MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

65 cây xăng cần di dời khỏi địa bàn Hà Nội

06-06-2013 - 22:56 PM |

Trên địa bàn Thành phố hiện có 117 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn phòng chống cháy, nổ

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, cho biết trên địa bàn Thành phố hiện có 117 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn phòng chống cháy, nổ và có 65 cửa hàng kinh doanh xăng dầu cần phải di dời để đảm bảo an toàn PCCC.

Vụ cháy tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của hàng trăm điểm kinh doanh xăng dầu trong khu vực nội thành Hà Nội,ý kiến của Sở Cảnh sát PCCC về vấn đề này ra sao, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi: Toàn Thành phố hiện nay có 489 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Qua kiểm tra, đánh giá của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, phần lớn các cửa hàng đều chấp hành nghiêm túc quy đinh về an toàn phòng chống cháy nổ, như quy định về khoảng cách, quy định về đảm bảo an toàn tại chỗ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 117 cửa hàng chưa bảo đảm các quy định của Luật. Những vi phạm quy định cũng đa dạng, có cửa hàng vi phạm quy định về khoảng cách an toàn; có cửa hàng thì chưa chấp hành đúng các quy định về phòng cháy tại chỗ như trang bị bình chữa cháy, thùng cát, biển báo hiệu, biển cảnh báo...

Đặc biệt, hiện có tới 65 cửa hàng không đảm bảo an toàn về khoảng cách nên cần phải di dời; 52 cửa hàng khác cần phải cải tạo, sửa chữa mới có thể đáp ứng được đầy đủ các quy định PCCC.

UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ngành phối hợp lên kế hoạch di dời ngay 10 cây xăng, trong đó Sở Công Thương Hà Nội là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm vì Sở là đơn vị cuối cùng cấp GPKD cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng đang phối hợp với Sở Công Thương về việc quy hoạch lại hệ thống các cây xăng trên địa bàn Thành phố.

Thưa ông, trong điều kiện chưa thể di dời ngay các cây xăng trên địa bàn, Sở Cảnh sát PCCC có những giải pháp gì để ngăn chặn những sự cố cháy nổ như từng xảy ra?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi: Về an toàn PCCC tại các cây xăng trên địa bàn Thành phố,hầu hết các cây xăng đã được các cơ quan chức năng và Sở Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về an toàn phòng chống cháy nổ, thẩm định về thiết kế, thiết bị PCCC, sau đó tổ chức nghiệm thu và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về mặt PCCC. Còn về góc độ đủ điều kiện để cấp GPKD xăng dầu thì do Sở Công Thương đảm nhận.

Hiện nay, đa số các cây xăng trên địa bàn đều sử dụng công nghệ nhập xăng kín và biện pháp thu hồi hơi xăng dầu nên độ an toàn cao hơn nhiều so với trước đây. Trong quá trình nhập hay xuất xăng, sử dụng biện pháp này giúp thu hồi hơi xăng nếu xăng bị khuếch tán hoặc chưa kịp khuếch tán ra ngoài thì đã bị thu hồi và không để hơi xăng thoát ra ngoài kết hợp với ôxy trong không khí, gặp mồi lửa sẽ gây ra cháy, nên đảm bảo được an toàn.

Vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo đặt vấn đề cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải có chế độ kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ theo quy định đối với toàn bộ hệ thống PCCC. Vấn đề thứ 2 liên quan đến các đối tượng tại cây xăng như nhân viên bán hàng, lái xe téc chở xăng và khách hàng vào mua xăng cần tuyệt đối tuân thủ các quy định về công tác xuất nhập xăng dầu, quy định về an toàn phòng chống cháy nổ tại cây xăng.

Về công tác đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, tất cả các nhân viên tại cơ sở kinh doanh xăng dầu đều được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm và được cấp chứng chỉ PCCC, kể cả những nhân viên mới trước khi tuyển dụng đều phải học qua lớp huấn luyện PCCC.

Về lâu dài, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội có kiến nghị gì để có thể đảm bảo phòng chống các nguy cơ về cháy nổ, cũng như ứng cứu khi xảy ra cháy lớn trong điều kiện hiện tại, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác PCCC. Qua kiểm tra chúng tôi thấy nhiều cơ quan thực hiện PCCC chỉ để đối phó, nhiều cơ quan kêu khó khăn tài chính nên không đáp ứng đúng quy định PCCC…Công tác quản lý chỗ này, chỗ khác còn lỏng lẻo, nên ý thức chấp hành Luật PCCC chưa tốt.

Tới đây chúng ta cần phải nâng cao công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy. Số tiền xử lý phạt vi phạm PCCC năm trước lên tới gần 3 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay đã xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Mức xử phạt rất nghiêm nhưng vi phạm còn rất nhiều, cho nên vẫn cần phải nâng cao và xử phạt nghiêm khắc để nâng cao việc chấp hành nghiêm Luật PCCC.

Một khókhăn nữa của Sở hiện nay là chưa có cơ quan điều tra chuyên ngành riêng mà đang phải phối hợp với các lực lượng điều tra khác như Công an Hà Nội và các đơn vị liên quan. Vấn đề này, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công an tới đây thành lập một cơ quan điều tra chuyên ngành của Cảnh sát PCCC để công tác điều tra được tiến hành chuyên nghiệp hơn, qua đó có thể chỉ rõ nguyên nhân vụ việc cháy, nổ để các cơ quan chức năng khác thực hiện những bước tiếp theo.

Ngoài ra còn khó khăn do lực lượng cảnh sát PCCC còn thiếu người, chuyên môn, chuyên trách chưa thật cao vì phần lớn là chiến sỹ nghĩa vụ có thời hạn, tinh thần trách nhiệm, sức khỏe thì có nhưng về mặt kinh nghiệm, kiến thức PCCC thì còn hạn chế. Sau 3 năm nghĩa vụ, những chiến sỹ này có kinh nghiệm thành thạo thì lại hết thời hạn nghĩa vụ và chuyển công tác.

Mặc dù đã được quan tâm nhưng trang thiết bị cho PCCC rất khó khăn thiếu thốn so với yêu cầu, thậm chí còn phải dùng xe cứu hỏa cũ. Bên cạnh đó chi phí cho các trang thiết bị cũng rất tốn kém, chẳng hạn như một bộ trang phục PCCC lên tới 300 triệu đồng, bọt dập lửa vài chục USD mỗi lít... Hiện trong kho của lực lượng PCCC thành phố có 50 bộ quần áo chuyên dụng, chúng tôi đều đã phát hết cho anh em. Ở trong nước ta chưa sản xuất được nên bắt buộc phải nhập khẩu.

Trong khi ngân sách cấp có hạn, chúng tôi chỉ mong có đủ điều kiện cơ bản để trang bị cho anh em được an toàn, đảm bảo cho công tác chữa cháy. Sở kiến nghị các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách hơn nữa để mua sắm phương tiện, trang thiết bị PCCC, nâng cấp trung tâm chỉ huy PCCC của Sở Cảnh sát PCCC, xem xét việc mua sắm trực thăng chữa cháy nhằm đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại thủ đô Hà Nội được kịp thời hơn.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Anh Dũng – Nhật Bắc

hangnt

chinhphu.vn

Trở lên trên