Mua 2,5kg cua biển, được tính tiền 2kg, sững sờ phát hiện dây buộc cua nặng 1,9kg
Các vị khách không giấu được bức xúc vì trọng lượng dây buộc cua quá nhiều, thậm chí, có người trải dây dài cả mét.
- 04-02-2020Cua biển ngon nhất Cà Mau rớt một nửa giá vì dịch corona
- 28-10-2019Nông dân Trà Vinh vào vụ thu hoạch cua biển nuôi, giá cao
- 06-10-2019Cua biển xuất sang Trung Quốc giá chỉ còn 46.000 đồng/kg
Thực khách mua hoặc thưởng thức cua biển trước giờ chắc đã quá quen thuộc với việc cua luôn cần buộc dây. Tuy nhiên, những tranh cãi quanh chuyện "Mua cua cân luôn dây" giữa nhà hàng và thực khách thì dường như không có điểm dừng.
Mới đây, vị khách C.T.N (trú tại Kim Mã, Hà Nội) không giấu được bức xúc khi ngày 31/3 vừa qua, chị có đặt mua cua tại một hệ thống khá nổi tiếng về hải sản. Mặc dù cua biển được thực khách này đánh giá khá ngon và tươi, song việc nhà hàng mập mờ về loại dây buộc cua khiến C.T.N không khỏi bực bội.
Theo C.T.N, chị chọn mua cua loại 3-4 con/kg để chế biến món ăn cho gia đình (gồm 7 người). Vì biết cua thường được buộc bằng dây nên chị đã trao đổi và nhận được phản hồi của nhà hàng, nếu 2kg cua thì chỉ có khoảng 1,5 lạng là trọng lượng của dây buộc. Tuy nhiên, thực tế trọng lượng lại nặng gấp 3-4 lần.
"Tổng cua có 1,85kg mà cân ra được hẳn 500gram dây. Mua hết hơn 1 triệu, xong mua thêm cả bực", C.T.N chia sẻ.
Vị khách không hài lòng vì nhà hàng báo trọng lượng dây buộc cua không đúng thực tế.
Thậm chí vị khách cũng đã làm theo hướng dẫn của nhà hàng cân dây buộc bằng loại cân nhỏ hơn. Tuy nhiên, sau khi thử các loại cân với trọng lượng khác nhau thì dây buộc vẫn giữ nguyên mức 500gram.
Lý giải về trọng lượng dây buộc cua không đúng như đã báo cho khách ban đầu, nhà hàng cho biết, dây đã không được tháo ra cân từ đầu và tùy thuộc từng hôm nhập hàng, cua được buộc bằng những loại dây to nhỏ khác nhau, dẫn đến việc chênh lệch nói trên. Vì thế, giá của từng loại cua cũng được điều chỉnh để báo đến khách.
Để hài lòng khách, nhà hàng đề nghị đơn hàng sau sẽ miễn phí chi phí vận chuyển và quay trực tiếp dây buộc cua để khách xem trước. Tuy nhiên, giải pháp này đến cuối vẫn không được chấp nhận.Không thể phân trần, người bán đã đề xuất khách gửi trả hàng và sẽ hoàn tiền. Tuy nhiên, do cua được khách mang về quê, lại đang đợt cách ly nên không thể chuyển phát trả lại.
Dây buộc cua trải dài cả mét.
Đây không phải lần đầu các câu chuyện về khách hàng bức xúc vì dây buộc cua chiếm nhiều trọng lượng. "Mua dây được tặng thêm cua" từng là trường hợp vị khách N.H.T chia sẻ trên hội ẩm thực khi 1,4kg cua mà cô mua thì có tới 700gram là dây vải.
Hay một anh chàng khác, cũng từng lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười khi một con cua nhỏ vài lạng nhưng chiếc dây buộc của nó đã lên tới 2-3 lạng.
Một tài khoản là Sang Nguyễn cũng chia sẻ, khi thấy quảng cáo mua cua 2,5kg tính tiền 2kg thì đã đặt mua hàng khuyến mãi ngay. Tuy nhiên, khi cắt hết đống dây vải thì 2,5kg cua "khuyến mãi" về chỉ còn 600gram. Cân hết đống dây, chàng trai mới sững sờ phát hiện lớp dây vải dày cộm, thấm đẫm nước nặng tới 1,9kg.
Anh Huỳnh Giang, chủ một nhà hàng hải sản trên phố Duy Tân, Hà Nội giải thích, việc dùng dây buộc cua là cần thiết để cua không rụng càng khi vận chuyển từ các vùng xa như Cà Mau ra Hà Nội. Dây buộc giữ nước, giữ ẩm sẽ giúp cho cua tươi ngon. Cua buộc chắc cũng dễ cho cả người bán và người mua chọn lựa, mang về chế biến.
"Tuy nhiên, chính vì có nhiều nơi bán nhập nhèm về dây buộc hoặc tìm cách xoắn dây rất nhỏ khiến khách không có kinh nghiệm, phải trả khá nhiều tiền mà không được mấy thịt cua. Do vậy, không nên lựa chọn loại cua được buộc dây quá nhiều và không nên bị hấp dẫn bởi loại chào bán giá rẻ", anh Giang chia sẻ.
Tổ Quốc