MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mức lãi 'khiêm tốn' của ông lớn Vietracimex

19-12-2020 - 07:49 AM | Bất động sản

Mức lãi 'khiêm tốn' của ông lớn Vietracimex

Là tập đoàn tư nhân hàng đầu, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, thuỷ điện, năng lượng tái tạo..., song hiệu quả kinh doanh của Vietracimex suốt nhiều năm qua chưa thực sự tương xứng với tầm vóc của tập đoàn này.

Ông lớn Vietracimex

Những ngày cuối năm, dự án Hinode Royal Park Hoài Đức đang nhận được sự chú ý lớn của giới đầu tư địa ốc Thủ đô. Dù pháp lý chưa đầy đủ, song mức giá rao bán đang được các sàn giao dịch đẩy lên mức "sốt", gấp đôi, gấp 3 lần so với cách đây ít tháng.

Hinode Royal Park Hoài Đức có quy mô 147ha, trước đây có tên là Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, hiện đang là dự án chủ lực của Tổng công ty Thương mại Xây dựng (Vietracimex), sau sự thành công của dự án Hinode Minh Khai - vốn được xây dựng trên trụ sở cũ của doanh nghiệp này.

Liên tục nổi lên thời gian qua với bộ đôi dự án quy mô "khủng", tuy nhiên Vietracimex cùng ông chủ Võ Nhật Thăng lại là những cái tên đầy kín tiếng trong giới kinh doanh. Quá trình phát triển hơn 2 thập kỉ qua của Vietracimex cũng gắn liền với vai trò tuyệt đối của vợ chồng doanh nhân họ Võ.

Vietracimex tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị giao thông trực thuộc Bộ GTVT. Năm 2004, Thủ tướng cho phép thí điểm cổ phần hóa một số tổng công ty, trong đó có Vietracimex. Đến giữa năm 2006, tổng công ty này hoàn tất cổ phần hoá, chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó ông Võ Nhật Thăng nắm 93,37% vốn điều lệ. Quá trình cổ phần hoá Vietracimex năm 2016 bị Thanh tra Chính phủ kết luận là phạm nhiều khuyết điểm, vi phạm, tuy nhiên không đến mức xử lý hình sự.

Hiện tại, doanh nhân Võ Nhật Thăng (SN 1959) vẫn nắm quyền chi phối tại Vietracimex, với tỷ lệ sở hữu lên đến 99,99%, cùng với đó là chức vụ Chủ tịch HĐQT, trong khi đó - vợ ông, bà Vũ Thị Mai Loan (SN 1972) đảm trách vai trò Tổng giám đốc.

Vietracimex hiện hoạt động dựa trên 4 trụ cột là: Bất động sản, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Trong đó,bất động sản là mảng cốt lõi với nhiều dự án đáng chú ý với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng tại Hà Nội như Hinode City quy mô 9.860m2 tại 201 Minh Khai, Hinode Royal Park 157ha tại Hoài Đức, dự án 926 Bạch Đằng rộng 8.534,8m2, dự án nhà ở 9,9ha tại Sóc Sơn.

Đầu tháng 3/2019, Vietracimex gây chú ý được UBND tỉnh Hưng Yên chỉ định làm chủ đầu tư lập quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 KĐT Văn Giang quy mô lên tới 446,9ha.

Tại TP.HCM, Vietracimex cũng sở hữu nhiều lô đất như: Khu tái định cư và công viên cây xanh thể dục thể thao quy mô 16,3 ha (quận Bình Thạnh, TP.HCM); dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long quy mô 41,87 ha (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh TP.HCM); Lô 2 (1.570 căn hộ) thuộc Khu tái định cư 38,4 ha – diện tích 3,18 ha (quận 2, TP.HCM);….

Vietracimex còn có tham vọng ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, một trong các dự án tiêu biểu là Sunrise VNT Phú Quốc quy mô 44,46 ha tại Kiên Giang.

Cùng với đó, doanh nhân gốc Bắc Giang còn sở hữu nhiều dự án sân golf như: Sân golf Hưng Yên quy mô 204 ha – tổ hợp sân golf 27 lỗ kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng và sinh thái; Khu du lịch sinh thái, trung tâm đào tạo golf Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) quy mô 180 ha; dự án Hanoi Golf Club (Sóc Sơn, Hà Nội) quy mô 102 ha;…

Với mỗi doanh nghiệp, việc duy trì dòng tiền ổn định là yếu tố rất quan trọng. Do đó, khi phát triển đến một mức nhất định, các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư sang các lĩnh vực phòng thủ, như: điện, nước, năng lượng tái tạo,… Vietracimex cũng không ngoại lệ, thậm chí doanh nghiệp của ông Võ Nhật Thăng còn là tay chơi lớn trong lĩnh vực năng lượng.

Từ giữa thập niên trước, Vietracimex đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện 3 dự án là Nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) – công suất 45 MW; Nhà máy thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An), công suất 180 MW; nhà máy thủy điện Nậm Mô 1 (Nghệ An), công suất 90 MW;

Một số dự án thủy điện khác có thể kể đến như: Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo (Lâm Đồng), công suất 24 MW; Thủy điện Bắc Mê (Bắc Giang), công suất 45 MW; Thủy điện Tà Thàng (Lào Cai), công suất 60 MW.

Dù vậy, lĩnh vực mà Vietracimex dành nhiều tâm huyết nhất lại là năng lượng tái tạo. Sau khi tăng mạnh vốn lên 5.510 tỷ đồng vào tháng 5/2019, công ty đã liên tục đầu tư vào các dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (150 MW) và 1B (100 MW) tại Bình Thuận. Ngoài ra, Vietracimex cũng sở hữu dự án Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 (Bắc Bình, Bình Thuận), quy mô 100 MW.

Xét riêng năm 2020, các doanh nghiệp dự án năng lượng tái tạo kể trên đã hút tổng cộng 4.350 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Lãi suất dao động từ 6,4% - 10%.

Mức lãi khiêm tốn của ông lớn Vietracimex - Ảnh 1.
Dòng tiền hàng trăm triệu USD đổ về các dự án năng lượng tái tạo của Vietracimex qua kênh trái phiếu. Nguồn: HNX

Bên cạnh đó, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập lĩnh vực BOT của Vietracimex. Như Nhadautu.vn từng đề cập, Vietracimex sở hữu dự án BOT trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (thông qua CTCP BOT Vietracimex 8) và BOT Xây dựng Quốc lộ 2 – đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Ngoài ra, Vietracimex còn nắm nhiều dự án thuộc lĩnh vực khác như: Nhà máy bột giấy VNT19 (Quảng Ngãi), công suất 350.000 tấn/năm; Nhà máy bột đá siêu mịn Trung Đức (Nghệ An), công suất 50.000 tấn/năm; Nhà máy bột đá siêu mịn VNT, VNT7 (Nghệ An), công suất 120.000 tấn/năm.

Một điểm thú vị của Vietracimex là doanh nghiệp này sở hữu nhiều công ty con/công ty liên kết họ "VNT" (lưu ý Chủ tịch HĐQT Vietracimex là ông Võ Nhật Thăng) như: CTCP Nhật Thăng (VNT 10) – công ty liên kết; CTCP Cửu Long VNT, CTCP Bột – Giấy VNT 19.

Vietracimex đang hoạt động ra sao?

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, Vietracimex (công ty mẹ) năm 2019 ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.561 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước; nhưng lại tăng bình quân 80,9%/năm trong giai đoạn 2014 – 2019. Tương tự, lãi thuần công ty cũng ở mức tích cực. Sau khi lỗ 1,3 tỷ năm 2016, công ty lãi 17,9 tỷ năm 2017; 60 tỷ năm 2018 và 41 tỷ năm 2019.

Dù vậy, nếu xét về con số tuyệt đối, doanh thu và lợi nhuận của Vietracimex chưa cho thấy sự tương xứng với quy mô tài sản. Có thể thấy, dù nắm trong tay số tài sản lên tới hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng lãi thuần (từ hoạt động kinh doanh chính) của Vietracimex cũng chỉ dao động từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Mức lãi khiêm tốn của ông lớn Vietracimex - Ảnh 2.

Xét riêng năm 2019, ROA và ROE công ty lần lượt đạt 0,23% và 0,73%. 2 con số này phản ánh hiệu quả kinh doanh khá thấp khi 1 đồng vốn tài sản/vốn chủ sở hữu không tạo ra nổi nửa đồng lợi nhuận.

Tất nhiên, đây chỉ là các con số được thể hiện trong báo cáo.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Vietracimex (công ty mẹ) tại ngày 31/12/2019 đạt 19.265 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 5.635 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,8% và 0,7% so với thời điểm đầu năm. Mặt khác, có thể thấy doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao với khoảng 13.630 tỷ đồng là tổng nợ phải trả.

Ngoài Vietracimex, cũng cần phải đề cập đến CTCP BOT Vietracimex 8 – pháp nhân nắm dự án BOT trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài nổi danh.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, trong khi doanh thu liên tục tăng trưởng với mức bình quân hàng năm là 69,7%, thì lãi thuần của công ty lại không thực sự ổn định với các năm lãi lỗ đan xen với xu hướng ngày càng giảm.

Mức lãi khiêm tốn của ông lớn Vietracimex - Ảnh 3.

Cụ thể, công ty lỗ thuần 8,4 tỷ năm 2016; lãi 21,5 tỷ năm 2017; lỗ 4,6 tỷ năm 2018 và lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng trong năm 2019.

Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, do dự án đang trong tiến độ triển khai, nên Năng lượng Hòa Thắng không ghi nhận doanh thu/lợi nhuận trong năm 2019.

Mức lãi khiêm tốn của ông lớn Vietracimex - Ảnh 4.

Trong khi đó, dù mới khánh thành các dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A và 1B được gần nửa năm (cụ thể là vào ngày 15/7/2019), nhưng cả Hồng Phong 1A và Hồng Phong 1B đều có kết quả kinh doanh năm 2019 rất ấn tượng với mức lãi thuần lần lượt là 198 tỷ và 70 tỷ đồng.

Sự nghiệp của doanh nhân gốc Bắc Giang

Ít ai biết, trước khi bén duyên với Vietracimex, doanh nhân Võ Nhật Thăng đã có nhiều năm công tác tại các doanh nghiệp đường thủy, như: Nhà máy CK82 Hải Phòng (1986-1991); cán bộ tại Công ty Vật tư thiết bị đường thủy (1991 – 1993).

Đến năm 1994, ông chuyển công tác sang Công ty XNK vật tư thiết bị GTVT1, tiền thân của Vietracimex. Như đã biết, qua nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ công ty tính đến hết ngày 31/12/2019 đạt hơn 5.510 tỷ đồng, do ông Võ Nhật Thăng nắm 99,99% vốn.

Giống chồng mình, bà Vũ Thị Mai Loan cũng công tác tại nhiều đơn vị trước khi đầu quân cho Vietracimex. Cụ thể, từ năm 1994 – 1995, bà làm việc tại Tổng công ty xây dựng đường thủy. Giai đoạn 1995 – 2004, bà công tác tại Công ty Thương mại – Xây dựng Hải Phòng. Tới năm 2004 (cho đến hiện tại), bà Loan mới chuyển công tác sang Vietracimex.

Mở rộng ranh giới ngoài phạm vi của Vietracimex, bà còn cùng chồng nắm một loạt các bất động sản có giá trị, như: Lô đất tại 24 Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Biệt thự số 10A, phố Hai Bà Trưng, Hà nội; Lô đất tại tổ 50, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; và khu dân cư An Trang, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Theo Hoá Khoa

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên