Mỹ bất ngờ trở thành nhà cung cấp trái cây số 1 cho Việt Nam
Giữa bối cảnh nhập khẩu rau quả giảm đến 42% thì nguồn nhập từ Mỹ lại tăng gần 44% và trở thành nguồn cung rau quả số 1 cho Việt Nam.
- 18-05-2020Trái cây rộ mùa, rớt giá
- 11-05-2020Phập phù cây ăn trái ngoại
- 05-05-2020Độc lạ các loại trái cây rừng tràn xuống phố
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 1,225 tỉ USD, giảm 12,53 % so với cùng kỳ 2019. Tuy vậy, sau khi trừ kim ngạch nhập khẩu, ngành rau quả vẫn xuất siêu hơn 848,5 triệu USD.
Riêng về nhập khẩu rau quả, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch giảm đến 42%, với giá trị 376,9 triệu USD do giảm mạnh lượng nhập từ các thị trường truyền thống. Tuy nhiên, Việt Nam lại gia tăng nhập khẩu rau quả từ một số nước khác như: New Zealand, Myanmar, Mỹ , Hàn Quốc, Nam Phi,…
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Mỹ đạt hơn 102,1 triệu USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2019, lần đầu tiên trở thành nhà cung rau quả số 1 cho Việt Nam với 27,1% thị phần. Trong khi 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Mỹ là 71,1 triệu USD, chiếm 10,9% thị phần và đứng vị trí thứ 3 về nguồn cung rau quả cho Việt Nam.
Cherry vàng nhập khẩu từ Mỹ
Ông Phạm Thiện Hoàng, Giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang (sở hữu chuỗi cửa hàng GreenSpace Store), cho hay trái cây Mỹ là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng Việt Nam săn đón nên lượng nhập về ngày càng nhiều. Hiện cherry Mỹ đang được các công ty nhập về dồn dập, mùa việt quất cũng mới bắt đầu nên lượng nhập sắp tới sẽ còn tăng.
"Tuy nhiên, vấn đề với các công ty nhập khẩu năm nay là giá cước vận chuyển tăng do ảnh hưởng Covid-19. Với các mặt hàng như: cherry, việt quất, nho được nhập về bằng đường hàng không (hàng air) cước đội lên gấp đôi, từ 2 USD/kg lên 4 USD/kg nên giá bán ra không rẻ như năm ngoái" – ông Hoàng thông tin.
Tính đến năm 2020, Việt Nam đã cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 6 loại quả tươi của Mỹ gồm: táo, nho, lê cherry, việt quất, cam, trong đó: táo, nho và cherry Mỹ chiếm thị phần áp đảo trên thị trường trái cây ngoại.
Người lao động