MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Năm 2019, giá thép và biên lợi nhuận sẽ thấp hơn năm trước”

CTCK VNDIRECT đã đưa ra quan điểm giá thép sẽ điều chỉnh trong năm 2019 vì nhu cầu chững lại và nguồn cung tăng lên.

Trong báo cáo chiến lược mới được công bố, CTCK VNDIRECT đã đưa ra quan điểm giá thép sẽ điều chỉnh trong năm 2019 vì nhu cầu chững lại và nguồn cung tăng lên.

Luận điểm này của VNDIRECT được đưa ra dựa trên lo ngại nguồn cung thép xây dựng sẽ vượt nhu cầu trong năm 2019. Cụ thể, theo VNDIRECT, trong giai đoạn 2013-18, ngành xây dựng Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 10,9%/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ thép tăng trưởng trung bình 15,9%/năm. Với kỳ vọng ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2019, do đó nhu cầu thép xây dựng nội địa vẫn sẽ khả quan.

VNDIRECT dự phóng nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng 9-10% trong năm 2019, tương đương sẽ tăng lên khoảng 1 triệu tấn thép. Về phía nguồn cung, thị trường sẽ có thêm khoảng 1,5 triệu tấn thép xây dựng mới trong năm, chủ yếu nhờ vào việc vận hành giai đoạn 1 của dự án nhà máy thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát. Vì thế, VNDIRECT cho rằng nguồn cung có thể vượt nhu cầu thép xây dựng trong năm 2019 và tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các công ty sản xuất thép xây dựng.

Giá thép và biên lợi nhuận trong năm 2019 sẽ thấp hơn năm trước

Giá thép thanh đạt đỉnh vào giữa năm 2018 ở mức 13,6-13,9 triệu đồng/tấn, sau đó giảm xuống 12,7 triệu đồng/tấn vào cuối năm 2018 do nhu cầu suy yếu trong mùa mưa. Đồng thời, diễn biến giá thép nội địa cũng bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá mạnh của thép Trung Quốc.

Trong năm 2019, trên cơ sở kỳ vọng về việc mất cân bằng nhẹ cung cầu ngành thép trong nước nên xu hướng giảm giá thép xây dựng được có thể tiếp diễn. Hơn thế nữa, giá nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng giảm tiếp cũng sẽ khiến cho giá thép đầu ra suy giảm.

Năm nay, giá quặng sắt và than cốc cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm vì nguồn cung gia tăng và nhu cầu yếu dần tại Trung Quốc. Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT giả định giá thép xây dựng trong nước sẽ giảm 10% trong năm 2019. Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước sẽ thu hẹp lại do giá đầu ra sẽ có thể giảm nhanh hơn so với giá nguyên vật liệu đầu vào.

“Năm 2019, giá thép và biên lợi nhuận sẽ thấp hơn năm trước” - Ảnh 1.

Khó khăn đến từ xu hướng của ngành thép Trung Quốc trong 2019-20

Theo VNDIRECT, sự dư thừa công suất của ngành thép Trung Quốc là gánh nặng cho ngành thép Việt Nam trong 2015-16, làm suy giảm giá thép và lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước. Nhờ quá trình tái cấu trúc nguồn cung ngành thép tại Trung Quốc và việc Việt Nam áp dụng thuế quan cho thép nhập khẩu, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể trong 2017-18.

Tuy nhiên, VNDIRECT tỏ ra quan ngại chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thép trong thời gian tới khi nhu cầu trong nước đang suy yếu dần. Trong một diễn biến gần đây, Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông từ 01/01/2019 nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu.

Mặt khác, VNDIRECT kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để đối phó với sự chậm lại của nền kinh tế. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên đà giảm giá thép. Theo nghiên cứu của DBS, thúc đẩy hạ tầng có thể tạo ra nhu cầu khoảng 80 triệu tấn thép (10,4% tổng nhu cầu thép Trung Quốc năm 2018). Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng cần có thời gian và yếu tố này có thể không đủ để đảo chiều đà giảm của giá thép toàn cầu trong năm 2019.

Các nhà sản xuất thép Việt Nam vẫn được bảo hộ bởi thuế quan

Chủ nghĩa bảo hộ đang tăng dần trong ngành thép toàn cầu trong thập kỷ vừa qua. Các quốc gia và vùng lãnh thổ lớn như US, EU, Ấn Độ và ASEAN đã áp dụng thuế quan và hạn ngạch cho thép nhập khẩu. Hiện tại, thuế tự vệ của Việt Nam đối với thép Trung Quốc sẽ có hiệu lực kéo dài đến tháng 03/2020.

“Năm 2019, giá thép và biên lợi nhuận sẽ thấp hơn năm trước” - Ảnh 2.

Giả định nếu dùng quặng sắt và than cốc cùng chất lượng để sản xuất thép tại Trung Quốc và Việt Nam, VNDIRECT tính toán giá mỗi tấn thép thanh tại Việt Nam và Trung Quốc dựa vào dữ liệu ngày 06/12/2018.

Mặc dù thuế tự vệ sẽ giảm từ 19,3% xuống 17,3% như lịch trình, thép thanh nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn sẽ cao hơn khoảng 10% so với thép Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc nguồn cung ngành thép Trung Quốc sẽ gián tiếp gia tăng chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp thép Trung Quốc thông qua việc yêu cầu dùng quặng sắt và than cốc chất lượng cao. Tóm lại, VNDIRECT tin rằng ngành thép xây dựng Việt Nam sẽ vẫn được bảo vệ bởi thuế tự vệ trong trung hạn.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên