MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mua trước trả sau" nở rộ

13-07-2023 - 09:02 AM | Thị trường

Dịch vụ "mua trước trả sau" mang đến cho khách hàng nhiều sự tiện lợi khi mua sắm nhưng kèm theo đó là cạm bẫy nếu người dùng chi tiêu quá mức.

"Mua trước trả sau: Buy now - Pay later (BNPL)" ngày càng phát triển, xu hướng này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dùng ở Việt Nam. Hình thức này hiện không chỉ phổ biến trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến mà mở rộng ra các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Người dùng có thể dễ dàng mua hàng gia dụng, máy tính, điện thoại, mua vé xem phim, hàng tiêu dùng thiết yếu… thông qua hình thức này.

Hình thức mua trả góp mới

Mới đây nhất, ngay trong ngày 12-7, Co.opXtra Linh Trung (TP Thủ Đức, TP HCM) phối hợp Công ty CP Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (MOVI) hợp tác triển khai chương trình BNPL đối với các loại nhu yếu phẩm.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Co.opXtra Linh Trung, cho biết nắm bắt được nhu cầu thiết yếu mà người lao động phải chi trả hằng tháng, Co.opXtra phối hợp cùng MOVI ra mắt danh mục nhu yếu phẩm (FMCG) với hình thức BNPL.

Theo đó, khách hàng nhận được những lợi ích khác biệt khi mua sắm nhu yếu phẩm do Co.opXtra cung cấp thông qua MOVI, như mua hàng không cần trả trước, được hỗ trợ trả góp lên đến 45 ngày mà không phát sinh bất kỳ khoản phí nào khác, được thanh toán tiện lợi qua kỳ lương và được hỗ trợ giao hàng tận nơi. "Bước đầu, nhu yếu phẩm được thiết kế theo từng gói (combo) phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên diện rộng, giúp khách hàng có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm thời gian, đồng thời đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết yếu cho người lao động trong các thời điểm khó khăn hoặc chưa đến ngày nhận lương. Có tổng cộng 4 combo theo các mức giá 300.000 đồng (gồm 12 mặt hàng), 500.000 đồng (15 mặt hàng), 1 triệu đồng (21 mặt hàng) và 1,5 triệu đồng (23 mặt hàng) với danh mục hàng hóa đa dạng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của mỗi gia đình" - bà Hiền cho hay.

Mới đây, Lotte Cinema - một trong những hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất tại Việt Nam với hơn 40 cụm rạp trên toàn quốc - cũng hợp tác với ứng dụng Fundiin, mang đến giải pháp thanh toán trả sau cho khán giả xem phim. Theo đó, khán giả Lotte Cinema có thể mua vé xem phim và trả sau trong 30 ngày hoặc chia 3 kỳ thanh toán, đồng thời được miễn phí, miễn lãi.

Trước đó, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee cũng kết hợp với công ty tài chính, ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ BNPL. Như LazPayLater của Lazada, khách hàng từ 20 tuổi trở lên có thể được cấp hạn mức tín dụng tới 3 triệu đồng để mua hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử này với lãi suất 0% trả vào tháng sau hoặc trả góp trong 2, 3, 4 tháng với lãi suất 0%... Trong khi đó, hạn mức của SpayLater trên Shopee lên tới 10 triệu đồng…

Ngoài ra, các ví điện tử và ngân hàng thương mại cũng đang đẩy mạnh dịch vụ BNPL. Như tại ZaloPay, người dùng có thể mở tài khoản trả sau để mua hàng, thanh toán đơn hàng trước và trả lại tiền đã sử dụng vào tháng tiếp theo. Đây là dịch vụ do ZaloPay hợp tác với Ngân hàng CIMB Việt Nam, với hình thức cấp hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán tối đa 5 triệu đồng. Người dùng sẽ được miễn lãi lên đến 37 ngày, không phát sinh thêm bất kỳ lãi và phí nào khi thanh toán dư nợ đúng hạn… cùng nhiều lợi ích hấp dẫn khác.

Tương tự, ví trả sau của MoMo cũng là một dịch vụ BNPL ngày càng được ưa chuộng. Đại diện MoMo cho biết dịch vụ này được triển khai từ tháng 7-2021, ngay trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19. Nhờ sự tiện lợi và dễ tiếp cận, chỉ trong thời gian ngắn ra mắt, sản phẩm đã chiếm được cảm tình của người dùng, đặc biệt là những người trẻ thích nghi và nhạy bén với công nghệ, yêu thích mua sắm online. "Thông qua việc tiêu dùng và thanh toán bằng ví trả sau trên MoMo, người dùng sẽ được ghi nhận lịch sử tín dụng trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Từ lịch sử tín dụng này, khách hàng có thể tiếp cận các khoản vay tại các tổ chức ngân hàng trong tương lai, mở ra cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính cho người dân Việt Nam không phân biệt vùng miền, trình độ, thu nhập" - đại diện MoMo nói.

Theo tìm hiểu, ví trả sau của MoMo cung cấp cho người dùng hạn mức chi tiêu tối đa 20 triệu đồng, tùy theo 3 hạng thẻ Đồng, Bạc, Vàng. Với mỗi hạng thẻ, hạn thanh toán sẽ tương ứng ngày 5, ngày 10, ngày 15 của tháng liền kề.

Mua trước trả sau nở rộ - Ảnh 1.

Người dùng có thể vay đến 10 triệu đồng để mua hàng trên ứng dụng ShopeeẢnh: Hoàng Triều

Rủi ro mất khả năng chi trả

Theo các chuyên gia tài chính, BNPL đang dần trở nên phổ biến trên thế giới, đặc biệt trong giai kinh tế bất ổn hiện nay. Tại Việt Nam, khảo sát của Mastercard năm 2022 cho thấy 95% người tiêu dùng nước ta đã biết đến BNPL. Tuy nhiên, mới chỉ có một tỉ lệ nhỏ sử dụng hình thức thanh toán này. 32% người tham gia khảo sát cho biết đã dùng dịch vụ mua trước trả sau vào năm 2021.

Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Research & Market cho thấy việc áp dụng thanh toán BNPL tại Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng kép hằng năm khoảng 31,1% trong giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau trong nước sẽ tăng từ 1,4 tỉ USD vào năm 2022 lên 8,8 tỉ USD vào năm 2028.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy - giảng viên cấp cao ngành tài chính, Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng với tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng cao, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp BNPL. Tuy nhiên, để phát triển, lĩnh vực này sẽ cần những chiến lược và quy định bài bản. "Nhu cầu tiêu dùng có chiều hướng tăng trong khi một lượng lớn người dân Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận tín dụng ở các tổ chức tín dụng truyền thống như ngân hàng (tỉ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng hiện nay ước tính chỉ khoảng 5%-6%). Các dịch vụ vay tiền cầm cố thường có lãi suất quá cao và dịch vụ khách hàng chưa tốt. Trong bối cảnh này, dịch vụ mua trước trả sau đang nổi lên với nhiều ưu điểm" - TS Phạm Nguyễn Anh Huy nói.

Theo các chuyên gia tài chính, BNPL là một loại hình tài trợ tín dụng ngắn hạn, cho phép người tiêu dùng mua và nhận hàng ngay nhưng việc thanh toán có thể chia thành nhiều đợt trong tương lai. Đặc biệt, phương thức thanh toán này thường không phải chịu lãi suất trong thời gian quy định. Tuy nhiên, vấn đề sẽ xảy ra nếu người dùng bỏ lỡ một lần thanh toán và điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của họ. Thậm chí, một số người có thể mất khả năng chi trả khi cùng lúc phát sinh nhiều khoản nợ.

TS Phạm Nguyễn Anh Huy phân tích BNPL là một hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ (thường dưới 10 triệu đồng), cho phép khách hàng mua trước và chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ (thường là hằng tháng) mà không cần sử dụng thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn thì sẽ không phải trả tiền lãi (lãi suất 0%). Với hình thức thanh toán này, hồ sơ của khách hàng thường được duyệt tự động và rất nhanh. Điều đó tiềm ẩn không ít rủi ro. 

Cần bảo vệ người dùng

Theo TS Phạm Nguyễn Anh Huy, các nhà cung cấp dịch vụ này cần lưu ý quản trị rủi ro và bảo vệ người dùng. Bởi nhiều người tiêu dùng Việt Nam chưa có kiến thức tài chính đầy đủ, dẫn đến việc họ có thể chi tiêu quá mức và mất khả năng trả nợ, đặc biệt khi nhà cung cấp dịch vụ này đánh giá sai khả năng trả nợ của khách hàng. Do đó, cần có các công cụ quản trị rủi ro cụ thể và hiệu quả, hạn chế việc khách hàng mua trước trả sau nhiều sản phẩm.

Theo Thanh Nhân - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên