MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2022 sẽ xử lý quyết liệt với 12 dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả

Năm 2022 sẽ xử lý quyết liệt với 12 dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả

Đây là nhiệm vụ được Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đặt ra với các tập đoàn, tổng công ty tại Hội nghị Tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 ngày 8/1.

Nhiều tập đoàn đạt lợi nhuận khủng

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2021 là năm dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống dân sinh.

Tuy nhiên, trải qua một năm đầy thách thức, năm 2021 có 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế. Có 5 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Cà phê Việt Nam, Tổng Cty Lương thực miền Nam. Có 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách.

 Năm 2022 sẽ xử lý quyết liệt với 12 dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh VGP/Quang Thương


Đáng chú ý, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng năm qua vẫn có 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020. Đứng đầu trong danh sách là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 40.698 tỷ đồng, bằng 238,6% kế hoạch năm. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 2.869 tỷ đồng, bằng 303,9% so với kế hoạch năm. Việc đảo ngược kế hoạch năm từ lỗ sang có lợi nhuận rất cao là nhờ cước vận tải biển năm qua đã tăng rất nhiều lần so với trước đó.

Trường hợp biến lỗ thành lãi khác được ghi nhận nhờ những biến động lớn của thị trường do dịch COVID-19 gây ra được ghi nhận là trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem, năm qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vinachem ước đạt 1.726 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là lỗ 1.217 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước lỗ 2.160 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 193 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm lỗ 951 tỷ đồng. Theo ông Cường, có kết quả trên nhờ tập đoàn đã làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch và thực hiện linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Cường, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã có gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, thuế, lãi suất vay. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp không được hưởng lợi từ việc này. Dẫn câu chuyện Vinachem có khoản vay lớn tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (VDB) 4.000 tỷ, đã trả 1.600 tỷ đồng tiền lãi nhưng theo ông Cường đến giờ tổng tiền nợ vẫn còn hơn 6.300 tỷ đồng. Doanh nghiệp không được giãn, giảm lãi suất. Trong khi đó, tập đoàn cũng vay 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và cũng đã trả được 1.600 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, phần nợ tại các ngân hàng thương mại chỉ còn 3.650 tỷ đồng.

“Cũng là vay ngân hàng nhưng khoản vay của ngân hàng chính sách hỗ trợ phát triển mà lãi và sức nặng lại gấp đôi so với ngân hàng thương mại cổ phần. Vì vậy kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp gượng dậy”, ông Cường kiến nghị.

Xử lý dứt điểm các dự án đầu tư không hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao vai trò và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2021 đã đóng góp quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, dù chịu những biến động thị trường và dịch bệnh. 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn đạt 99% kế hoạch doanh thu, vượt 62% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế và vượt 27% kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước. Việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu uỷ ban phối hợp với các uỷ ban, tỉnh, thành phố, các cơ quan để xử lý các vướng mắc trong công việc.

“Uỷ ban cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, năm qua Ủy ban đã làm tốt công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong năm 2021.

Về định hướng trong năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sẽ xử lý quyết liệt với 12 dự án thua lỗ, đầu tư không hiệu quả. Cùng đó tiếp tục rà soát, phát hiện các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả khác. Ông cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo nguyên tắc thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước…

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên