MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm mới có nhất thiết phải mặc quần áo mới? Từ bao giờ, quần áo chỉ mặc 1 lần, chụp 1 bức ảnh thì bị coi là "cũ"

01-02-2022 - 16:41 PM | Lifestyle

Năm mới có nhất thiết phải mặc quần áo mới? Từ bao giờ, quần áo chỉ mặc 1 lần, chụp 1 bức ảnh thì bị coi là "cũ"

Tết Nguyên Đán là một phép thử để kiểm tra xem liệu quan niệm cũ về “cái cũ và cái mới” có còn tồn tại hay không.

E ngại về việc mặc hoặc mua đồ cũ là những rào cản đáng kể. Nhiều món đồ sau khi mặc chỉ một lần, được chụp trong một bức ảnh cũng đã bị vứt bỏ vào một góc tủ quần áo. Chúng được cho là “đồ cũ” vì mọi người đã thấy rồi. Do đó, trong lần “lên sóng” tiếp theo, người ta có xu hướng lựa chọn những bộ đồ mới nổi bật hơn. 

Niềm tin này được tăng cường trong dịp Tết Nguyên Đán khi mặc quần áo mới báo hiệu một khởi đầu mới cho năm mới.

Người ta tin rằng, một bộ quần áo mới có thể đem tới may mắn mới cho chủ sở hữu của mình. Đó cũng chính là lý do mà mọi người thường có quan niệm rằng, năm mới thì phải mặc quần áo mới. Như vậy mới là “đón Tết đúng chuẩn”. Không có gì ngạc nhiên khi quần áo mới tinh cũng trở thành một minh chứng cho sự giàu có.

Một cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 2019 bởi Milieu, một công ty nghiên cứu và phân tích người tiêu dùng, cho thấy 82% người Singapore gốc Hoa thường mua quần áo mới cho Tết Nguyên đán.

Nhiều người bị cám dỗ mua hàng từ các thương hiệu thời trang nhanh như Zara hoặc Shein do giá rẻ, phong cách hợp xu hướng. Tuy nhiên, giá cả thấp và chu kỳ về xu hướng thay đổi liên tục cũng hình thành nên tư duy thích dùng đồ một lần. Từ đó, chủ nghĩa tiêu dùng vô thức được tạo ra.

Năm mới có nhất thiết phải mặc quần áo mới? Từ bao giờ, quần áo chỉ mặc 1 lần, chụp 1 bức ảnh thì bị coi là cũ  - Ảnh 1.

Tủ chứa đầy quần áo nhưng mọi người vẫn tiếp tục mua thêm vì định nghĩa “cũ” và “mới”. (Ảnh: iStock)

Một nghiên cứu gần đây của Globescan cho thấy có một khoảng cách lớn giữa nguyện vọng và hành động. Ở châu Á, 44% người được hỏi mong muốn có một lối sống bền vững hơn nhưng chỉ 23% đã thực hiện những thay đổi quan trọng để đạt được điều này. 

Niềm yêu thích mua sắm của mọi người cũng leo tháng vào mùa lễ hội, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Trong quá trình dọn nhà vào cuối năm, người ta cũng chứng kiến lượng rác thải tăng vọt, trong đó bao gồm cả các loại quần áo. 

Theo Salvation Army, rất nhiều vật dụng bị vứt bỏ chỉ vì bị bẩn hoặc hỏng hóc nhỏ. Có vẻ như việc loại bỏ vận rủi cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều chất thải xuất hiện ở những bãi rác. 

CHUYỂN ĐỔI XU HƯỚNG BÁN LẺ, PHÁT TRIỂN Ý THỨC

May mắn thay, xu hướng đang thay đổi với nhận thức ngày càng cao về thói quen mua hàng của mỗi chúng ta có thể tác động đến môi trường. 

Đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi chậm sang chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn ở nhà, họ đã đánh giá lại tầm quan trọng của sức khỏe của bản thân cũng như của cả hành tinh này.

Từ bao giờ, quần áo chỉ mặc 1 lần, chụp 1 bức ảnh thì bị coi là "cũ"? Tại sao chúng ta cần quá nhiều quần áo mới trong khi hầu hết chúng ta đều làm việc ở nhà? 

Để hướng tới cuộc sống bền vững hơn cho túi tiền cá nhân và môi trường chung của toàn hành tinh thì thay đổi tư duy là điều tối quan trọng. Mọi người đều nên có nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề môi trường do ngành công nghiệp thời trang nhanh gây ra. 

Năm mới có nhất thiết phải mặc quần áo mới? Từ bao giờ, quần áo chỉ mặc 1 lần, chụp 1 bức ảnh thì bị coi là cũ  - Ảnh 2.

Các thương hiệu địa phương và các nhà bán lẻ cũng đang bắt đầu tập trung vào cách họ có thể giúp quy trình sản xuất và người tiêu dùng giảm lượng khí thải carbon.

Thời trang nhanh có lợi thế giá rẻ, nhưng đó cũng chính là bất lợi đằng sau. Vì chúng nhanh bị đào thải, có độ bền kém nên mọi người sẽ phải mua mới liên tục. Khi khách hàng nhận ra tổng chi phí thực sự đằng sau, họ sẽ có ý thức thay đổi. 

SỬ DỤNG QUẦN ÁO HIỆN CÓ CỦA BẠN

Các chuyên gia môi trường cho rằng, cách tốt nhất để con người sống bền vững hơn là mặc những thứ họ đã có sẵn trong tủ. Đổi và thuê quần áo cũng là giải pháp thay thế khả thi, còn mua quần áo mới nên là sự lựa chọn bất khả kháng cuối cùng.

Ông Raye Padit, người sáng lập và giám đốc điều hành của nền tảng hoán đổi The Fashion Pulpit, khẳng định: “Không có gì phải xấu hổ khi mặc lại trang phục cũ, cho dù đó là của bạn hay của người khác. Nếu đó là bộ quần áo thích hợp với bạn thì trông bạn vẫn rất ổn, phong thái và quyến rũ, bất chấp việc nó mới hay cũ.”

“Chúng ta cần bình thường hóa việc mặc lại quần áo,” ông nói.

Năm mới có nhất thiết phải mặc quần áo mới? Từ bao giờ, quần áo chỉ mặc 1 lần, chụp 1 bức ảnh thì bị coi là cũ  - Ảnh 3.

Mọi người không cần thiết phải mua sắm quần áo mới mỗi dịp Tết đến. (Ảnh: The Fashion Pulpit)

Giám đốc marketing của Zero Waste SG Jasmine Tuan cho biết, điều bền vững nhất cần làm là mặc những gì đã có trong tủ quần áo của bạn.

“Chúng ta luôn có những tủ quần áo chật ních đồ đạc. Vậy thì liệu có thực sự cần mua một chiếc áo phông khác, một chiếc váy khác, một chiếc quần jean khác không?” cô đưa ra câu hỏi. “Khi bạn nhìn vào tủ quần áo của mình, bạn vẫn có thể tìm thấy những món đồ này. Bước tiếp theo là mặc nó, chứ không phải mua mới.”

“Nếu không, mọi người có thể cân nhắc tặng lại các món đồ cũ không còn mặc đến cho bạn bè và gia đình, hoặc quyên góp cho các tổ chức. Điều này sẽ giúp chu kỳ quần áo tuần hoàn một cách có trách nhiệm hơn, so với việc chất đống trong tủ rồi vứt thẳng ra ngoài bãi rác”, cô nói.

Sarah Garner, người sáng lập Retykle, cho biết: “Khi đến Tết Nguyên đán, tôi sẽ ‘shopping’ từ chính tủ quần áo của mình và không mua bất cứ thứ gì mới. Tôi tin rằng, may mắn cũng có thể được trao cho những người có ý thức tốt với hành tinh này.”

Nguồn: CNA 

https://cafef.vn/nam-moi-co-nhat-thiet-phai-mac-quan-ao-moi-tu-bao-gio-quan-ao-chi-mac-1-lan-chup-1-buc-anh-thi-bi-coi-la-cu-20220201160535356.chn

Thuý Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên