Năm tuổi thọ bị mất - Chỉ số khác đo mức độ nghiêm trọng của COVID-19
Mức độ nghiêm trọng của COVID-19 thường được đo bằng số người chết, nhưng có một chỉ số khác về tử vong cũng nói được nhiều điều không kém: số năm tuổi thọ bị mất.
- 28-06-202010 quốc gia có nguy cơ đón làn sóng COVID-19 thứ hai khi nới lỏng phong tỏa
- 27-06-2020Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong một ngày cao kỷ lục
- 27-06-2020Ổ dịch Bắc Kinh đặt ra câu hỏi về tuyến đường lây nhiễm mới Covid-19
Theo tờ Quazt, con số người chết do các nhà dịch tễ học và lãnh đạo y tế tổng hợp cho thế giới thấy một bức tranh ảm đạm: Trong số trên 10 triệu ca COVID-19 toàn cầu, gần nửa triệu người đã tử vong.
Tuy nhiên, một số người am hiểu lĩnh vực y tế sử dụng một thước đo khác về tử vong mà không mấy người quen thuộc: số năm tuổi thọ bị mất (YLL). Cả YLL và tổng số ca tử vong đều phản ánh cái giá đắt mà COVID-19 gây ra về sinh mạng. Tuy nhiên, hai chỉ số nhấn mạnh tới các khía cạch khác nhau mà mọi quốc gia đều phải đối mặt.
YLL được dùng trong giới học thuật từ những năm 1940 nhưng mãi tới những năm 1990, các nhà khoa học mới sử dụng rộng rãi chỉ số này. Đó là khi các nhà nghiên cứu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xuất bản nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu đầu tiên.
Đây là nghiên cứu đầu tiên không chỉ đo lường số người tử vong trên toàn cầu mà là đánh giá thời điểm họ tử vong và tác động của những cái chết này với sự phát triển chung của một quốc gia.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở hạt Montgomery, bang Maryland, Mỹ ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN
YLL tập trung vào những người tử vong sớm. Giả sử người dân trong cộng đồng 1.000 dân sống tới năm 85 tuổi, nhưng 100 người chết lúc 75 tuổi vì ốm đau, tổng số tử vong sẽ là 100, nhưng YLL sẽ là 1.000 (100 người x 10 năm tuổi thọ bị mất). Nếu nhóm đó chết lúc 65 tuổi, con số tử vong vẫn là 100, nhưng YLL đột ngột tăng lên 2.000. Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Các nhà kinh tế đặc biệt coi trọng chỉ số YLL vì chỉ số có thể cho thấy thiệt hại tài chính mà một căn bệnh gây ra ngoài mất mát về con người. Bệnh tật khiến nạn nhân càng tử vong càng sớm thì nó sẽ làm giảm càng nhiều năng lực kiếm thu nhập. Từ đó, các nhà kinh tế có thể tính toán con số ước tính về thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh gây ra.
Cách tiếp cận này có thể hữu ích với giới chức y tế đang tìm cách chống dịch với ngân sách hạn chế. Nếu có một nhóm lớn trẻ em và người trẻ tuổi tử vong vì tiêu chảy ở một quốc gia, YLL sẽ cao hơn bằng đó số người già tử vong vì bệnh tim.
Một quốc gia có thể tiết kiệm nhiều năm tuổi thọ và tiền bạc nếu xây dựng các hệ thống vệ sinh tốt hơn để phòng bệnh tiêu chảy hơn là đầu tư vào máy móc chữa bệnh tim.
Tuy nhiên, sử dụng YLL để đưa ra quyết định như vậy không hề đơn giản. Thứ nhất, YLL có một số giả định khiến chỉ số này ít quan trọng ở một số quốc gia. Tuổi thọ là một mục tiêu quan trọng. Khi các nhà nghiên cứu đăng báo cáo Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu đầu tiên năm 1993, họ sử dụng phụ nữ Nhật Bản với tuổi thọ trung bình 82,5 năm và nam giới với tuổi thọ 80 năm. Trong những năm gần đây, WHO đã đổi sang tuổi thọ gần 92 năm với mọi giới tính.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sống được 10 thập kỷ vì thế YLL cần được tính riêng cho từng quốc gia.
Đầu dịch COVID-19, một số quốc gia chậm thực hiện phong tỏa và các biện pháp khác để giảm tốc độ virus lây lan. Họ cho rằng vì virus gây tử vong nhiều nhất cho người già và nó không phải là mối đe dọa nghiêm trọng. Suy nghĩ này cho thấy các quốc gia đang sử dụng lý luận dựa trên YLL.
Khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi quyết định này là phân biệt tuổi tác.
Còn ông Jeffrey Hammer, nhà kinh tế phát triển và sức khỏe từng làm việc ở Ngân hàng Thế giới và Đại học Princeton, nói: "Tôi có thể thấy tại sao người ta lo cho người trẻ nhiều hơn nếu họ chết sớm".
Mọi người cho rằng người già thì sẽ chết, cho dù là vì bệnh đột ngột. Còn nếu người trẻ tử vong thì đó mới là điều gây sốc.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là có thể sử dụng YLL để biện minh cho các quyết định coi nhẹ người già.
Do lý lẽ sai lầm này mà một số nước khiến tỷ lệ lây lan virus lan ra toàn dân số và khiến nhóm người đặc biệt dễ tổn thương gặp rủi ro hơn.
Báo Tin Tức