Năm 2023, tuổi nghỉ hưu và lương hưu của người lao động thay đổi ra sao?
Sang năm 2023, chế độ hưu trí của người lao động có những thay đổi gì?
- 25-10-2022Vinataba làm trái chỉ đạo của Thủ tướng: Khu ‘đất vàng’ gần 31.000m2 đắp chiếu
- 25-10-2022"Không thể dùng quỹ BOG để bù đắp cho doanh nghiệp xăng dầu"
- 25-10-2022Điểm tên loạt doanh nghiệp không nhập xăng dầu
Tăng tuổi nghỉ hưu
Điều 169 Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhất định cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu vào năm 2023 của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được xác định như sau:
- Nam: Từ đủ 60 tuổi 9 tháng.
- Nữ: Từ đủ 56 tuổi.
Ngoài ra, người lao động còn có thể nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi trên từ 5 đến 10 tuổi nếu có thêm các yếu tố như bị suy giảm khả năng lao động; có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,…
Tăng mức lương hưu tối thiểu
Theo Điều 56 và Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, mức hưởng lương hưu của người lao động có thời gian tham gia BHXH bắt buộc sẽ được tính dựa trên số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng (tính theo số năm đóng BHXH) * Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở.
Tại buổi khai mạc phiên họp thứ 4 Quốc hội khóa XV ngày 20/10/2022, trong báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần phải hoàn thiện và phát triển hiệu quả chính sách về tiền lương trong đó có điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1/7/2023.
Mức tăng lương cơ sở được đa số các ý kiến đồng ý là tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.
Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, sang năm 2023, mức hưởng lương hưu tối thiểu của người lao động sẽ được tăng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.
Dự kiến tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH
Bên cạnh đề xuất tăng lương cơ sở, trong tờ trình của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, Chính phủ cũng đề xuất:
- Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp .
- Tăng trợ cấp ưu đãi người có công và tăng các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Số tiền ngân sách cần có để chi cho các chính sách này dự kiến là khoảng 3.550 tỷ đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Chính phủ sẽ quyết định mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh phù hợp, tương ứng với thời điểm và mức điều chỉnh tăng lương cơ sở.
Năm 2023, mức lương cơ sở dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất tiếp tục điều chỉnh tăng thêm mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH là phù hợp, bảo đảm được tương quan giữa các nhóm đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Trí thức trẻ