MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đối diện rất gần nguy cơ đóng cửa chính phủ

29-09-2023 - 09:12 AM | Tài chính quốc tế

Quốc hội Mỹ chỉ còn hơn 3 ngày để thông qua dự luật ngân sách mới và việc này dường như là rất khó khả thi.

Tại TP Atlanta, ban lãnh đạo Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Jimmy Carter đã chuyển các hoạt động chúc mừng sinh nhật thứ 99 của vị cựu tổng thống này từ ngày 1-10 sang ngày 30-9 (giờ địa phương) để "né" kịch bản chính phủ Mỹ bị đóng cửa.

Reuters cho biết thêm chi nhánh của các cơ quan chính phủ đang gút danh sách những nhân viên liên bang nào tiếp tục làm và những người tạm nghỉ. Những việc này được gấp rút chuẩn bị khi kịch bản đóng cửa chính phủ Mỹ dần hiện hữu. 

Nếu dự luật ngân sách mới không được quốc hội thông qua và Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước 0 giờ ngày 1-10 (giờ địa phương) - thời điểm bắt đầu năm tài chính mới ở Mỹ - thì hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ làm và một loạt hoạt động chính phủ bị tạm dừng.

Theo AP, hàng triệu nhân viên liên bang thực hiện những công việc thiết yếu vẫn đi làm nhưng không được nhận lương, bao gồm 2 triệu binh sĩ và lính dự bị. Chưa hết, Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg ngày 27-9 cảnh báo nếu chính phủ đóng cửa, hệ thống hàng không sẽ bị gián đoạn vì thiếu hụt nhân viên không lưu, đội ngũ kỹ thuật…

Mỹ đối diện rất gần nguy cơ đóng cửa chính phủ - Ảnh 1.

Tình trạng đóng cửa chính phủ có thể làm gián đoạn hoạt động hàng không của Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG

Quốc hội Mỹ chỉ còn hơn 3 ngày để thông qua dự luật ngân sách mới và việc này dường như là khó khả thi khi Thượng viện (do Đảng Dân chủ kiểm soát) và Hạ viện (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) đang đi theo những giải pháp ngược lối nhau. 

Kế hoạch của Thượng viện - đã được sự đồng thuận của các nghị sĩ lưỡng đảng tại đây - sẽ cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ hoạt động tới ngày 17-11, trong đó bao gồm 6 tỉ USD viện trợ cho Ukraine và 6 tỉ USD để dành cứu trợ thảm họa trong nước. Khoảng thời gian "chữa cháy" được dùng để tiếp tục bàn luận về một ngân sách đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 27-9 đã bác bỏ kế hoạch này. Các thành viên Đảng Cộng hòa ở Hạ viện muốn tăng cường siết chặt biên giới phía Nam với Mexico, cắt giảm hơn nữa các khoản chi tiêu đã được thỏa thuận hồi tháng 6 vừa qua và dừng viện trợ Ukraine.

Theo ông McCarthy, các thành viên Cộng hòa ở Hạ viện có thể đưa ra giải pháp tạm thời của riêng họ vào ngày 29-9 (giờ địa phương). Phe cực hữu ở Hạ viện muốn tranh luận và thông qua tất cả 12 dự luật ngân sách riêng rẽ cho các cơ quan chính phủ - một quy trình rất mất thời gian mà không có gì bảo đảm sẽ hoàn tất trước kỳ hạn đóng cửa. 

Cho đến nay, Hạ viện mới tranh luận xong 4 trong số 12 dự luật trên - dùng để cấp ngân sách cho các bộ Quốc phòng, An ninh nội địa, Nông nghiệp và Cục Quản lý hoạt động viện trợ nước ngoài.

Bản thân ông McCarthy cũng bị các thành viên cứng rắn của đảng mình đe dọa truất phế khỏi ghế chủ tịch Hạ viện nếu ông thông qua bất cứ dự luật chi tiêu nào với sự giúp sức của các hạ nghị sĩ Dân chủ.

Trong lúc Nhà Trắng kêu gọi phe Cộng hòa ở Hạ viện "xử lý rắc rối họ tạo ra" thì đối thủ chính của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử năm 2024 - cựu Tổng thống Donald Trump - lại hối thúc đồng minh tiếp tục cuộc chiến cắt giảm chi tiêu và nếu cần thì "cứ đóng cửa chính phủ". 

Từ năm 1981 đến 2020, Chính phủ Mỹ đã trải qua 14 lần đóng cửa, theo Reuters. Lần lâu nhất chính là dưới thời ông Trump: Xảy ra vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 và kéo dài trong 35 ngày do mâu thuẫn về ngân sách dành cho việc xây tường biên giới.

Cả hai hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s và Fitch đều cảnh báo mức độ tín nhiệm của chính phủ Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu chính phủ đóng cửa. Đánh giá mới của ngân hàng Goldman Sachs ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2023 của Mỹ sẽ giảm 0,2 điểm % mỗi tuần nếu tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài.

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên