Mỹ kiểm tra 100% lô cá tra từ Việt Nam
Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo sẽ áp dụng quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2-8 thay vì 1-9 như lộ trình trước đó.
- 03-07-2017Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo lắng về xuất khẩu tôm và cá tra
- 03-07-2017Nông dân cảnh giác trước giá cá tra tăng
- 29-06-2017Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, cá tra nguyên liệu giảm mạnh
Ngày 10-7, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes (chủ yếu cá tra, ba sa) vào Mỹ chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu Mỹ để tuân thủ quy định mới của nước này.
Cụ thể, thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Nafiqad nhận được công thư của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) thông báo sẽ áp dụng chính thức quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2-8 thay vì 1-9 như lộ trình đã thông báo trước đó.
Cá tra sẽ bị nhà chức trách Mỹ kiểm tra 100% sớm hơn dự định
Theo đó, tất cả các lô hàng cá bộ Silurformes nhập khẩu vào Mỹ sẽ được FSIS thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu chính thức (i-house). Nhà nhập khẩu phải gửi đơn đăng ký kiểm tra theo mẫu cho FSIS trước khi lô hàng đến cửa khẩu.
Nafiqad lưu ý các DN trong việc ghi nhãn sản phẩm phù hợp với quy định của FSIS từ tên sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, thành phần,…
Nội dung kiểm tra của FSIS đối với các lô cá tra gồm: sự phù hợp của chứng thư kèm lô hàng, cảm quan, ghi nhãn, điều kiện bảo quản vệ sinh chung và lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại, định danh loài và vi sinh vật gây bệnh. Trong đó, riêng nhóm hóa chất, kháng sinh FSIS kiểm nghiệm đa dư lượng 108 chất nhóm thuốc bảo vệ thực vật, 89 chất kháng sinh, 17 kim loại và 4 chất nhóm thuốc nhuộm.
Hiện nay, Việt Nam có 62 DN được Mỹ cấp phép nhập khẩu cá tra nhưng do chịu thuế chống bán phá giá cao nên chỉ có vài DN có xuất khẩu thực tế.
Trước đây, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu sự quản lý của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và chỉ bị lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với tần suất khá thấp (2%).
Người lao động