Mùa kinh doanh quý cuối năm của ngân hàng: Vì sao người đột phá, kẻ báo lỗ nặng?
Trong khi nhiều nơi báo lãi cao, tăng trưởng vượt trội thì cũng có tới 4 ngân hàng báo lỗ trong quý 4/2018.
9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận có xu hướng tăng trưởng cao bao trùm ở đa số các ngân hàng thương mại, người người nhà nhà công bố kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, vào những tháng cuối cùng của năm, trong khi một số bứt tốc mạnh mạnh mẽ thì một số khác lại ngậm ngùi báo lỗ.
Điều này có phần mâu thuẫn bởi Quý 4 vẫn hay được xem là mùa kinh doanh cao điểm và sôi động nhất năm của ngành ngân hàng, thời điểm mà nhiều nhà băng tận dụng nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng cao để đẩy mạnh cho vay, cải thiện kết quả kinh doanh.
Điển hình cho sự bứt tốc trong quý cuối năm là ở VPBank. Trong quý 4/2018, lợi nhuận trước thuế của nhà băng đạt 3.074 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, lợi nhuận quý 4 tăng hơn 50% so với trung bình 3 quý đầu năm và đóng góp tới hơn 1/3 cho lợi nhuận cả năm. Công ty con FE Credit có phần chững lại trong 9 tháng đầu năm cũng trở lại đóng góp nhiều hơn cho VPBank trong quý 4, sau khi được NHNN nới room tăng trưởng tín dụng.
Một ngân hàng khác có công ty tài chính tiêu dùng là HDBank cũng tương tự. Lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2018 của nhà băng này đạt hơn 1.100 tỷ đồng và tăng trưởng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần của quý 4 tăng gần 24%, cao hơn mức trung bình cả năm (20%).
Trong khi đó, có 4 ngân hàng báo lỗ trong quý 4 là VietinBank, Eximbank, VietCapital Bank, Saigonbank với những lý do khác nhau, bởi những yếu tố khách quan lẫn nội tại.
Đơn vị: Tỷ đồng
Saigonbank là ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong 3 tháng cuối năm, do khoản lỗ gần 70 tỷ trong quý 4 mà lợi nhuận cả năm của nhà băng này chỉ đạt 52,5 tỷ đồng trước thuế, giảm 26,1% so với năm 2017.
Trong nhiều năm gần đây, ngân hàng này thường xuyên ghi nhận lỗ ở quý cuối năm do dồn trích lập dự phòng rủi ro ở thời gian này. Quý 4/2018, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 116 tỷ đồng, ngân hàng phải trích hơn 185 tỷ cho chi phí dự phòng rủi ro.
Ngân hàng báo lỗ trong quý 4 tiếp theo là VietCapitalBank với khoản lỗ gần 27 tỷ. Trong khi trước đó, tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm của nhà băng này đạt tới 9 lần so với cùng kỳ. Kết quả cả năm, VietCapital Bank chỉ còn lãi gần 117 tỷ, tăng hơn 3 lần năm trước.
Nguyên nhân lỗ ở VietCapital Bank đến từ việc thu nhập lãi thuần chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, trong khi đó hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ tới 84 tỷ đồng. Dù được hoàn nhập dự phòng 17 tỷ, ngân hàng này vẫn phải ghi nhận lỗ trong thời điểm các nhà băng khác ăn nên làm ra.
Trường hợp đáng chú ý hơn là ở VietinBank và Eximbank, kết quả bị lỗ trong quý 4 của hai nhà băng này đã gây không ít bất ngờ cho nhà đầu tư.
VietinBank, từ ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 2 năm 2017 tụt xuống vị trí thứ 7 năm 2018, nguyên nhân đến từ khoản lỗ 853 tỷ đồng trước thuế quý 4/2018. Lợi nhuận cả năm của ngân hàng chỉ đạt hơn 6.700 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2017.
Với những người thường xuyên cập nhật các sự kiện ở VietinBank, kết quả trên lại không quá bất ngờ bởi vào ĐHĐCĐ bất thường đầu tháng 12/2018, ngân hàng này đã thông báo điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm. Lãnh đạo ngân hàng lúc đó cũng chia sẻ về việc ngân hàng tập trung thực hiện phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 vừa được NHNN hính thức phê duyệt sẽ khiến ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trong ngắn hạn.
Theo giải thích của ngân hàng thì có thể hiểu đây là kết quả nằm trong tính toán. VietinBank cho biết do đang khẩn trương áp dụng chuẩn mực Basel 2, các tiêu chuẩn chất lượng tin dụng được nâng cao, làm cho một bộ phận nợ chuyển nhóm cao hơn, làm tăng nợ xấu, tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giảm lãi dự thu.
Tại ngày 31/12/2018, lãi phải thu của VietinBank giảm về còn hơn 6.900 tỷ đồng, giảm tới hơn 7.600 tỷ (tương đương 52%) so với hồi đầu năm. Việc giảm lãi dự thu và tăng chi phí tín dụng đột biến nhiều khả năng do một số khoản vay lớn tại ngân hàng từng được ghi nhận thu nhập lãi nhưng gặp vấn đề về khả năng trả nợ. Theo đó, tỷ lệ lãi phải thu của nhà băng này chỉ còn tương đương 0,59% tổng tài sản.
So với VietinBank, Eximbank cũng gây "sốc" không kém khi bị lỗ tới 309 tỷ đồng trong quý 4/2018, dù 9 tháng trước đó là một trong những nhà băng có mức tăng trưởng cao nhất.
Chi phí dự phòng rủi ro trong quý 4 của Eximbank đã tăng gần 4 lần lên 401 tỷ dồng, chi phí hoạt động tăng vọt 75% lên mức 1.047 tỷ. Theo đó lợi nhuận cả năm chỉ đạt 827 tỷ, giảm 19% so với năm 2017. "Lùm xùm" 2 vụ tiền gửi "bốc hơi" trong năm qua đã khiến nhà băng này phải trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi lên đến 390 tỷ đồng. Đồng thời, theo chỉ đạo của NHNN về tăng cường trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, Eximbank đã phải trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC số tiền 514 tỷ đồng.
Như vậy, nhìn chung căn nguyên dẫn tới các khoản lỗ của ngân hàng trong quý 4 vừa qua dù đến từ lý do gì đều có liên quan tới nợ xấu, tới chất lượng tín dụng. Không chỉ 4 ngân hàng nói trên bị lỗ, mà nỗi lo nợ xấu vẫn luôn thường trực, tác động rất lớn tới kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng khác khi họ phải chấp nhận trích lập dự phòng nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng dự phòng rủi ro tín dụng khả năng vẫn sẽ tăng mạnh trong năm nay. Bởi các khoản nợ xấu bán cho (VAMC) trước đây đã đến thời hạn tất toán, nên nhà băng phải nhận lại nợ xấu và nếu chưa xử lý được thì phải tăng trích dự phòng. Trong khi đó, những ngân hàng đã tất toán xong trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ có cơ hội ghi nhận những khoản thu đột biến từ việc thu hồi xử lý nợ xấu.
Trí Thức Trẻ