“Mù mờ” trách nhiệm kiểm soát quảng cáo lậu của các mạng lưới trực tuyến Google, Facebook?
Hiện Google và Facebook đều chưa có pháp nhân chính thức để hoạt động tại Việt Nam, trách nhiệm của họ trong việc kiểm soát quảng cáo cũng trở nên "mù mờ".
- 16-01-2021Phó Thủ tướng Điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về "thao túng tiền tệ"
- 15-01-2021Cả năm 2020, Việt Nam xuất siêu trên 19,95 tỷ USD
- 15-01-2021Năm 2021: Tất cả người cao tuổi đều có BHYT
Thời gian gần đây, VTV liên tục phản ánh về việc các quảng cáo của nhãn hàng, doanh nghiệp xuất hiện tràn lan trên những nền tảng phim, game trực tuyến chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Thực tế, để các quảng cáo này đến được với người dùng cuối, các Ad Network có vai trò rất lớn, tức các mạng lưới quảng cáo trực tuyến . Tại Việt Nam hiện nay, Google và Facebook đang chiếm phần lớn thị phần.
Trong chiến dịch quảng cáo cho dịp Tết sắp tới, sàn thương mại điện tử Sen Đỏ đặt mục tiêu phải có đến phân nửa dân số Việt Nam biết đến chương trình của mình. Để làm được, doanh nghiệp tập trung cho kênh quảng cáo trực tuyến, với yêu cầu đặt ra cho bên cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp kinh doanh mạng lưới quảng cáo phải sở hữu ít nhất vài trăm triệu điểm quảng cáo trên nhiều nền tảng khác nhau để chạy chương trình mỗi ngày.
Còn việc đảm bảo nội dung của nền tảng phim hay game cụ thể nào đó phải phù hợp pháp luật, đại diện doanh nghiệp cho rằng, trách nhiệm lớn nhất là của mạng lưới quảng cáo.
"Đối với mạng lưới quảng cáo, họ sẽ nhận được doanh thu quảng cáo nên họ phải đảm bảo các quảng cáo phải gói gọn ở những platform (nền tảng) mang tính chính thống, không vi phạm pháp luật. Còn nếu chẳng may chuyện đó xảy ra thì các mạng quảng cáo phải là người đầu tiên loại bỏ các nền tảng đó ra khỏi mạng lưới của họ", ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, cho biết.
Trên thị trường hiện nay, mạng lưới quảng cáo sẽ là đơn vị phân phối mẫu quảng cáo của nhãn hàng hoặc đại lý trên các nền tảng số. Mạng lưới nào càng có nhiều nền tảng trong hệ thống sẽ càng có lợi thế được doanh nghiệp lựa chọn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hai mạng lưới quảng cáo của Google và Facebook đã chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
Trả lời phóng viên VTV, đại diện phát ngôn của mạng lưới quảng cáo Google cho rằng họ đã và đang có nhiều động thái xử lý hành vi vi phạm: "Chúng tôi đảm bảo tuân thủ luật pháp và các quy định. Khi phát hiện thấy quảng cáo vi phạm bất kỳ chính sách nào, chúng tôi sẽ xóa chúng khỏi nền tảng. Riêng trong năm 2019, chúng tôi đã gỡ bỏ 2,7 tỷ quảng cáo xấu trên toàn cầu, khoảng 10 triệu quảng cáo mỗi ngày, tạm ngưng hơn 1 triệu tài khoản nhà quảng cáo vì hành vi vi phạm chính sách".
Trên thị trường hiện nay, mạng lưới quảng cáo sẽ là đơn vị phân phối mẫu quảng cáo của nhãn hàng hoặc đại lý trên các nền tảng số. (Ảnh minh họa)
Dù vậy, đại diện của Google không đề cập cụ thể về việc kiểm soát nhiều nền tảng phim, game chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Còn theo giới chuyên gia, nghịch lý là những mạng lưới quảng cáo có thị phần lớn nhất lại không có pháp nhân chính thức tại Việt Nam, đã khiến trách nhiệm của Facebook, Google trở nên "mù mờ", khó kiểm soát.
"Google và Facebook đều chưa có pháp nhân ở Việt Nam, nên nói về việc chế tài với họ sẽ có khó khăn. Hệ lụy là những nội dung không đúng thuần phong mỹ tục, nhạy cảm sẽ bị phát tán", ông Phạm Trường An, chuyên gia quảng cáo trực tuyến, chia sẻ.
Ước tính, nguồn thu các mạng lưới quảng cáo trực tuyến của Google và Facebook từ thị trường Việt Nam có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên việc xử lý các vi phạm lại chủ yếu theo cách "bắt cóc bỏ dĩa", nghĩa là khi được thông báo nền tảng số cụ thể nào có vi phạm, hoặc do chính nhãn hàng yêu cầu, các mạng lưới quảng cáo mới tiến hành loại bỏ nền tảng ấy ra khỏi hệ thống.
Theo VTV