa phương này năm 2021 chỉ xếp thứ 20 cả nước. Nhưng theo kết quả 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã nhảy 10 bậc trên bảng xếp hạng, xếp thứ 10 toàn quốc.

Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm 2022, top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước gồm có: TP. HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang, Long An và Nghệ An.

Một tỉnh lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó, Nghệ An thu hút dòng vốn FDI với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 605,42 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là lần đầu tiên Nghệ An lọt top 10 địa phương có thu hút đầu tư FDI nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,22%. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện gần 15.730 tỷ đồng, đạt hơn 105% dự toán, bằng 111,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 21.891 tỷ đồng, đạt 70,5% dự toán.

Về thu hút đầu tư, Nghệ An đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 20/9, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 80 dự án và điều chỉnh 79 lượt dự án, tăng cao so với cùng kỳ. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 31.490 tỷ đồng.

Trên thực tế, Nghệ An đã tận dụng triệt để tiềm năng sẵn có để đạt được kết quả tốt như vậy trong thu hút FDI. Theo UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Cùng với đó, Nghệ An có tài nguyên rừng, biển và các loại khoáng sản.

Các loại khoáng sản mà Nghệ An sở hữu có giá trị kinh tế và tiềm năng là đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, chì - kẽm, sắt, đá quý, đá vôi xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng,.. Theo đó, Nghệ An có nguồn tài nguyên tiềm năng phục vụ cho ngành xây dựng.

Trong những năm qua, Nghệ An đã nỗ lực trong việc cải thiện hệ thống giao thông. Hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh hội tụ đầy đủ các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và các cửa khẩu.

Do đó, tỉnh là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ, giao thương giữa hai miền Bắc Nam cả nước cũng như trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó, tỉnh có 5 tuyến đường bộ ngang hướng Đông Tây nối với Lào. Từ đó, hệ thống giao thông của tỉnh có tiềm năng trong phát triển logistics.

Ngoài ra, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của tỉnh cũng đang được chú trọng phát triển để thu hút đầu tư. Tính đến nay, toàn tỉnh có 11 KCN và 1 khu công nghệ cao rộng 94 ha. Trong đó, tỉnh có 5 KCN thuộc KKT Đông Nam với diện tích quy hoạch là 4.532 ha và 6 KCN ngoài KKT Đông Nam với diện tích quy hoạch là 1.660 ha.

Hiện tại, 6/11 KCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN đã thành lập là 41,9%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn quy hoạch phát triển 53 cụm công nghiệp (CCN), trong đó có 24/53 CCN đã thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%.

Theo định hướng phát triển trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào KKT Đông Nam, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các KCN VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1.

Cùng với đó, tỉnh triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, KCN WHA giai đoạn 2 và tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các CCN đang hoạt động và 60% các CCN đang xây dựng.

Đặc biệt. tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghệ An sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Để thu hút dòng vốn đầu tư nhiều hơn nữa nhằm phát triển kinh tế, Nghê An đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng cảng nước sâu và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Vinh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên