Brazil thận trọng với dự báo về trữ lượng dầu khí khổng lồ
Brazil xem xét dự báo về trữ lượng dầu khí của nước này có thể lên tới 176 tỷ thùng, tăng gấp 4 lần so với lượng dầu đã phát hiện tới thời điểm hiện tại.
- 10-04-2015Anh phát hiện mỏ dầu có trữ lượng 100 tỷ thùng
- 19-08-2014Tập đoàn dầu khí Mexico phát hiện giếng dầu trữ lượng hàng tỷ thùng
- 19-08-2014Australia phát hiện mỏ dầu thô có trữ lượng 300 triệu thùng
Chính phủ Brazil thông báo đang xem xét thận trọng dự báo về trữ lượng dầu khí của nước này có thể lên tới 176 tỷ thùng, do trường Đại học quốc gia Rio de Janeiro (UERJ) đưa ra mới đây, tăng gấp bốn lần so với lượng dầu đã phát hiện tới thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Eduardo Braga khẳng định đây là một thông báo vô cùng quan trọng và các cơ quan chức năng đang xem xét cẩn thận thông tin này.
Mới đây, trường UERJ của Brazil thông báo trữ lượng dầu khí nằm sâu dưới đáy Đại Tây Dương, ước đạt 176 tỷ thùng.
Nguồn dầu khí nằm dưới tầng muối dày tới 2.000m, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của thế giới trong vòng 5 năm. Con số mà UERJ đưa ra lần này nhiều hơn đáng kể so với con số dự báo mà chính trường đại học này đưa ra vào năm 2010, vào khoảng 114 tỷ thùng.
Nếu trữ lượng này được kiểm chứng, Brazil sẽ trở thành một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Khu vực giàu tiềm năng dầu khí này nằm tại vùng biển phía Đông Nam Brazil với chiều dài 800km và chiều rộng 200km.
Mỏ dầu nằm dưới tầng muối dày của Brazil được phát hiện vào năm 2007. Tuy nhiên, do nằm sâu dưới biển và cách một lớp muối dày, việc khai thác sẽ trở nên phức tạp và chi phí sản xuất cao hơn so với bình thường. Tháng 9/2008, lần đầu tiên Brazil đã khai thác dầu ở khu vực nước sâu này.
Theo nghiên cứu của các nhà địa chất học Clevelan Jones và Hernane Chaves, thuộc UERJ, trữ lượng dầu khí nằm sâu dưới đáy Đại Tây Dương, dưới lớp muối của Trái đất, thậm chí còn có thể vượt 273 tỷ thùng, nhưng không thể khai thác tất cả khối lượng này.
UERJ sử dụng công nghệ của Na Uy để tiến hành nghiên cứu và công nghệ này đã được nhiều công ty dầu khí dùng như Tập đoàn đa quốc gia Statoil./.