Nặng gánh thuế phí: Ông chủ sợ làm ăn lớn
DN kêu rằng gánh nặng các loại thuế, phí khiến họ bị giảm sức cạnh tranh, không thể tích tụ để lớn lên. Còn các chuyên gia đánh giá, với hệ thống chính sách thuế phí như hiện nay thì doanh nghiệp (DN) Việt Nam khó có thể lớn lên được, thậm chí có người nhận định là “không muốn lớn”.
- 26-07-2016Dệt may loay hoay thoát khó
- 24-07-2016Đừng "lao" vào dệt may nữa
- 24-10-2014Nhiều loại ô tô nhập khẩu sắp được giảm thuế suất
"Ăn" hết lợi nhuận của DN
Mới đây, các DN lớn trong ngành dệt may như May 10, may sông Hồng, TNG… đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn trước bối cảnh bị giành giật đơn hàng từ Campuchia, Myanmar, Bangladesh… Tại cuộc họp, các DN đồng loạt kêu khó và đã có ý kiến tính đến việc phải thu hẹp quy mô sản xuất do mất đơn hàng về tay các đối thủ ngoại.
Chi phí ngày một tăng cao là một trong những lý do khiến các DN này đứng ngồi không yên. Những chi phí ấy, theo ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng là khiến DN không thể tích tụ để lớn lên.
Ông Bùi Đức Thịnh chia sẻ: Từ 2014 đến nay, lương tối thiểu tăng lên chúng tôi không xem là vấn đề vì chúng tôi trả lương cho công nhân cao hơn nhiều mức đó. Thế nhưng các chi phí đi theo nó, đặc biệt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... gánh nặng khủng khiếp.
Sau khi được giãn lộ trình, từ 1/1/2018 trở đi, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên tổng thu nhập của người lao động thay vì chỉ căn cứ trên lương cơ bản hoặc lương tối thiểu vùng như Luật cũ. Có nghĩa Luật Bảo hiểm xã hội mới đã bổ sung thêm các khoản phụ cấp vào cách tính tiền đóng bảo hiểm xã hội, điều đó khiến chi phí của DN tăng hơn.
“Tôi tính 1 năm chúng tôi lãi 200 tỷ. Nhưng nếu đến năm 2018, cách tính bảo hiểm như thế sẽ khiến mỗi năm chi phí của chúng tôi tăng lên 285 tỷ”, ông Thịnh lo ngại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng liệt kê một loạt phí được cho là bất hợp lý mà DN phải gánh chịu trong nhiều năm qua.
Chẳng hạn, quy định về kiểm tra formaldehyt đối với sản phẩm dệt may từ năm 2009 đến nay đã khiến DN phải mất chi phí hàng trăm tỉ đồng. Trong khi ấy, thực tiễn 7 năm áp dụng kiểm tra formaldehyt cho thấy chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định.
Còn với quy định về “Xác nhận khai báo hoá chất” của Bộ Công Thương làm cho các DN tốn mất 50.000 đến 150.000 ngày làm việc/năm và khoản chi phí chính thức là khoảng 10 tỷ đồng.
Không dám làm lớn?
Theo dõi đồ thị doanh thu, lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài thấy rằng: Đồ thị liên quan đến doanh thu khi lên khi xuống. Còn đồ thị lợi nhuận giảm rất ghê vào 2012, 2013, hồi phục vào 2014. Nhưng đồ thị về các khoản nộp ngân sách thì tăng liên tục. Điều đó nói lên thực trạng DN Việt không thể lớn được hoặc không chịu lớn như dư luận phản ánh.
“DN tư nhân đang gặp khó khăn trong kinh doanh, lợi nhuận ít, thậm chí thua lỗ. Thế nhưng các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng thêm, do đó đại bộ phận DN, nhất là DN siêu nhỏ và nhỏ khó có thể tích lũy để tái sản xuất mở rộng”, ông Nguyễn Mại nói, “Nếu cứ tận thu, DN không có lãi thì không bao giờ lớn lên được”.
Báo cáo DN Việt Nam 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hồi tháng 6/2016 cho thấy, giai đoạn 2007-2015, số lượng DN tăng mạnh hơn so với số lượng lao động đã dẫn đến sự thu hẹp quy mô DN về lao động. Lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống chỉ còn 29 lao động năm 2015, tương ứng với quy mô của một nhỏ.
“Điều này phù hợp với thực tế là tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và nguy cơ Việt Nam tiếp tục thiếu các DN cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu”, báo cáo của VCCI cảnh báo.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Với hệ thống chính sách thuế phí như hiện nay thì DN nhỏ và vừa Việt Nam không thể lớn lên được, thậm chí có người nhận định là “không muốn lớn”. Bởi vì ngoài các khoản thuế khá cao phải nộp cho ngân sách nhà nước còn gánh chịu phí bôi trơn, được gọi là “thuế đen”, tín dụng ngân hàng với điều kiện thế chấp và thủ tục khá phức tạp…
Vị chuyên gia này buồn bã khi nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Toyota, Honda, Samsung, LG… cũng đi lên từ những DN rất nhỏ nhờ chính sách nuôi dưỡng của Chính phủ các nước này.
“Nếu các DN không được phát triển sẽ tạo nên nạn thất nghiệp nghiêm trọng hơn nhiều. Nếu tạo điều kiện cho DN tích lũy, phát triển thì thu được lợi ích lớn hơn nhiều”, ông Mại bày tỏ.
Vietnamnet