MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Muôn vẻ" cách đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt

Nếu nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc chọn cách thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), nhượng quyền thương hiệu với các doanh nghiệp, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Việt Nam để “đi nhanh” hơn thì nhà đầu tư Nhật Bản lại chọn cách làm khác đó là tự mình xây dựng chuỗi trung tâm thương mại.

Nhà đầu tư có đang mạo hiểm?

Được biết việc hoàn vốn của các trung tâm thương mại này thường phải mất 5 năm do vốn đầu tư lớn, nhà đầu tư Nhật Bản có đang mạo hiểm?

Mới đây nhất, phải kể đến thương vụ đầu tư của “ông lớn” đến từ Nhật Bản đó là Tập đoàn AEON vốn đã quen thuộc với thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây. Thông qua Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam Tập đoàn AEON đã tiến hành đầu tư thêm một trung tâm thương mại tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trị giá 190 triệu USD. Dự án này đi vào triển khai nâng tổng số dự án đầu tư vào hạ tầng thương mại của nhà đầu tư này lên 6 với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 1 tỷ USD.

Nhà đầu tư này đặt mục tiêu đến năm 2025, AEONMALL sẽ có 20 trung tâm thương mại trên toàn Việt Nam, như vậy, so với tham vọng, nhà đầu tư này mới đang đi được 1/3 chặng đường.

Việc đầu tư vào hạ tầng thương mại mà cụ thể là xây dựng trung tâm thương mại của nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, sau các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).

Ngoài ra, kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) về thị trường bán lẻ Việt Nam được công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Quay trở lại dự án của AEONMALL, dự án thứ 6 này được triển khai trong bối cảnh, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác như Hàn Quốc, Thái Lan...sự cạnh tranh đến từ chính các chuỗi bán lẻ từ những người đồng hương Nhật Bản.

Ngoài ra, cũng phải kể đến, các mô hình trung tâm thương mại từng “vang bóng một thời” những năm 2005 – 2010 của Việt Nam đang chết dần hoặc sống lay lắt như trung tâm thương mại Parkson, Grand palza hay thậm chí là Tràng Tiền Plaza.

Như vậy có thể thấy, “miếng bánh” bán lẻ màu mỡ là thế, tuy nhiên “đất đã chật, người cũng đã đông”. Chưa kể đến, hoạt động hoàn vốn của các trung tâm thương mại này phải lên tới 5 năm.

Trao đổi với DĐDN, ông Yasutsugu Iwamura – Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam cho biết: “Trung tâm thương mại này sẽ hướng đến các dịch vụ tiện ích hơn cho người sử dụng, ví dụ bãi đỗ xe rộng hơn. Theo đó, nhà đầu tư cũng hướng đến việc tích hợp thêm nhiều ngành hàng hơn và dịch vụ đa dạng hơn”.

Ngoài ra, để triển khai dự án trung tâm thương mại AEONMALL tại Hải Phòng này, nhà đầu tư Nhật Bản đã lựa chọn “bắt tay” với doanh nghiệp được cho là am hiểu thị trường nội địa để triển khai dự án là Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Bất Động Sản Việt Phát.

Việc lựa chọn bắt tay với doanh nghiệp Việt Nam, giữa một bên có nguồn vốn, kinh nghiệm đầu tư, một bên am hiểu thị trường và văn hoá kinh doanh thị trường nội địa chính là xu hướng hợp tác của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường Việt Nam không chỉ riêng trong ngành bán lẻ.

Theo Ngọc Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên