MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn thị trường TMĐT Việt Nam phát triển: “Rất cần những doanh nghiệp đi đầu”

18-11-2016 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin - VECITA - Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam đang có tốc độ tăng tưởng khá nhanh và dự kiến có thể đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020.

Ngoài chính sách hỗ trợ từ nhà nước thì sự vào cuộc của rất nhiều doanh nghiệp lớn cũng góp phần hiện thực hóa con số này và thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

TMĐT ngày càng “chất lượng hóa”

Tháng 8/2016, thị trường TMĐT đón nhận tin buồn khi website Lingo.vn lặng lẽ đóng cửa. Trước đó là sự ra đi của Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com… Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đó chỉ là sự “đào thải” tất yếu trong quá trình cạnh tranh chứ không phải là dấu hiệu đi xuống của TMĐT.

Nhanh chóng lấp đầy vào khoảng trống là sự vào cuộc của những tên tuổi mới như: Top Mốt, Shopee… Trong khi đó, sàn TMĐT dẫn đầu thị trường, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường ở Việt Nam là Lazada.vn và những tên tuổi quen thuộc như Zalora.vn, Vatgia.com, Sendo.vn, Adayroi.com, Tiki.vn… tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có sự đầu tư về mặt dịch vụ lẫn sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng.

Theo ông Lê Đức Anh, trưởng phòng Phòng phát triển dịch vụ trực tuyến VECITA thì việc các doanh nghiệp TMĐT đa dạng hóa mặt hàng trên sàn giao dịch, thu hút sự tham gia của thương hiệu lớn, cho ra gói giao hàng nhanh, miễn phí; hỗ trợ chính sách đổi trả dễ dàng; mở rộng dịch vụ đặt hàng qua điện thoại hay việc bắt tay hợp tác với các nhà bán lẻ hàng đầu để đảm bảo chất lượng hàng hóa cung cấp là những động thái tích cực để thu hút người tiêu dùng mua sắm qua mạng cũng như đặt niềm tin vào kênh bán lẻ tiên tiến này.

Để kích cầu, các chương trình khuyến mãi được các doanh nghiệp TMĐT tung ra ồ ạt mùa cuối năm và được sự ủng hộ nhiệt liệt của Vecita. Ông Lê Đức Anh cho biết “Nhà Nước không thể làm TMĐT một mình mà không có sự chung tay của doanh nghiệp. Tháng 12 là tháng của Online Friday. Việc các doanh nghiệp tổ chức khuyến mãi trước và sau ngày Mua sắm trực tuyến quốc gia 2/12 tạo nên làn sóng kích thích nhu cầu của toàn xã hội”.

Chương trình đặc sắc nhất trong năm có lẽ là Mùa Sale Khủng mang tên Cách mạng mua sắm của Lazada, kéo dài hơn 1 tháng (từ 11/11 đến 14/12). Được sự hậu thuẫn của 40 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và hơn 100 thương hiệu khủng, Lazada mang đến hơn 250.000 mặt hàng ưu đãi với mức giảm lên đến 50% cho các dòng sản phẩm bán chạy. Đến thời điểm hiện tại, trên trang chủ của Lazada đã tràn ngập banner, thông tin về chương trình và các mặt hàng cũng đồng loạt giảm giá mạnh.

Dự kiến, vào các ngày trọng điểm 11/11, 12/12, 13/12 và 14/12/2016, website Lazada.vn có thể đạt 5 triệu lượt truy cập với hơn 200.000 sản phẩm bán ra mỗi ngày. Trong khi đó, bắt đầu từ tháng 11, Sendo cũng háo hức vào cuộc với “Ngập tràn deal sốc” hay Tiki với “Cuồng nhiệt mua sắm”… khuyến mãi nhiều mặt hàng từ các thương hiệu quen thuộc.

Sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp giúp TMĐT có nhiều chương trình khuyến mãi uy tín, khắc phục tình trạng khuyến mãi tràn lan nhưng hàng lại kém chất lượng hay tình trạng khuyến mãi “ảo”. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, họ được lợi từ cơ hội mua sắm sản phẩm “thật” với ưu đãi “thật”. Điều đáng hoan nghênh nhất là TMĐT giúp đưa khuyến mãi đến với khách hàng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa nơi hệ thống phân phối truyền thống chưa phủ đến. Chỉ với một cú click chuột, nhà nhà đều có thể tiếp cận thương hiệu bốc với giá sốc một cách dễ dàng.

Ở cương vị quản lý, ông Lê Đức Anh cũng ghi nhận nỗ lực mà các doanh nghiệp đã đem đến trong các chương trình khuyến mãi: “Để tổ chức một chương trình khuyến mãi quy mô và thu hút số lượng lớn người tiêu dùng, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực khác nhau, từ chi phí, con người đến những nỗ lực để làm sao đảm bảo chất lượng của dịch vụ. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh những chương trình mà các doanh nghiệp như Lazada, Tiki, Sendo… thực hiện.”

Được biết, VECITA cũng chủ động kết hợp với các sàn giao dịch TMĐT lớn triển khai chương trình Online Friday vào ngày 2/12, góp phần thúc đẩy thói quen mua sắm qua mạng cho người tiêu dùng.

Mục tiêu đạt 10 tỷ đô năm 2020: Hoàn toàn khả quan

Theo nhận định của VETICA, đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến ước đạt 10 tỷ USD. Ông Lê Đức Anh cho rằng, đây là một con số khả quan: “Chỉ số phát triển thương mại điển tử 2015 là 35% so với 2014, tỉ lệ này tăng theo từng năm. Do đó, nếu thị trường TMĐT đang có một xu thế phát triển như hiện nay cùng với sự vào cuộc của rất nhiều doanh nghiệp lớn, chúng tôi kỳ vọng có sự đột phá từ đây đến năm 2020.”

Nhiều số liệu khảo sát khác cũng cho thấy mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, CEL Consulting nhận định, có rất nhiều tác nhân có thể thúc đẩy thị trường TMĐT như: mức độ xâm nhập Internet được dự báo đạt mức 7% mỗi năm, và số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam được ước tính sẽ tăng từ 41,8 triệu đến 59 triệu người vào năm 2020;

Tuy nhiên, theo kỳ vọng của VETICA thì sự phát triển này không dừng lại ở việc tăng trưởng mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng. Theo đó, Bộ Công thương cũng đã cam kết đồng hành cùng nhà sản xuất, nhà nhập khẩu uy tín để triển khai các chính sách và biện pháp phối hợp để xóa sổ khuyến mãi ảo, hàng giả, hàng nhái. Tiêu chí mà Bộ đưa ra là: hợp tác dài hạn, không hàng giả, không hàng nhái, không khuyến mãi ảo.

Tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với định hướng mà những doanh nghiệp TMĐT hàng đầu như Lazada đang xây dựng. Mùa sale khủng mang tên Cách mạng mua sắm do Lazada khởi xướng đã trở thành sự kiện đáng trông đợi nhất trong cộng đồng TMĐT. Vai trò “anh cả” dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp đang chiếm 1/3 thị phần TMĐT Việt Nam này ngày càng rõ nét. Cùng với những doanh nghiệp khác, Lazada sẽ góp phần “chất lượng hóa” TMĐT tại thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên