MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mưa lũ nghiêm trọng tiếp diễn tại Trung Quốc

21-08-2020 - 10:24 AM | Tài chính quốc tế

Mưa lũ khiến hơn 200 người chết hoặc mất tích kể từ đầu năm đến giờ tại Trung Quốc

Mưa lũ nghiêm trọng tại vùng thượng nguồn sông Dương Tử ở miền Tây Nam Trung Quốc đang đe dọa đến nhiều địa phương.

Riêng Trùng Khánh đối mặt thách thức nghiêm trọng khi mực nước sông Dương Tử tại thành phố này hôm 20-8 dâng cao chưa từng có kể từ năm 1939. Theo Cục Ứng phó Khẩn cấp Trùng Khánh, nước tại trạm Cuntan trên sông Dương Tử có lúc đạt mức 191,55 m, cao hơn 0,14 m so với trận lũ kinh hoàng khiến 1,5 triệu người dân mất nhà cửa vào tháng 7-1981. Mưa lũ khiến hơn 8.660 km2 đất canh tác bị ngập lụt và gây thiệt hại kinh tế khoảng 2 tỉ nhân dân tệ. Ít nhất 250.000 cư dân địa phương này đã được di dời đến những nơi an toàn.

Cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thị sát nỗ lực ứng phó mưa lũ tại TP Trùng Khánh. Ông thúc giục mọi người chung tay ứng phó thiên tai và cam kết hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trong thời điểm khó khăn này. Chính quyền thành phố 18 triệu dân này hôm 18-8 đã nâng ứng phó kiểm soát lũ lụt lên cấp cao nhất. Nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, Trùng Khánh đã hứng chịu các đợt lũ nghiêm trọng lần thứ 5 kể từ đầu năm đến giờ.

Tại tỉnh Hồ Bắc lân cận, hồ chứa đập Tam Hiệp hôm 20-8 đón lượng nước lũ sông Dương Tử đổ về ở mức cao nhất kể từ khi đập này được xây dựng - đạt đỉnh 75.000 mét khối/giây. Cùng ngày, theo truyền thông Trung Quốc, đập này đã phải mở 11 cửa xả lũ với lưu lượng lên đến 49.400 mét khối/giây.

Mưa lũ nghiêm trọng tiếp diễn tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Một khu vực chìm trong nước lũ ở TP Trùng Khánh - Trung Quốc hôm 20-8Ảnh: THX

Trong khi đó, tỉnh Tứ Xuyên là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lũ hiện nay với hơn 100.000 người được sơ tán những ngày qua. Theo Tân Hoa Xã, trời mưa không ngớt khiến mức nước 22 sông lớn tại tỉnh này vượt mức cảnh báo lũ. Ngoài ra, chính quyền tỉnh này hôm 18-8 đã nâng mức phản ứng khẩn cấp lên mức cao nhất để ứng phó với thiên tai trước khi hạ xuống một cấp một ngày sau đó. Mưa lũ còn đe dọa đến pho tượng Di Lặc Đại Phật cao 71 m - được công nhận là di sản thế giới - ở huyện Lạc Sơn của tỉnh này. Đài CCTV đưa tin cảnh sát và người tình nguyện phải dùng các bao cát để bảo vệ di sản 1.200 năm tuổi sau khi nước lũ lần đầu tiên dâng cao hơn các ngón chân của tượng Phật kể từ năm 1949.

Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc (MEM) hôm 19-8 cho biết chính phủ đã phân bổ 460 triệu nhân dân tệ cho các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc và TP Trùng Khánh để chi tiêu cho nỗ lực kiểm soát lũ lụt, cứu hộ khẩn cấp và tái thiết những vùng bị thiên tai tàn phá. Ngoài ra, theo MEM, 500 chuyên gia cứu hộ được cử đến Tứ Xuyên để hỗ trợ công tác kiểm soát lũ lụt và cứu hộ khẩn cấp tại địa phương.

Trước đó một ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc đã nâng mức ứng phó đối với công tác kiểm soát lũ lụt từ cấp 3 lên cấp 2, đồng thời cử 2 lực lượng đặc nhiệm đến Trùng Khánh và Tứ Xuyên để hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát lũ lụt. Giới chức Trung Quốc vào tuần rồi cho biết lũ lụt đã khiến hơn 200 người thiệt mạng hoặc mất tích kể từ đầu năm đến giờ, ảnh hưởng đến cuộc sống hơn 60 triệu người và gây thiệt hại đến 179 tỉ nhân dân tệ.

Nam Á thiệt hại nặng

Nhiều khu vực ở Nam Á chứng kiến mưa lớn trong những tuần qua, làm mực nước nhiều con sông dâng cao đến mức nguy hiểm và gây ra lũ lụt trên diện rộng, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng cho đến giờ.

Tại Ấn Độ, theo báo Hindustan Times, thủ đô New Delhi hôm 19-8 trải qua các trận mưa gió mùa lớn khiến giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng. Mưa to cũng hoành hành tại nhiều bang ở miền Đông và Bắc Ấn Độ. Theo số liệu được Bộ Nội vụ Ấn Độ công bố hôm 17-8, khoảng 868 người đã thiệt mạng trong các trận lũ lụt và lở đất ở 11 bang trong chưa đến 3 tháng. Ngoài ra, khoảng 14 triệu người bị ảnh hưởng hoặc buộc phải sơ tán do thiên tai. Theo đài CBS (Mỹ), các bang Assam, Bihar, Tây Bengal và Kerala nằm trong số những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng trăm ngàn người đang sống trong các trại cứu trợ. Cục Khí tượng Ấn Độ cảnh báo mưa sẽ tiếp tục kéo dài trong 2 tuần tới.

Trong khi đó, giới chức Bangladesh cho biết ít nhất 226 người thiệt mạng sau khi mưa lũ nghiêm trọng làm ngập nhiều khu vực. Ngoài ra, hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh do nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm. Theo hãng thông tấn AA (Thổ Nhĩ Kỳ), mưa lớn ở bang Assam - Ấn Độ cũng góp phần làm tăng thêm lượng nước đổ vào hạ lưu Bangladesh. Hơn hai triệu người hiện cần hỗ trợ thực phẩm, nước uống, vấn đề vệ sinh và nơi trú ẩn khẩn cấp trong khi 850.000 người phải đi sơ tán. Các con số này dự kiến tiếp tục tăng khi mưa vẫn tiếp diễn.

Còn tại Nepal, ít nhất 6 người thiệt mạng và 17 người mất tích trong trận lũ quét qua huyện Accham hôm 18-8. Theo cảnh sát địa phương, đây là lần đầu tiên khu vực này chứng kiến trận lũ lớn như thế trong 37 năm qua. Khoảng 218 người thiệt mạng và 69 người mất tích do lở đất và lũ lụt kể từ giữa tháng 6 tại Nepal.

Xuân Mai

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Trở lên trên