MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ áp thuế sơ bộ với săm lốp Việt Nam: Tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp săm lốp nội địa chỉ bằng một doanh nghiệp FDI

12-11-2020 - 07:25 AM | Doanh nghiệp

Theo Bloomberg, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam với mức thuế suất dao động từ 6,23% – 10,08%. Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 469,6 triệu USD lốp xe từ Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra chỉ dẫn cho Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ thu tiền tạm ứng từ các nhà nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam dựa trên tỷ giá sơ bộ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế vào ngày 16/3/2021. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang sẽ nộp một khoản tiền tương ứng với mức thuế được công bố. Đến tháng 3 năm sau nếu quyết định chính thức được áp dụng thì phía Mỹ sẽ thu khoản tiền đó, nếu không sẽ trả lại cho doanh nghiệp.

Quyết định này theo các chuyên gia trong ngành sẽ ảnh hưởng nhưng không nhiều và sức bán cũng như doanh thu ngành sẽ không giảm đáng kể.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức 17,8%/năm. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe đạt 1,2 tỷ USD. Lốp cao su Việt Nam được xuất khẩu tới 153 thị trường, trong đó Mỹ chiếm 50,4%, Brazil chiếm 3,4%, Nhật Bản chiếm 3,1%, Malaysia chiếm 3,1% và các quốc gia khác như Đức, Ấn Độ, Hà Lan…

Cũng theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ là CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã chứng khoán CSM), Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam, Công ty TNHH Sailun Việt Nam, Công ty Cao su Kenda và CTCP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC).

Các doanh nghiệp FDI vượt trội so với doanh nghiệp trong nước

Số liệu của Bloomberg cho biết năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 469,6 triệu USD lốp xe sang Mỹ. Việc chuyển đổi tiêu chuẩn khí thải từ Euro2 sang Euro4 (chuyển đổi từ sử dụng lốp Bias sang lốp Radial cho dòng xe tải nhẹ) đã làm xu thế Radial hóa tiếp tục lan rộng và tăng trưởng trong năm 2019, đặc biệt tại các quốc gia Châu Á. Tuy nhiên, về quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp FDI đều vượt trội so với các doanh nghiệp săm lốp nội địa, trong khi giá cả của săm lốp ôtô xuất xứ Trung Quốc lại thấp hơn (10-15%) sản phẩm nội địa cùng chủng loại.

Mỹ áp thuế sơ bộ với săm lốp Việt Nam: Tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp săm lốp nội địa chỉ bằng một doanh nghiệp FDI - Ảnh 1.

Công ty TNHH Sailun Việt Nam là công ty con được thành lập với 100% vốn đầu tư của tập đoàn Sailun, tập đoàn sản xuất lốp xe toàn thép và bán thép đình đám của Trung Quốc. Tập đoàn mẹ Sailun có tổng tài sản hơn 18 tỷ nhân dân tệ (2,72 tỷ USD), doanh thu hàng năm khoảng 15 tỷ nhân dân tệ (2,26 tỷ USD). Tập đoàn này có nhà máy tại Thẩm Dương, Thanh Đảo (Trung Quốc), Việt Nam, Canada và Đức, năng lực sản xuất 6,5 triệu lốp xe.

Nhà máy Sailun Việt Nam đặt tại khu công nghiệp Phước Đông, thuộc tỉnh Tây Ninh, chuyên sản xuất lốp xe radial bán thép dành cho xe du lịch, xe tải (PCR,TBR) và lốp đặc chủng dành cho xe công trình (OTR). 

Tập đoàn Sailun đầu tư vào nhà máy này tổng cộng 597 triệu USD, chia làm 3 giai đoạn với tổng công suất là 19,8 triệu lốp PCR và 65 ngàn tấn OTR.

Sản phẩm từ nhà máy 70% được xuất khẩu đến châu Âu và Mỹ, 20-25% xuất khẩu đến thị trường Trung Đông và các nước Đông Nam Á, 5% tiêu thụ nội địa Việt Nam và tỷ lệ tiêu thụ nội địa đang tăng dần qua các năm.

Đến năm 2019, Sailun tiếp tục liên danh với công ty Coopertires của Mỹ để thành lập công ty ACTR. Nhà máy ACTR cũng đặt tại khu công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh với vốn đầu tư 280 triệu USD với sản lượng hàng năm là 2,4 triệu bộ lốp radial toàn thép.

Doanh thu và lợi nhuận của Sailun Việt Nam tăng liên tục qua từng năm. Năm 2013 nhà máy bắt đầu đi vào vận hành, năm 2017 doanh thu của Sailun tại thị trường Việt Nam là 8.277 tỷ thì năm 2019 lên 13.056 tỷ, chiếm 31% toàn ngành săm lốp, trong khi doanh thu của DRC đạt 3.858 tr đồng, chiếm khoảng 9,3% và Casumina đạt 4.365 tỷ đồng, chiếm hơn 10%. Lợi nhuận tăng gấp 3 từ 1.154 tỷ lên 3.135 tỷ, gấp rưỡi lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp sản xuất săm lốp còn lại.

Mỹ áp thuế sơ bộ với săm lốp Việt Nam: Tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp săm lốp nội địa chỉ bằng một doanh nghiệp FDI - Ảnh 2.

Lợi nhuận của Sailun gấp rưỡi tổng lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp còn lại trong ngành

Công ty TNHH Công nghiệp Cao su Chính Tân Việt Nam (Maxxis Việt Nam) là công ty con của tập đoàn Maxxis tại Đài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất vỏ lốp xe. Đây là công ty sản xuất lốp xe lớn thứ 2 tại Việt Nam với doanh thu năm 2019 đạt 4.621 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 587 tỷ đồng. 

Công ty TNHH Yokohama Tyre Việt Nam tiền thân là công ty lốp Yokahama Việt Nam (Mitsubishi 14%, Casumina 30%, Yokohama Nhật Bản 56%) ra đời năm 1997 tập trung sản xuất lốp xe gắn máy và xe tải nhẹ. Năm 2006, sau khi hai đối tác Mitsubishi và Casumina rút vốn, Công ty TNHH Yokohama Tyre Việt Nam được thành lập với 100% vốn của Yokohama Nhật Bản, sản xuất chính là lốp xe nâng, lốp thay thế. Năm 2012, Yokohama Nhật Bản chấm dứt hoạt động của công ty lốp Yokohama Việt Nam và tập trung phát triển công ty TNHH Yokohama Tyre Việt Nam. Từ các loại lốp cho xe gắn máy, hiện Yokohama Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các loại lốp dùng cho xe tải nhẹ, scooter, lốp dự phòng và chủ yếu xuất khẩu sang nước ngoài các lốp xe công nghiệp và lốp xe dự phòng. Nhà máy của Yokohama Tyre Việt Nam đặt tại khu công nghiệp VSIP tỉnh Bình Dương.

Năm 2016, doanh thu của Yokohama Việt Nam khoảng 834 tỷ đồng thì đến năm 2019, doanh thu đạt 1.254 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 108 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp Kumho Tire Vietnam và Kenda cũng đạt mức doanh thu 3.593 tỷ và 3.471 tỷ năm 2019, trong đó doanh thu của Kenda tăng 44% so với năm 2018 còn doanh thu của Kumho giảm 2 năm liên tiếp. Lợi nhuận sau thuế của Kumho đạt gần 200 tỷ, gấp đôi so với năm 2018, của Kenda đạt 248 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2018.

Bridgestone Việt Nam (BSTVN) thuộc Tập đoàn Bridgestone Nhật Bản được thành lập vào năm 2010, cung cấp sản phẩm cho hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Công ty TNHH sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (BTMV), được thành lập năm 2014, là nhà máy sản xuất lốp bố kẽm cho xe du lịch (PSR) và là nhà máy xuất khẩu lốp thay thế cho thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản, nhà máy đặt tại Hải Phòng với vốn đầu tư ban đầu 448 triệu USD. Bridgestone là đối tác chính của Toyota Việt Nam.

Tập đoàn mẹ Bridgestone có doanh thu 25 tỷ USD trên toàn cầu. Tại thị trường Việt Nam, doanh thu 2 công ty của Bridgestone năm 2019 đạt khoảng 4.500 tỷ, sấp xỉ năm 2018, trong khi công ty Bridgestone Việt Nam lãi 126 tỷ thì nhà máy sản xuất lỗ 7 tỷ và là nhà máy săm lốp duy nhất tại Việt Nam ghi nhận lỗ.

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước duy trì đà tăng trưởng 

Mỹ áp thuế sơ bộ với săm lốp Việt Nam: Tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp săm lốp nội địa chỉ bằng một doanh nghiệp FDI - Ảnh 3.

CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC): Năm 2019 DRC đưa vào hoạt động dự án nhà máy Radial giai đoạn 2 nâng công suất lên 600.000 lốp/năm. Tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung, năm 2019 DRC đẩy mạnh xuất khẩu lốp Radial toàn thép (TBR) vào thị trường Mỹ khiến kim ngạch xuất khẩu tăng gần 30% so với năm trước (đạt 74 triệu USD), lợi nhuận trước thuế tăng gần 2 lần.

Thị trường xuất khẩu của DRC phủ rộng khắp 40 quốc gia với Brazil là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 37% doanh thu và sản lượng xuất khẩu lốp TBR. Từ quý II/2019, DRC đã bắt đầu xuất khẩu mạnh vào Mỹ với số lượng 10.000 lốp/ tháng, chiếm 20% sản lượng lốp Radial. 

Trao đổi với báo giới, đại diện công bố thông tin của DRC khẳng định không bị ảnh hưởng bởi quy định áp thuế bán phá giá sản phẩm lốp DOC mới ban hành. Nguyên nhân là đơn vị đang xuất sản phẩm lốp tải nặng radial (lốp toàn thép) sang Mỹ trong khi quy định mới áp dụng cho lốp bán thép và lốp tải nhẹ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến doanh thu xuất khẩu chỉ đạt khoảng 88% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong báo cáo thường niên 2019, DRC đã nhận định các hãng lốp xe lớn của Trung Quốc đã chuyển nhà máy sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, khi đó lốp của các hãng này sẽ có xuất xứ Đông Nam Á. Trên thị trường nội địa những sản phẩm lốp này sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0% do Việt nam thực hiện lộ trình giảm thuế suất theo hiệp định đã ký kết. Và trên thị trường nước ngoài sẽ tránh được thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất xứ Trung Quốc. 

CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM): Sản xuất và bán thương mại lốp radial bán thép (PCR – Passager Car Radial), chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu với công suất 1,2 triệu lốp/năm và lốp TBR đạt công suất 350 nghìn lốp/năm; Tham gia vào chuỗi cung ứng BTP cao su với sản lượng 2.500 tấn/tháng. 

Mặc dù doanh thu lên tới 4.265 tỷ đồng năm 2019, cao hơn 11% so với DRC nhưng lợi nhuận sau thuế của Casumina chỉ đạt 52 tỷ đồng, bằng 20% của DRC cho thấy tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này so với đối thủ khá thấp. Casumina cho biết lợi nhuận bị tác động do chi phí lãi vay còn khá cao và Nhóm lốp Radial toàn thép chưa đạt đến điểm hòa vốn đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả chung của toàn Công ty.

Tuy nhiên Casumina cho rằng bên cạnh các yếu tố khó khăn về cạnh tranh, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực vào 07/2020, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng Việt, trong đó có sản phẩm săm lốp xe các loại.

Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng cùng với sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất săm lốp xe tăng trưởng.


Châu Cao

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên