Mỹ gia nhập cuộc đua 'bơm' dầu giá rẻ vào thị trường châu Á, nhu cầu dầu thô sẽ thế nào?
Thị trường châu Á đang đứng trước nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết khi các quốc gia bị trừng phạt dầu thô như Nga đẩy mạnh bán dầu với chiết khẩu cao tại đây. Mỹ cũng bắt đầu đẩy mạnh dầu giá rẻ vào thị trường này khi nhận thấy nhu cầu xăng dầu nội địa giảm mạnh trong mùa hè. Nguồn cung đa dạng và chiết khẩu cao, nhu cầu dầu của châu lục này liệu có tăng?
- 13-08-2022Giá dầu có tăng trở lại?
- 12-08-2022Nguồn cung lithium tiếp tục khan hiếm trong thập kỉ này, ngành xe điện gặp khó
- 07-08-2022Nhập khẩu dầu diesel của EU từ Nga tăng vọt - châu Âu làm cách nào từ bỏ năng lượng Nga?
Theo báo cáo mới đây của Bloomberg, những người mua châu Á đã mua dầu thô giá rẻ của Mỹ trên thị trường giao ngay một lượng đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu đối với các loại dầu thô từ Trung Đông có khả năng sẽ thấp hơn trong tương lai.
Các nhà giao dịch cho biết các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc và Ấn Độ đã mua khoảng 16 triệu thùng dầu thô của Mỹ trên thị trường giao ngay trong tháng này. Con số này đã cao gấp đôi so với mức mà họ mua vào tháng 7 vừa qua.
Sự chênh lệch về giá giữa dầu thô từ Trung Đông và dầu thô WTI ngày càng lớn với ưu thế nghiêng về Mỹ trong bối cảnh nhu cầu xăng dầu tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh vào mùa hè này. Trong khi đó dầu đến từ Trung Đông vẫn có giá tương đối đắt.
Saudi Arabia, một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường châu Á đã tăng giá bán dầu chính thức lên mức cao kỉ lục vào đầu tháng này. Dẫn đầu là dầu Arab Light với mức phí bảo hiểm lên tới 9,80 USD/thùng so với mức chuẩn của Oman và Dubai. Điều này phản ánh nguồn cung đang bị siết chặt khi các quốc gia tăng cường lấp đầy khoảng trống do dầu thô Nga bị trừng phạt và xuất khẩu sụt giảm.
Hàn Quốc và Ấn Độ đều phụ thuộc hoàn toàn vào dầu thô nhập khẩu để tiêu thụ, với Hàn Quốc dựa vào các mặt hàng nhập khẩu tới 93% mức tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Về dầu, nước này nhập khẩu hơn 73% từ Trung Đông.
Về phần mình, Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu hơn 80% lượng dầu mà nước này tiêu thụ. Giống như Hàn Quốc, nước này nhập khẩu phần lớn dầu từ các nhà cung cấp Trung Đông mặc dù năm nay những người mua dầu của Ấn Độ đã bắt đầu mua dầu thô chiết khấu cao từ Nga.
Vào đầu năm nay, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 của Ấn Độ sau Iraq với việc dầu Nga được giảm giá do bị phương Tây trừng phạt nhưng lại khiến chi phí vận chuyển cao hơn.
Ảnh minh họa
Nhu cầu có khả năng đi xuống
Các nguồn tin giao dịch của Bloomberg đã chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận lọc dầu ở châu Á đang giảm. Một số nhà máy lọc dầu đang nghĩ đến việc giảm công suất trong mùa hè này. Điều này cho thấy cơn khát dầu của thị trường châu Á có thể sẽ lắng xuống trong những tháng tới.
Giá dầu đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng, thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh vào đầu tháng 3 sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.
Dữ liệu tháng 7 cho thấy xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh của họ do người mua ở hai quốc gia đang "quay cuồng" giữa các lựa chọn dầu thô.
Ông Ed Moya, Nhà phân tích cấp cao của sàn giao dịch OANDA cho biết: "Nhu cầu dầu thô đang suy yếu rõ ràng do lạm phát lan rộng dẫn đến sức mua của người mua châu Á đang ngày càng giảm đi."
Nhu cầu dầu ở châu Á tăng cao sau khi Nga xâm lược Ukraine với các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ tận dụng lợi thế của hàng xuất khẩu siêu rẻ của Nga, vốn đã không còn được ưa chuộng đối với các khách hàng lâu đời ở châu Âu. Nhưng điều này đã làm tăng giá trị dầu của Nga và người mua một lần nữa đang tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn ở nơi khác.
Vào giữa tháng 7, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng vọt đã đưa Saudi Arabia trên đà đạt mức tổng xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020, khi các biện pháp phòng chống COVID-19 của Trung Quốc bắt đầu giảm bớt. Tuy nhiên những lệnh hạn chế nghiêm ngặt đang làm suy giảm nhu cầu thô cùng với áp lực lạm phát.
Ông Moya cho biết thêm rằng nhu cầu dầu thô của châu Á phụ thuộc vào động lực lớn từ thị trường Trung Quốc, điều này sẽ trở nên phức tạp khi quốc gia này vẫn kiên định với chính sách "Zero Covid" của mình.
Trung Quốc là nước mua năng lượng lớn nhất thế giới và nhập khẩu của nước này thường có thể chiếm 10% tổng nhu cầu. Các nhà phân tích cho biết, các nhà máy lọc dầu đang ý thức được việc chi phí nhập khẩu tăng cao và thay vào đó họ đang dựa vào nguồn cung trong nước.
Bà Emma Li, Chuyên gia phân tích thị trường tại Vortexa cho biết: "Dòng chảy dầu thô nội bộ của Trung Quốc đã tăng lên kể từ quý 2, khi các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang rút nguyên liệu từ các tỉnh khác, thay vì mua các thùng dầu giao ngay có giá rẻ nhưng chi phí vận chuyển đắt đỏ từ thị trường quốc tế."
Theo BI, Oilprice
Tổ quốc