MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục đích tồn tại của doanh nghiệp là gì: các ông lớn, cổ đông hay lợi ích của toàn xã hội?

28-09-2019 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Ngày càng có nhiều người cho rằng câu trả lời nằm ở các doanh nghiệp lớn, hãy kêu gọi họ đứng ra sửa chữa các vấn đề kinh tế xã hội. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không phải là hướng đi đúng.

Trên khắp các nước phương Tây, chủ nghĩa tư bản đang ở rơi vào cảnh không còn hoạt động trơn tru như đã từng. Việc làm không thiếu, nhưng tăng trưởng thì ì ạch, chênh lệch giàu nghèo quá cao và môi trường đang bị tàn phá. Bạn có thể kỳ vọng rằng các chính phủ sẽ tung ra cải cách để đối phó với những vấn đề này, nhưng ở nhiều nơi nền chính trị đang bị mắc kẹt hoặc quá bất ổn. Vậy thì, ai sẽ đứng ra đảm nhiệm trọng trách?

Ngày càng có nhiều người cho rằng câu trả lời nằm ở các doanh nghiệp lớn, hãy kêu gọi họ đứng ra sửa chữa các vấn đề kinh tế xã hội. Kể cả những chủ doanh nghiệp Mỹ vốn nổi tiếng là chỉ chạy theo đồng tiền cũng đang tỏ ra đồng tình. Hồi trung tuần tháng 8, hơn 180 chủ doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Walmart và JpMorgan Chase, đã phá vỡ luật lệ bất thành văn được duy trì hơn 3 thập kỷ qua để đứng ra cam kết rằng mục đích tồn tại của doanh nghiệp không còn là phục vụ các chủ sở hữu như trước mà còn là phục vụ người tiêu dùng, nhân viên, các nhà cung ứng của họ và cả cộng đồng.

Thành thật mà nói thì đằng sau những tuyên bố này đều là những toan tính khéo léo của các CEO. Họ dự định sẽ có thể ngăn chặn trước các cuộc tấn công mà phe cánh tả trong đảng Dân chủ có thể nhằm vào các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng là một phần của làn sóng thay đổi thái độ đối với giới doanh nghiệp đang rộ lên ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Thế hệ trẻ ngày nay muốn làm việc cho các công ty đứng lên tìm lời giải cho những câu hỏi về đạo đức và chính trị. Các chính trị gia dù thuộc đảng phái nào cũng đều muốn các doanh nghiệp mang việc làm và dòng vốn đầu tư trở về quê nhà.

Thế nhưng theo Economist, làn sóng mới có thể đem lại nhiều tác hại hơn là lợi ích. Làn sóng này có nguy cơ làm hỏng nhóm các CEO không có trách nhiệm và cũng không có lẽ sống rõ ràng, đồng thời cũng đe dọa đến sự thịnh vượng trong dài hạn – điều kiện tiên quyết để chủ nghĩa tư bản thành công.

Kể từ thế kỷ 19, khi các doanh nghiệp Anh và Pháp được định nghĩa là có trách nhiệm hữu hạn, đã có rất nhiều tranh luận xung quanh chuyện xã hội có thể trông chờ gì ở các doanh nghiệp. Trong những năm 1950 và 1960, Mỹ và châu Âu thử nghiệm mô hình chủ nghĩa tư bản thiên về quản lý, tức là các công ty lớn sẽ phối hợp với chính phủ và công đoàn, đóng vai trò đảm bảo công ăn việc làm cũng như phúc lợi cho người lao động. Tuy nhiên sau thời kỳ kinh tế ì trệ trong những năm 1970, giá trị cổ đông lên ngôi, khiến các công ty đặt mục tiêu hàng đầu là tối đa hóa tài sản của cổ đông và đồng nghĩa với tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Sức mạnh của công đoàn suy giảm, và giá trị đem lại cho cổ đông thắng thế trên khắp thế giới, từ Mỹ cho tới châu Âu và Nhật Bản.

Mô hình này đang bị chỉ trích. Đã có nhiều lời than phiền về sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh, từ chuyện các lãnh đạo ngân hàng đòi hỏi các khoản thưởng khổng lồ nhưng lại nhận được những gói cứu trợ khi gặp khủng hoảng do chính lỗi lầm mà họ gây ra cho đến những công ty dược bất chấp lợi nhuận để bán thuốc gây nghiện. Tuy nhiên, than phiền lớn nhất là câu chuyện đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu sẽ gây ra những kết quả xấu. Những công ty niêm yết trở thành tội đồ với rất nhiều lỗi lầm, từ việc quá ham hố lợi nhuận trong ngắn hạn đến bóc lột nhân viên, gây ra ô nhiễm môi trường trong khi không tạo được nhiều lợi ích cho xã hội.

Không phải tất cả những lời chỉ trích này đều đúng. Theo tỷ lệ đầu tư/GDP thì các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ, thậm chí cao hơn cả thời kỳ hoàng kim những năm 1960. TTCK cũng tăng điểm nhờ những triển vọng về lợi nhuận trong dài hạn, với cổ phiếu của các doanh nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng như Amazon và Netflix bay cao.

Tuy nhiên, cũng có những lời chỉ trích hoàn toàn chính xác. Trên thực tế phần người lao động được hưởng trong giá trị mà công ty tạo ra bị giảm xuống, người tiêu dùng được hưởng lợi ít và tính di động xã hội cũng giảm.

Không thể phủ nhận thực tế là các phong trào chống lại giá trị cổ đông đã và đang tác động đến quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Các CEO chú trọng hơn đến những xu hướng thân thiện với người tiêu dùng và nhân viên của họ. Ví dụ, Microsoft tài trợ 500 triệu USD để tạo ra nhiều nhà mới ở Seattle. Tổng thống Trump tự hào lời kêu gọi của ông khiến một số doanh nghiệp mang nhà máy quay trở về Mỹ.

Một số chính trị giá còn kỳ vọng nhiều hơn thế. Nghị sĩ Elizabeth Warren của đảng Dân chủ muốn các doanh nghiệp bị tước giấy phép hoạt động nếu như bị phát hiện lạm dụng lợi ích của nhân viên, người tiêu dùng hay của cộng đồng. Tất cả những điều này là tiền đề cho 1 hệ thống mà trong đó các doanh nghiệp lớn sẽ thiết lập và theo đuổi các mục tiêu xã hội rộng lớn hơn chứ không phải là đi theo những góc nhìn hạn hẹp phục vụ lợi ích của riêng họ.

Điều này nghe có vẻ tốt đẹp, nhưng phạm phải 2 điều quan trọng của chủ nghĩa tư bản: thiếu tính trách nhiệm và thiếu động lực. Cho đến nay các CEO vẫn chưa nhận thức rõ xã hội muốn gì từ công ty của họ. Khả năng cao là các chính trị gia, các nhóm vận động và các CEO sẽ tự quyết định điều này – chứ không phải những người dân bình thường.

Hơn nữa, trong 1 hệ thống có động lực rõ ràng, ít nhất các doanh nghiệp luôn đi tìm lợi ích cho cổ đông. Một số ngành lạc hậu cần phải thu hẹp để phân bổ lại nguồn vốn và nhân lực để tạo điều kiện phát triển những ngành mới tân tiến hơn. Trong khi đó, nếu nghiêm túc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các ông lớn dầu mỏ sẽ phải cắt giảm một lượng lớn việc làm. Những fan hâm mộ của các doanh nghiệp lớn trong thời kỳ 1960 thường quên mất rằng AT&T từng vắt kiệt người tiêu dùng và General Motors làm ra những chiếc xe ô tô cũ kỹ thiếu an toàn. Nhưng cả hai đều được vinh danh là hữu ích cho xã hội vì họ thực hiện tốt những mục tiêu xã hội rộng lớn hơn như cung cấp việc làm cả đời hay đóng góp cho kinh tế của Detroit.

Con đường để làm cho chủ nghĩa tư bản có thể đem đến lợi ích cho tất cả mọi người là phải củng cố cả hai yếu tố trên. Điều này đòi hỏi mục đích tồn tại của doanh nghiệp phải được xác định bởi chính những người chủ của nó, chứ không phải các giám đốc được thuê về để quản lý hay các nhà vận động. Một số người có thể quá coi trọng các mục tiêu ngắn hạn và kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, hầu hết đều sẽ lựa chọn tối đa hóa các giá trị dài hạn.

Một cách để các công ty có trách nhiệm hơn là hãy mở rộng số lượng chủ sở hữu. Hiện tỷ lệ hộ gia đình Mỹ có tham gia vào thị trường chứng khoán (trực tiếp hoặc thông qua các quỹ) chỉ là 50%. Hệ thống thuế cũng nên khuyến khích người dân sở hữu cổ phần nhiều hơn.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là sự cạnh tranh. Cạnh tranh giúp giảm giá cả, tăng sản lượng, khiến các công ty không thể duy trì mức lợi nhuận cao bất thường trong một thời gian dài và khuyến khích họ chạy theo ý muốn của người tiêu dùng, của nhân viên và của các nhà quản lý vì lo sợ đối thủ sẽ vượt lên. Nhưng đáng buồn là kể từ những năm 1990 đến nay, quá trình thanh lọc đã khiến 2/3 số ngành ở Mỹ trở nên tập trung hơn. Trong khi đó nền kinh tế kỹ thuật số đang hướng tới sự độc quyền với sự thống trị của những ông lớn.

Tất nhiên một nền kinh tế muốn khỏe mạnh và có tính cạnh tranh cao thì bắt buộc phải có 1 chính phủ hoạt động hiệu quả - để thực thi luật chống độc quyền, để loại bỏ chủ nghĩa tư bản thân hữu và các cuộc vận động hành lang, để đương đầu với biến đổi khí hậu. Điều này chưa có trên thực tế nhưng để các CEO đứng ra làm thay không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên