MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cùng chi hàng tỷ USD đua nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, là 'kho bạc' nước ta đứng thứ 3 thế giới

27-11-2023 - 06:30 AM | Thị trường

Năm 2022, nước ta có sản lượng mặt hàng này lên tới 9 triệu tấn.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cùng chi hàng tỷ USD đua nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, là 'kho bạc' nước ta đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản của Việt Nam trong tháng 10 đã thu về hơn 841 triệu USD, tăng 3,4% so với tháng trước đó. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 7,44 tỷ USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ nhiều năm nay, các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam chủ lực vẫn là tôm, cá tra, cá biển, nhuyễn thể và các loại thuỷ sản đông lạnh và các loại thuỷ sản khô, đã chế biến. Ngoài ra, còn có những mặt hàng cao cấp như bào ngư, cá ngừ, nghêu và các mặt hàng hải sản khác.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cùng chi hàng tỷ USD đua nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, là 'kho bạc' nước ta đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 2.

Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm, thủy sản của nước ta xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ với hơn 1,31 tỷ USD, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 18%.

Xếp thứ 2 về kim ngạch là Nhật Bản, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang xứ hoa anh đào đạt 1,25 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam với 1,14 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cùng chi hàng tỷ USD đua nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, là 'kho bạc' nước ta đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 3.

Trong 10 tháng năm 2023, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Đối với mặt hàng cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng 5% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ, cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng tăng khả quan hơn. Các mặt hàng mực, bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ vẫn giữ tăng trưởng âm từ 10-13% trong tháng 10.

Theo Trung tâm tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và PTNT), lũy kế cả năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của nước ta ước đạt 9.026 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm 2021. Kết thúc năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).

Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ cuối năm 2022 đến nay, bức tranh toàn cảnh về xuất khẩu thủy sản Việt Nam được phủ gam màu tối khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do nhu cầu chững lại từ các thị trường chủ lực. Xuất khẩu thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế.

Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên. Do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của năm 2022.

VASEP cho biết dư địa ở khối thị trường CPTPP vẫn còn nhiều đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có được nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, cũng như đa dạng nguồn cung nhập khẩu từ các nước nội khối.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên