MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa trẩy hội đầu năm: Tìm hiểu chút văn hóa tâm linh làm hành trang cho những chuyến du xuân

22-02-2018 - 12:24 PM | Sống

Tìm hiểu một chút về văn hóa tâm linh trước mùa du xuân trẩy hội cũng là trang bị cho bản thân những kiến thức sơ đẳng trong mùa lễ hội là điều cần thiết.

Những ngày sau tết Nguyên đán thường là những ngày bắt đầu lễ hội du xuân khắp mọi miền đất nước. Điểm đến được chọn thường là các đền, chùa, am, miếu… nổi tiếng để cầu chúc một năm mới an lành đến cho mình và người thân, bạn bè...

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt nam, có nhiều nơi thờ cúng khác nhau nhưng không phải ai cũng phân biệt được những điểm thờ cúng đó. Do vậy, tìm hiểu một chút về văn hóa tâm linh trước mùa du xuân trẩy hội cũng là trang bị cho bản thân những kiến thức sơ đẳng trong mùa lễ hội là điều cần thiết.

Chùa là gì?

Chùa thường là nơi thờ Phật. Tại nhiều nơi, chùa còn là nơi lưu giữ xá-lị và là nơi chôn cất các vị Đại sư. Chùa thường có nhiều tháp bao xung quanh. Chùa cũng là nơi các tăng ni tu hành và thuyết giảng. Tất các mọi người dù có là tín đồ hay không đều có thể đến thăm viếng, vãn cảnh và tham dự các nghi lễ…

Theo văn hóa phương đông, Chùa được nhân cách hóa bằng hình tượng một đức Phật và được thờ ngay giữa chùa. Một số chùa lại được thiết kế theo dạng trục giữa với các vị Phật ở bốn phương; một số chùa lại có nhiều tầng, đại diện cho Tam giới, một số khác lại được xây 8 mặt đại diện cho Pháp luân hoặc Bát chính đạo…

Những ngày đầu năm du khách không thể quên lễ hội Chùa Hương, chùa Bái Đính khai mạc ngày 6/1 âm lịch. Lễ hội chùa Bái Đính sẽ kéo dài đến cuối tháng 3 Âm lịch. Còn Chùa Yên tử khai hội vào ngày 9/1 âm lịch; trong phần lễ, các vị hòa thượng làm lễ cầu an, cầu mong quốc thái dân an, khai ấn và đóng ấn cầu may cho người xin lễ.

Chùa Tây Thiên nằm trong quần thể Khu di tích thắng cảnh Tây Thiên, được coi là vùng đất thiêng của dãy Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Tại đây tập trung rất nhiều chùa, đền, miếu cổ… Lễ hội Tây Thiên được tổ chức nhằm tưởng nhớ bà Quốc Mẫu Tây Thiên, kéo dài trong 3 ngày 15/2 - 17/2 âm lịch.

Đền là gì?

Đền là nơi được xây dựng nên để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân, người có công với đất nước, với địa phương… đã mất. Cũng có một số đền thờ dành cho các thần thánh trong tôn giáo hoặc tín ngưỡng địa phương.

Nhìn ra thế giới, có rất nhiều đền nổi tiếng được nhắc đến như ở Ai Cập cổ đại có đền thờ Pharaon, ở Hy Lạp có đền thờ thần Apollo trong Thần Thoại Hy Lạp là đền Delphi… Ở Việt Nam rất nhiều danh nhân, nhiều vị vua, chúa có công được dựng đền thờ như vua Lý Nam Đến, Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng, hay như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…

Cũng có thể kể đến rất nhiều đền đón nhiều lượt người tới lễ trong những dịp khai hội như Đền Trần ở Nam Định, đền Hai Bà Trưng, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn ở Hà Nội, Đền Hùng ở Phú Thọ...

Cứ ngày 14 tháng riêng âm lịch hàng năm, Nam Định tổ chức lễ khai ấn Đền Trần, nơi thờ các vị vua đời Trần. Còn 14 tháng Giêng là ngày chính của Lễ hội Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh - một ngôi đền nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cổ Mễ (gồm: Đình – Chùa – Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng. 

Chính hội Đền Hùng, nơi thờ các vị Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Ở Miền Trung, đền ông Hoàng Mười lại khai hội hàng năm từ mùng 8 đến 10 tháng 10 âm lịch.

Quán là gì?

Một dạng đền gắn với đạo Lão (đạo giáo) còn được gọi là Quán. Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt Nam nặng về xu hướng thần tiên nên điện thờ giống như một đền thờ thần thánh. Sang thế kỷ XVI và XVII sau đợt khủng hoảng, một số tín đồ Nho giáo đã chuyển hướng quan tâm đến Lão giáo và điện thờ này lại phát triển theo xu thế mới, thiên về thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa...

Có thể kể đến những Quán nổi tiếng như Thăng Long Tứ Quán bao gồm Chân Vũ Quán (đền Quán Thánh ở ngay phố Quán Thánh), Huyền thiên cổ quán (Chùa Quán Huyền Thiên ở Hàng Khoai), Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở Đường Thành) và Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).

Miếu là gì?

Miếu là một dạng di tích văn hóa có quy mô nhỏ hơn đền. Miếu thường được dựng nên ở các nơi yên tĩnh tại làng, xã, gò cao, sườn núi hoặc ngay đầu làng, cuối làng… là nơi linh thiêng và được xem là nơi an nghỉ của các vị thánh thần. Khi miếu được phối thờ Phật cùng thì được gọi là am.

Đối tượng được thờ tại miếu cũng đa dạng hơn, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi cũng thường chỉ tượng trưng ví dụ Miếu Cô, Miếu Cậu, miếu Sơn Thần, miếu Thổ Thần. Một số nơi miếu cũng là nơi thờ những người có công với nước, với làng xã…

Phủ là gì?

Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Một số nơi còn gọi đền là phủ. Có thể hiểu Phủ là nơi thờ Thánh Mẫu. Phủ thường đặt ở trung tâm của một khu vực lớn, vượt ngoài phạm vi hành chính của địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương.

Ở Hà Nội, Phủ Tây Hồ hàng năm đón hàng triệu lượt khách thập phương đến lễ. Ở Việt Nam, ngôi Phủ lớn nhất còn lại là điện thờ thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.

Đình là gì?

Đình là nơi thờ Thành hoàng của làng, cũng là nơi hội họp, là nơi sinh hoạt văn hóa của cả làng. Dưới các triều vua, Thành hoàng thường được sắc phong. Thành Hoàng cũng là những người có công với dân, với nước, là người lập làng, dựng ấp hay là ông tổ của một nghề.

Ban đầu, đình chỉ là nơi để nghỉ chân, năm 1231 vua Trần Nhân Tông cho đắp tượng Phật ở đình quán. Sau quá trình phát triển đến cuối thế kỷ 15 Thành Hoàng dần được đưa vào cùng đình làng. 

Đình làng thường là một ngôi to, rộng với những cột gỗ thẳng tắp đặt trên những hòn đá lớn. Trong đình, ở giữa có bàn thờ Thành Hoàng, có trống cái để vang lên những dịp lễ hội và tụ họp của dân làng. Trước sân đình được lát gạch là nơi cho dân làng tụ họp.

Có thể lấy ví dụ Đình Bảng ở Bắc Ninh thờ các vị Thành Hoàng Cao sơn Đại vương, Thủy bá Đại Vương, Bách Lệ Đại vương và 6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15; như Đình Tây Đằng ở Hà Nội thờ các vị Thành Hoàng là Sơn Tinh, Thánh Gióng và Thần Nông…

Điện thờ là gì?

Điện thờ tường là một hình thức của đền. Điện là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ, là nơi thờ Phật, Mẫu và các vị thần nổi tiếng khác... Tuy vậy mô hình điện thờ nhỏ hơn đền và phủ, lớn hơn miếu thờ.  

Lan Trần

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên