Mua hàng online, thanh toán tiền mặt: Dễ bị lừa
Người mua hàng online thường có tâm lý chọn thanh toán bằng tiền mặt khi cầm sản phẩm trên tay để tránh bị lừa nhưng thực tế, thanh toán trực tuyến lại an toàn hơn.
- 09-04-2020Nền kinh tế ngập tràn tiền mặt sẽ là “phép màu” đối với giá vàng
- 06-04-2020Người dân e ngại lây nhiễm bệnh khi giao dịch bằng tiền mặt
- 05-04-2020Không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông ngân hàng để giảm lãi suất cho vay: Có thực sự cần thiết?
Thực hiện quy định giãn cách xã hội, hình thức mua sắm online có điều kiện phát triển mạnh trong vài tháng qua. Bên cạnh những tiện ích rõ ràng của hình thức này, gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), trong đó chủ yếu nhắm vào nhóm khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
Bẫy khách hàng
Theo tìm hiểu, các gian hàng thực hiện hành vi lừa đảo người tiêu dùng thường lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ nên thường đăng sản phẩm với giá thấp hơn nhiều sản phẩm tương đương của các gian hàng khác. Sau khi người tiêu dùng chọn mua, những gian hàng này sẽ chủ động phân loại đơn hàng thanh toán trước và đơn hàng thanh toán bằng tiền mặt. Với đơn hàng đã thanh toán bằng thẻ, ví... và được sàn TMĐT ghi nhận, sẽ khó thực hiện hành vi lừa đảo bởi khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng sẽ khiếu nại lên sàn.
Trong khi đó, đơn hàng thanh toán tiền mặt lại là đối tượng dễ "dính" lừa đảo nhất, trái ngược với tâm lý cho rằng trả tiền khi nhận hàng thì sẽ an toàn. Cụ thể, sau khi khách đặt mua hàng, các gian hàng này sẽ tiến hành hủy đơn hàng và lưu lại thông tin của khách rồi chuyển cho khách món hàng kém chất lượng khác. Việc này thường diễn ra trót lọt bởi gian hàng lợi dụng việc nhiều người mua không theo dõi kỹ quá trình vận chuyển hàng, thậm chí không biết đơn hàng đã bị hủy.
Mua hàng hóa online nên thanh toán trực tuyến để hạn chế rủi ro. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, xác nhận mua hàng thanh toán bằng tiền mặt (COD) là cách thức mà các đối tượng xấu dễ dàng sử dụng để trục lợi từ người tiêu dùng. "Bởi vậy, từ đầu tháng 2-2020, Shopee đã tiến hành kiểm tra việc cập nhật thông tin hàng tồn kho, tình trạng giao hàng của nhà bán hàng liên quan đến đơn hàng mua các sản phẩm thiết yếu trong công tác phòng dịch trên sàn giao dịch TMĐT Shopee. Đối với các nhà bán hàng đang có lượng hàng tồn kho cao, đơn hàng phát sinh nhiều và có tỉ lệ hủy đơn cao, bộ phận hỗ trợ người bán đã trực tiếp liên hệ nhắc nhở, tìm hiểu và có hình thức xử lý phù hợp" - ông Tuấn Anh cho hay.
Ông Tuấn Anh lưu ý người mua hàng trên sàn TMĐT nên kiểm tra lịch sử bán hàng và lượt đánh giá sản phẩm của người bán hàng trước khi lựa chọn mua sản phẩm. Ngoài ra, nên chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng đã đặt được cập nhật theo thời gian thực trong mục "Thông tin đơn hàng" ở tài khoản Shopee của người dùng và từ chối nhận hàng nếu thông tin đơn hàng nhận được không khớp với đơn hàng đã đặt mua.
Nên chọn thanh toán không tiền mặt
Từ rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt với các đơn hàng mua trực tuyến, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam khuyến cáo người mua hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được tích hợp ở sàn giao dịch TMĐT Shopee như thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví điện tử Airpay hoặc Internet Banking thay vì thanh toán bằng tiền mặt. Bởi vì, khi giao dịch được xác lập thông qua thanh toán thành công bằng thẻ, ví..., mọi vấn đề phát sinh về đơn hàng sẽ được sàn can thiệp, xử lý. Còn nếu lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, khi đơn hàng bị shop cố tình hủy, sàn TMĐT không can thiệp được.
Đại diện sàn TMĐT Tiki cũng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử... để vừa phòng ngừa dịch Covid-19 lây lan qua đường tiếp xúc thông thường vừa giúp khách hàng nhận được nhiều ưu đãi từ các đối tác cũng như tránh được rủi ro.
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng rủi ro với khách hàng mua sắm online là rất lớn. Nhiều trường hợp chủ gian hàng online không hủy đơn hàng mà vẫn duy trì đơn hàng khách đã đặt nhưng giao đến sản phẩm chất lượng kém. Khi đó, với những sàn TMĐT không cho đồng kiểm hàng, người tiêu dùng sẽ phải nhận món hàng "dỏm" và mất nhiều thời gian cho việc khiếu nại, đổi trả. Còn gian hàng nếu bị phát hiện cũng chỉ bị khóa tài khoản.
"Tỉ lệ bị lừa đảo thường rơi vào nhóm đơn hàng có giá trị thấp, khách hàng chủ quan, không yêu cầu đồng kiểm hàng hoặc ham rẻ nên dù biết không được kiểm hàng vẫn đặt mua. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc sàn TMĐT tăng cường kiểm soát thì người mua hàng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn gian hàng và sản phẩm. Ngoài ra, lựa chọn thanh toán bằng thẻ an toàn và nhiều tiện ích hơn trong tình hình hiện nay bởi các sàn TMĐT luôn được thiết kế nhằm tối ưu hóa hiệu quả của việc tích hợp giữa mua sắm online và thanh toán online" - ông Bình lưu ý.
Hàng ngàn gian hàng bị xử lý trong mùa dịch
Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết đã cùng với các sàn TMĐT thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm. Tính đến cuối tháng 3-2020, Shopee xử lý khoảng 2.200 gian hàng và khoảng 2.600 sản phẩm phòng dịch; Sendo xử lý khoảng 430 gian hàng và khoảng 520 sản phẩm. Trên một số sàn khác, có khoảng 330 gian hàng và gần 630 sản phẩm bị xử lý.
Người lao động