MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn có nhân lực chất lượng, Hà Nội cần đặc thù về tiền lương

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Phát triển văn hóa - xã hội gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thủ đô Hà Nội" do Tạp chí Cộng sản tổ chức chiều 7-12.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, để phát triển văn hóa - xã hội gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thủ đô, Hà Nội phải xây dựng cho được một xã hội học tập với phương châm "học tập suốt đời", từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến người lao động, biến nó thành nhu cầu tự thân chứ không phải ép buộc.

Muốn có nhân lực chất lượng, Hà Nội cần đặc thù về tiền lương - Ảnh 1.

Toạ đàm "Phát triển văn hóa - xã hội gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thủ đô Hà Nội" do Tạp chí Cộng sản tổ chức chiều 7-12.

“Thủ đô cần xây dựng và thực thi một số chính sách đặc thù để tạo động lực xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ví dụ như các chính sách đặc thù về tiền lương , về tôn vinh và đào thải nguồn nhân lực theo hiệu quả lao động của họ. Kiên quyết đổi mới và làm trong sạch đội ngũ làm công tác tổ chức, nội vụ” - ông Dũng nói.

Đồng ý kiến, PGS.TS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay của nước ta, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thủ đô thì việc đầu tiên quan tâm đến là phải đầu tư vào con người, trước hết là đầu tư về giáo dục con người.

"Tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia chính là con người của quốc gia đó. Đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục con người là biện pháp có lợi nhất, hữu hiệu nhất, tốt nhất".

PGS Mai Quỳnh Nam lấy dẫn chứng: “Từ thế kỷ 17, các trường đại học tư ở Mỹ hình thành. Việc đầu tiên người Mỹ làm là cử 3.000 nghiên cứu sinh sang Đức để làm tiến sĩ rồi quay trở về làm ở các trường đại học nghiên cứu của Mỹ. Hiện nay, Mỹ có 8 trường đại học lọt vào tốp 10 trường đại học tốt nhất thế giới”.

Tiếp cận ở khía cạnh khác, TS. Trần Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thủ đô Hà Nội thì trước hết phải đầu tư cán bộ văn hóa chất lượng. Bởi đây chính là nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ đó góp phần nâng cao tố chất văn hoá, giáo dục của người dân…

Theo Mai Hiền

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên