Mỹ điều tra đợt phát hành tiền số năm 2017 của Binance
Changpeng Zhao, nhà sáng lập kiêm CEO Binance. (Ảnh: Bloomberg)
Theo Bloomberg, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đang tiến hành điều tra Binance vì đợt phát hành token BNB năm 2017.
- 07-06-2022Elon Musk doạ huỷ thoả thuận 44 tỷ USD mua lại Twitter, liệu thương vụ có đổ bể?
- 07-06-2022Khó khăn nghiêm trọng của những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon: 'Nhiều công ty sắp bốc hơi'
- 07-06-2022CEO Gojek từ chức sau thương vụ IPO tỷ USD
BNB Token hiện là tiền mã hóa lớn thứ năm thế giới. Theo Bloomberg, các điều tra viên đang xem xét liệu đợt phát hành token lần đầu (ICO) năm 2017 có cấu thành hành vi mua bán chứng khoán hay không. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Binance tiếp tục gặp rắc rối với các nhà chức trách Mỹ. SEC tiến hành nhiều hành động pháp lý đối với ICO, hoạt động phát hành token để huy động vốn. BNB nằm trong đế chế tiền mã hóa của Binance, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất hành tinh.
Trong một tuyên bố, Binance từ chối bình luận mà chỉ tiết lộ đang hợp tác với nhà chức trách, đáp ứng tất cả yêu cầu mà nhà quản lý đặt ra.
Trước khi BNB ra mắt năm 2017, Binance vạch ra kế hoạch trong sách trắng, nói rằng thanh khoản giới hạn trong 200 triệu đơn vị, một nửa số token bán ra thông qua ICO trên nhiều nền tảng. Khoảng 80 triệu dành riêng cho đội ngũ sáng lập Binance, bao gồm tỷ phú Changpeng Zhao hay CZ.
Sách trắng nêu rõ khoảng 85% số tiền huy động được trong ICO được dùng để xây dựng và tiếp thị sàn giao dịch toàn cầu của Binance. Để thu hút các nhà đầu tư đến với BNB, Binance đã giảm phí cho các nhà giao dịch. Họ cũng trả lương cho nhiều nhân viên bằng BNB.
Tuy nhiên, hiện tại, Binance không thực hiện một số điều ghi trong sách trắng, như dành 20% lợi nhuận mỗi quý của sàn để mua lại BNB. Trong một blog năm 2020, CZ cho biết thay đổi nhằm tránh BNB bị hiểu lầm là chứng khoán.
Vẫn theo Bloomberg, ngoài BNB, SEC sẽ điều tra giao dịch nội gián tại Binance và liên kết giữa chi nhánh Binance.US với hai công ty giao dịch có quan hệ với CZ. Hai công ty Merit Peak và Sigma Chain đóng vai trò như các “nhà tạo lập” thị trường, liên tục mua vào bán ra trên Binance.US để giúp giảm thiểu biến động giá.
Tiền mã hóa có thể nằm trong phạm vi quản lý của SEC nếu nhà đầu tư mua nó để gây vốn cho một dự án hay công ty với ý định kiếm lời. Nó dựa trên định nghĩa hợp đồng đầu tư của Tòa án tối cao Mỹ năm 1946.
Binance không đặt trụ sở tại quốc gia nào nhưng có nhiều chi nhánh trên toàn cầu. Trước đó, công ty này đối mặt với các cuộc điều tra từ Bộ Tư pháp, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai và Sở Thuế vụ. Gần đây, Binance được một số quốc gia tại Trung Đông và Châu Âu chấp thuận cho hoạt động trong nước, chẳng hạn Pháp, Italy, Dubai.
Trong suốt giai đoạn dịch Covid-19, giá trị của tiền mã hóa tăng mạnh, BNB cũng không phải ngoại lệ. Đồng tiền này đang giao dịch quanh mức 300 USD và có giá trị vốn hóa khoảng 48,5 tỷ USD. Nó là tính năng quan trọng trong hệ sinh thái tiền mã hóa không ngừng mở rộng của Binance, bao gồm mọi thứ từ ví điện tử đến chuỗi khối riêng.
Nếu BNB được xác định là chứng khoán, Binance sẽ ở vào vị trí tương tự Ripple Labs, công ty đang trong trận chiến pháp lý với SEC, sau khi cơ quan này kiện công ty và hai giám đốc vào tháng 12/2020 với cáo buộc vi phạm quy định khi bán token XRP. Ripple tranh luận token XRP có chức năng như một phương tiện trao đổi tiền mã hóa thay vì là một chứng khoán và lý thuyết của SEC là sai lầm.
Từ khi nắm quyền điều hành tháng 4/2021, Chủ tịch SEC Gary Gensler cho rằng hầu như tất cả ICO là chứng khoán và nên bị cơ quan của ông quản lý.
Theo Bloomberg
ICT News