"Nạn nhân" bất ngờ của thị trường chứng khoán lao dốc: Giá những chiếc đồng hồ hạng sang như Rolex và Patek lao dốc mạnh
Thị trường chứng khoán rớt giá đã có nạn nhân "giàu có" đầu tiên, đó là chiếc đồng hồ Rolex Daytona. Sau khi chạm mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, giá của loại đồng hồ được coi là "đáng mơ ước nhất" trên thị trường đồng hồ second hand nay đã hạ nhiệt.
"Bong bóng đồng hồ second hand" được thổi phồng bởi đà tăng của thị trường chứng khoán, cùng với đó là những gói kích thích của chính phủ và xu hướng đầu cơ. Tuy nhiên, sự thăng hoa của lĩnh vực này đang dần "mất nhiệt". Cho đến nay, nhu cầu đối với cả các mẫu đồng hồ mới và các loại hàng hóa xa xỉ khác đang chững lại. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở thị trường đồng hồ thứ cấp là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng những đợt bùng nổ nhanh chóng không thể trụ vững.
Trong năm 2021, nhờ đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán, "túi tiền" của nhà đầu tư rủng rỉnh hơn và thúc đẩy mối quan tâm của họ đối với các loại tài sản thay thế, trong đó có đồng hồ xa xỉ. Và khi thị trường bắt đầu đảo chiều trong năm nay, do ảnh hưởng của lạm phát và căng thẳng địa chính trị, một số nhà đầu tư lại muốn rót tiền vào những loại tài sản có giá trị lưu giữ như đồng hồ Rolex. Do đó, một loạt các nhà đầu tư mới cũng gia nhập thị trường sưu tập đồng hồ hạng sang.
Dù là kẻ mới hay người cũ, người mua đồng hồ đều săn đón những mẫu giống nhau. Đến tháng 2 và tháng 3, bộ 3 đồng hồ có giá được đẩy lên mạnh nhất - Rolex Daytona, Patek Philippe Nautilus và Audemars Piguet Royal Oak, đã được giao dịch tương đương mức giá bán lẻ. Ngoài ra, các mẫu của Richard Mille cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Giá bộ 3 đồng hồ đắt nhất đã hạ nhiệt (giá bán lẻ; giá năm 2019; giá năm 2021; giá đạt đỉnh năm 2022 và hiện tại).
Khi S&P 500 gần tiến đến thị trường giá xuống và Bitcoin mất khoảng 70% giá trị kể từ tháng 11, nhu cầu đối với đồng hồ xa xỉ lại giảm dần. Người mua đang thận trọng hơn. Lãi suất tăng, không có những khoản tiền hỗ trợ và lạm phát tăng cao là một phần của nguyên nhân. Ngoài ra, một số thành phố ở Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt và số lượng người mua ở Nga sụt giảm cũng có thể khiến nguồn cung tăng lên.
Mẫu đồng hồ chứng kiến giá sụt giảm mạnh nhất là Daytona, Nautilus và Royal Oak – cũng chính là các mẫu chứng kiến mức tăng ngoạn mục nhất. Giá giao dịch hiện tại của các đồng hồ này ước tính thấp hơn khoảng 25% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, thống kê này chưa bao gồm các giao dịch cá nhân và không được đưa vào số liệu công khai trên thị trường.
Các mẫu đồng hồ không tăng giá đột biến trong năm nay.
Trong khi đó, một số mẫu đồng hồ khác lại có mức giá ổn định hơn, như Vacheron Constantin và A. Lange & Sohne, khi một số nhà sưu tập đa dạng hóa và né tránh một số thương hiệu khác. Một số mẫu rẻ hơn như hãng "chị em" của Rolex là Tudor lại không ghi nhận mức tăng đột biến. Ngoài ra, nhà đầu tư vẫn săn lùng những mẫu đồng hồ thực sự hiếm có, trong khi giá đảo ngược với những đồng hồ chỉ "hiếm" vì thiếu nguồn cung.
Dù giá trên thị trường thứ cấp đã hạ nhiệt giúp một chiếc Rolex rẻ hơn một chút, nhưng việc mua một chiếc đồng hồ hạng sang vẫn không phải là điều dễ dàng. Để có tên trong "danh sách chờ mua" của nhiều mẫu mới ra mắt, người mua có thể phải chờ ít nhất 2 năm. Mua được một chiếc Rolex ở cửa hàng, bạn có thể lãi gấp vài lần khi bán trên thị trường thứ cấp.
Subdial50 theo dõi 50 mẫu đồng hồ được giao dịch nhiều nhất.
Thị trường thứ cấp của các mặt hàng xa xỉ khác, chẳng hạn như túi xách, dễ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố gây biến động cho giá đồng hồ. Ví dụ, thị trường này cũng chứng kiến nhóm nhà đầu tư non trẻ hơn gia nhập. Tuy nhiên, khả năng phục hồi là điều có thể vì dù giá túi xách tăng nhưng thị trường này không hình thành bong bóng như đồng hồ.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường đồng hồ có thể cũng tương tự với các thị trường hàng xa xỉ khác. Nhiều yếu tố tương tự cũng đẩy nhu cầu đối với thị trường thứ cấp của giày sneakers, túi xách và trang sức cao cấp. Các nhà phân tích của Jefferies ước tính, những khoản lãi từ đầu tư tiền số đóng góp tới 25-30% mức tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ của Mỹ vào năm ngoái. Nhu cầu trên thị trường này cũng có mối tương quan với thị trường chứng khoán.
Sắp tới, kết quả kinh doanh của các hãng xa xỉ lớn có thể sẽ rất khởi sắc, nhưng lại được so sánh dựa trên tình hình kinh doanh của nửa cuối năm ngoái khi doanh số tăng vọt. Nhiều người Mỹ trong mùa hè này đang lựa chọn du lịch đến châu Âu, tận dụng lợi thế của đồng USD mạnh lên để mua sắm ở các cửa hàng hạng sang tại Paris hay London. Ngoài ra, sức chi tiêu của Trung Quốc có thể sẽ hồi phục. Do vậy, "quả bong bóng đồng hồ xa xỉ" có thể không phải là điều đáng ngại.
Tham khảo Bloomberg