MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2019: Nhìn lại những con số đáng lưu ý về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Báo cáo mới đây của Bộ KHĐT đã chỉ rõ những kết quả cũng như các mặt hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

Bộ KHĐT nhận định thời gian trở lại đây, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh mạnh mẽ. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới và lượng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế liên tục tăng.

Số liệu cũng cho thấy trong 5 năm liên tiếp, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (trong đó 96% là DN khu vực tư nhân). Trong năm 2019, Việt Nam dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Năm 2019: Nhìn lại những con số đáng lưu ý về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.
Năm 2019: Nhìn lại những con số đáng lưu ý về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

Về cơ cấu, báo cáo của Bộ chỉ ra đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Theo đó, tỷ trọng các doanh nghiệp có quy lớn, vừa, và nhỏ có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm. Tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2018 chiếm 2,8%, tăng 0,4% so với năm 2016 (2,4%).

Doanh nghiệp vừa chiếm 3,5%, tăng 1% so với năm 2016 (2,5%), nâng tổng tỷ trọng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn từ 4,9% năm 2016 lên 6,3% năm 2018.

Tỷ trọng nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng tăng từ 25% lên 30,8% trong khi nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ trọng giảm từ 70,1% xuống còn 62,9%.

Mặt khác, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp lớn FDI, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng. Hiện có 9/29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD thuộc khu vực tư nhân. Cụ thể là Vingroup, FLC, Masan, Vietjet, Trường Hải, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát,…

Báo cáo Việt Nam năm 2019 cũng cho biết trong danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 21 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Con số này năm 2016 là 11 và năm 2017 là 16 , và năm 2018 là 17. Trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân (Vingroup) nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng bền vững, sáng tạo. Những năm gần đây tỷ trọng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong các ngành nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản so với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm dần. Trong những năm 2005, 2006, số doanh nghiệp trong ngành khai thác khoáng sản chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp, nay tỷ lệ này chỉ còn 0,5%...

Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa.

Số liệu cũng cho thấy tổng doanh thu thuần năm 2018 đạt 23,9 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2017, tăng 37,6% so với năm 2016, gấp 2,3 lần 2011.

Nếu xét theo ngành, lĩnh vực kinh doanh thì công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có tỷ trọng lớn nhất về doanh thu thuần, tốc độ tăng gần 16% so với năm 2017. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất chưa đến 1% (0,57%) tổng doanh thu thuần của toàn bộ khối doanh nghiệp, nhưng có tốc độ tăng cao nhất 20,32 so với năm 2017.

Doanh thu thuần năm 2017 của doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng 57% và mức tăng so với năm 2017 là 16,2%; doanh nghiệp FDI chiếm 28,7%, tăng 15,7%; DNNN chiếm 14,3%, tăng 9,3%.

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2018 đạt 953,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2017, tăng 33,9% so với năm 2016.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Theo Bộ KHĐT, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thứ. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.

Cơ cấu quy mô doanh nghiệp cũng được đánh giá chưa bền vững. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Hiện tượng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp tư nhân chính thức.

Nhưng điều đáng lưu ý hơn là số lượng các doanh nghiệp cỡ vừa với khoảng 21 ngàn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 3,47% trên tổng số doanh nghiệp. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp cỡ vừa thường chiếm từ 5-10%.

Thiếu doanh nghiệp cỡ vừa và lớn cũng là một trong những yếu tố hạn chế khả năng kết nối của khu vực doanh nghiệp Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặt khác, Đối với các doanh nghiệp lớn, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực.

Ví dụ, số liệu về các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, những đại diện tiêu biểu nhất cho các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam, cho thấy quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ là 186 triệu USD/ công ty vào năm 2018. 

Quy mô vốn này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,2 tỷ USD/công ty tại Philippines, 1,07 tỷ USD/công ty tại Singapore, 835 triệu USD/công ty tại Thái Lan, 809 triệu USD/công ty tại Indonesia và 553 triệu USD/công ty tại Malaysia tính đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2018.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra năng lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để xuất khẩu ra nước ngoài…

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên