'Mùa đông khắc nghiệt' đang đến với ngành thép Trung Quốc
Bất động sản, ngành chiếm hơn một phần ba tiêu thụ thép của Trung Quốc, đang đối mặt với vấn đề thanh khoản giảm.
- 10-09-2022Sau thép, các kim loại màu khác tại châu Âu tiếp tục gặp khủng hoảng
- 09-09-2022Giá thép thanh vằn của Trung Quốc tăng 2%
- 07-09-2022Thị trường ổn định, giá thép bật tăng lần thứ 2 trong vòng một tuần
Với ngành thép của Trung Quốc, mùa đông năm nay đến sớm và khắc nghiệt hơn bình thường bởi kinh tế tăng trưởng chậm, cũng như khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Bất động sản, ngành chiếm hơn một phần ba tiêu thụ thép của Trung Quốc, từ cuối năm ngoái đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm thanh khoản và doanh số bán hàng đi xuống khi nhiều người mua nhà tẩy chay trả các khoản vay thế chấp do bất bình với các dự án xây dựng đình trệ.
Bên cạnh đó, Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Nhu cầu thép ngoài Trung Quốc cũng suy yếu do kinh tế phục hồi chậm do tác động của chiến sự tại Ukraine. Những yếu tố trên khiến ngành thép Trung Quốc bị cuốn vào "cơn bão hoàn hảo".
Hậu quả, hơn 80% trong số 500 nhà máy thép thua lỗ, theo thông tin từ My Steel ngày 22/7. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của 247 công ty được khảo sát giảm xuống còn 9,96%, có thể hướng về mức kỷ lục 4,3% ghi nhận vào tháng 12/2015 khi ngành bị ảnh hưởng nặng nề do dư thừa công suất và nhu cầu yếu.
Bức tranh khủng hoảng được phác họa vào cuối tháng 7 khi nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - Baowu Steel Group đưa ra những cảnh báo về thách thức mà ngành thép phải đối mặt. Doanh số, giá sản phẩm giảm và lợi nhuận cũng đi xuống theo.
"Đã đến lúc ngành thép chuẩn bị cho một mùa đông dài", Chen Derong, Chủ tịch Baowu, chia sẻ tại cuộc họp công ty cuối tháng 7. Thị trường thép có thể đang đối mặt với một cuộc suy thoái mạnh hơn năm 2015 và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Lạm phát toàn cầu và rủi ro địa chính trị làm trầm trọng thêm các vấn đề của ngành thép Trung Quốc, bên cạnh tình trạng cung vượt cầu. Công suất sản xuất thép hiện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 1,2 tỷ tấn/năm, trong khi tiêu thụ là 1 tỷ tấn/năm, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép Trung Quốc (CISA).
Sản lượng thép tại Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Caixin
He Wenbo, Chủ tịch điều hành của CISA, cho rằng chênh lệch cung cầu là câu chuyện dài. Vị này nhận định nhu cầu tiêu thụ thép gắn với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa của Trung Quốc.
Ngành thép nước này đã mở rộng nhanh trong hơn hai thập kỷ khi nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Nước này là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 1996, với sản lượng 1,07 tỷ tấn ghi nhận vào năm 2020. Trung Quốc đứng đầu về tiêu thụ thép, chiếm hơn 50% thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành nhận định nhu cầu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm, buộc ngành này phải điều chỉnh.
Nâng cao vị thế toàn cầu trên thị trường quặng sắt
Để chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn sắp tới, nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đã đề xuất chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải tổ, loại bỏ công nghệ lạc hậu, cải tiến công nghệ và tiêu chuẩn môi trường.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã thực hiện các bước quan trọng để tăng cường kiểm soát đối với nguyên liệu đầu nguồn, với hy vọng tăng cường khả năng thương lượng của ngành thép trong nước trên thị trường quặng sắt quốc tế.
Động thái quan trọng mà Trung Quốc đã thực hiên là thành lập tập đoàn quặng sắt thuộc sở hữu của chính phủ vào cuối tháng 7, Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, để tăng cường các khoản đầu tư và khai thác khổng lồ của Trung Quốc, điều phối việc mua nguyên liệu sản xuất thép trên toàn cầu cho các nhà máy trong nước.
Việc thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản trị giá 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) là một phần trong mục tiêu theo đuổi từ lâu của Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế trên thị trường trong bối cảnh ngành quặng sắt toàn cầu vốn đã ghi danh bốn gã khổng lồ Rio Tinto Group, BHP Group, Fortescue Metals Group và Vale. Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc mới được thành lập đang bận rộn đến thăm các nhà máy thép cũng như các sàn giao dịch hàng để xây dựng các mối quan hệ.
“Hiện chưa rõ Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc mới thành lập sẽ hoạt động như thế nào, nhưng chúng tôi mong đợi các cuộc thảo luận với họ trong thời gian thích hợp”, nhân viên của công ty khai thác quặng sắt Brazil Vale cho biết.
Vòng xoắn ốc đi xuống
Tình trạng khó khăn hiện tại mà các công ty thép của Trung Quốc gặp phải không phải xảy ra trong một sớm một chiều. Các doanh nghiệp thép đã gặp khó kể từ giữa tháng 3. Lợi nhuận của ngành giảm mạnh với ít hơn 20% công ty có lãi trong tháng 7, so với mức trên 80% trước tháng 3, theo My Steel. Con số này đã phục hồi lên hơn 50% vào giữa tháng 8. Chỉ có 5 trong số 25 công ty thép niêm yết tại Trung Quốc ước tính lợi nhuận tăng trong nửa đầu năm.
Dữ liệu cho thấy các nhà máy luyện và cán kim loại đen, phân khúc chủ chốt của ngành thép, đã ghi nhận tổng lợi nhuận giảm từ 23,7 tỷ nhân dân tệ trong tháng 4 xuống 2,4 tỷ nhân dân tệ trong tháng 6, tương đương mức giảm 94%. Trong khi đó, tồn kho thép đã tăng 50% so với đầu năm lên 16,95 triệu tấn vào cuối tháng 6, theo CISA.
Các nhà sản xuất thép đứng trước áp lực lớn vì chi phí nguyên liệu tăng trong khi giá sản phẩm giảm. Trong nửa đầu năm, giá nhập khẩu quặng sắt dao động ở 100-109 USD/tấn, trong khi giá than luyện cốc và than cốc tăng lần lượt 68% và 28% so với một năm trước.
Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải, Trung Quốc từ mức 5.190 nhân dân tệ/tấn (745 USD/tấn) vào đầu tháng 4 xuống còn 3.683 nhân dân tệ/tấn (528 USD/tấn) vào ngày 2/9.
Thêm vào đó, nửa cuối năm nay, ngành thép đối mặt với những thách thức do các chính sách liên quan đến phòng chống Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
"Triển vọng ngành trở nên u ám kể từ tháng 4 năm nay. Thế giới có thể sẽ sớm phải đối mặt với suy thoái toàn cầu", Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế IMF nhận định.
Theo bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF được công bố vào tháng 7, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại từ 6,1% hồi năm ngoái xuống 3,2% vào năm 2022, thấp hơn 0,4% so với dự báo trong bản cập nhật hồi tháng 4. Tháng trước, Goldman Sachs đã hạ mức dự báo năm 2022 đối với GDP của Trung Quốc từ 3,3% xuống 3% trong khi Nomura giảm triển vọng từ 3,3% xuống 2,8%.
"Điều quan trọng nhất bây giờ là sự sống còn và chúng tôi không thể mù quáng đặt cược vào sự phục hồi vì cơ hội quá thấp", một nhà kinh doanh thép chia sẻ.
Các doanh nghiệp thép từng mạnh tay mở rộng công suất khi thị trường thép đang nóng, nay đang chịu nhiều áp lực. "Chúng tôi cần chuẩn bị cho những thua lỗ trong vòng 5 năm tới", Li Ganbo, Chủ tịch Hebei Jingye Group, công ty tư nhân đã mua British Steel với giá khoảng 50 triệu bảng Anh (65 triệu USD) vào năm 2020, chia sẻ.
Ngành thép Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Nikkei Asia
Thách thức từ nhu cầu đi xuống
Thách thức lớn mà ngành thép đang đối mặt là nhu cầu đi xuống. Ngành bất động sản vốn chiếm 1/3 sản lượng thép tiêu thụ ở Trung Quốc nhưng mảng này đang đối mặt với khủng hoảng. Thị trường nhà ở bước vào giai đoạn suy thoái leo thang vào năm 2021 do các chủ đầu tư phải đối mặt với vấn đề thanh khoản. Doanh số sụt giảm trong bối cảnh Covid-19 bùng phát nhiều lần.
Trong 7 tháng đầu năm nay, doanh số bán nhà ở theo khu vực giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư vào phát triển bất động sản trên toàn quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ 2021, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc.
"Ngành thép không thể tích cực nếu ngành bất động sản suy yếu", Giám đốc điều hành cấp cao của Hebei Xinda Iron and Steel, nhận định. Trong nửa đầu năm, sản xuất thép thanh vằn, loại được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà ở, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Wu cho rằng tiêu thụ thép trong xây dựng năm 2022 sẽ giảm 5% so với năm ngoái. Vị trên nhấn mạnh rằng sự sụt giảm này không thể bù đắp được dù nhu cầu tăng từ các ngành cơ sở hạ tầng khác và ngành ôtô. Theo CISA, nhu cầu thép từ các ngành khác như sản xuất, thiết bị gia dụng và container chở hàng cũng đang giảm trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu.
Kim ngạch nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Caixin
Vấn đề của ngành thép Trung Quốc đến từ cả cung và cầu
Tuy nhiên, bất chấp môi trường kinh doanh ảm đạm, các công ty khai thác quặng sắt lớn ở nước ngoài vẫn giữ được niềm tin vào thị trường Trung Quốc.
Trong một báo cáo của Tập đoàn BHP (Australia), doanh nghiệp này cho rằng Trung Quốc dự kiến sẽ "nổi lên như một nguồn ổn định cho nhu cầu hàng hóa trong năm tới, với sự hỗ trợ chính sách đang dần được giữ vững". Giám đốc tiếp thị của Vale, ông Rogerio Nogueira, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng vẫn còn nhiều khả năng để Trung Quốc mở rộng tốc độ đô thị hóa hơn nữa trong 5 đến 10 năm tới, tạo ra nhu cầu tiếp tục đối với các sản phẩm thép.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đến từ cầu, nguồn cung cũng cần được chú ý. “Mặc dù thị trường thép đang phải đối mặt với những thách thức từ nhu cầu, nhưng giải pháp nằm ở phía cung", đại diện CISA cho biết. Nhiều người trong ngành hy vọng chính phủ Trung Quốc có thể thúc đẩy các công ty thép giảm bớt công suất lạc hậu để cắt giảm nguồn cung dư thừa.
Theo một số nguồn tin, chính quyền Trung Quốc đã gửi thông tin đến các tỉnh vào tháng 5, yêu cầu đệ trình kế hoạch giảm sản lượng. Và theo My Steel, một số công ty thép ở tỉnh Giang Tô nhận yêu cầu cắt giảm sản lượng ít nhất 5% so với mức năm 2021. Trong tháng 8, tỉnh Sơn Đông đã công bố kế hoạch giữ sản lượng thép thô địa phương dưới 76 triệu tấn trong năm nay, giảm 0,7% so với năm ngoái.
Đợt cắt giảm công suất thép mới đây nhất của Trung Quốc được thực hiện vào năm 2016 nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa và tạo ra sự bùng nổ trong ngành trong những năm tiếp theo.
Những công ty nhỏ hoặc tìm ngách riêng hoặc rời bỏ cuộc chơi
Ông He cho biết suy thoái thị trường có thể dẫn đến cuộc cải tổ trong ngành, trong đó những người chơi nhỏ hơn sẽ bị buộc phải rời khỏi thị trường hoặc hợp nhất với các công ty khác.
“Vài năm tới, tình hình sẽ rất khó khăn cho các công ty thép”, nhà đầu tư ngành thép nhận định. "Họ cần phải tồn tại trước tiên và sau đó tìm ra thị trường ngách cho riêng mình", vị này nói thêm.
Vấn đề đau đầu là làm sao để giữ cho giá quặng thấp nhất có thể vì Trung Quốc nhập khẩu hơn 70% sản lượng quặng sắt tiêu thụ trong nước và nguồn cung chủ yếu đến từ Brazil và Australia.
Sự phụ thuộc vào nguồn cung quặng sắt từ Australia và Brazil. Nguồn: Caixin
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn khai thác ở nước ngoài. Sự ra mắt của Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc đánh dấu một nỗ lực mới lớn để đạt được những mục tiêu này.
Các chuyên gia cho biết thách thức lớn nữa là các công ty thép không muốn từ bỏ quyền tự kiểm soát đối với hoạt động thu mua quặng sắt. Bên cạnh đó, nhu cầu quặng sắt đa dạng, giao hàng, hậu cần cũng là những vấn đề được quan tâm.
Các nhà máy thép Trung Quốc có nhiều cách khác nhau để mua quặng từ các công ty khai thác, trong đó các nhà máy lớn thường chọn các hợp đồng cung cấp dài hạn vì họ có thể mặc cả để có giá tốt hơn. Trong khi đó, các nhà khai thác nhỏ thường mua trên thị trường giao ngay. Khoảng 80% quặng nhập khẩu ở Trung Quốc được mua thông qua các hợp đồng dài hạn, theo CISA.
Diễn biến giá quặng sắt. Nguồn: Caixin
Trong một cuộc bỏ phiếu mới đây, một số nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc bao gồm China Baowu Steel, Anshan Iron and Steel Group, China Minmetals và Shougang Group đã đồng ý mua khoáng sản thông qua cách mới có sự tham gia của Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc.
Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc được cho là sẽ nắm quyền kiểm soát các tài sản khai thác ở nước ngoài như dự án quặng sắt Simandou khổng lồ ở Guinea để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn nguyên liệu thô.
Dự án Simandou, khu dự trữ quặng sắt chưa được khai thác lớn nhất thế giới ở Tây Phi, là một trong những vụ "đánh cược" lớn nhất của Trung Quốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở Australia và Brazil.
Dự án được chia thành 4 phần, trong đó 2 phần do các công ty Trung Quốc, Singapore kiểm soát. Hai phần còn lại thuộc sở hữu của Rio Tinto và liên doanh giữa Chinalco - China Baowu.
Dự án Simandou ở Guinea đã nhiều lần bị trì hoãn bởi các tranh chấp pháp lý và căng thẳng chính trị. Một bước tiến quan trọng của dự án này được thực hiện vào cuối tháng 7 khi các bên thống nhất phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sắt và cảng.
Một số nguồn tin trong ngành cho biết Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá quặng sắt nếu họ có thể củng cố các nguồn khai thác ở nước ngoài của Trung Quốc.
NDH