MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nếu không có Quỹ bình ổn, giá xăng dầu đã tăng nhanh và cao hơn"

12-06-2014 - 20:45 PM |

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, trên thực tế, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn.

Ngày 29/5/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền Chính phủ có Báo cáo số 211/BC-CP về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) báo cáo các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIII.

Hiện nay, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, trên thực tế, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn

Năm 2013, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013...). Việc sử dụng Quỹ BOG trong năm 2013 đã góp phần giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước trong 16 lần điều hành (nếu điều chỉnh tăng giá thì sẽ phải điều chỉnh 16 lần; mức điều chỉnh mỗi lần sẽ phải tăng ít nhất tương đương với mức sử dụng Quỹ BOG).

Trong 5 tháng đầu năm 2014, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới phức tạp, trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu, việc sử dụng Quỹ BOG trong 9/11 văn bản điều hành cũng đã góp phần giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước. Giá một số chủng loại xăng dầu chỉ được điều chỉnh tăng 03 lần (21/2; 19/3 và 22/4) nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ BOG.

Năm 2013, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, tài chính và chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 tại 05 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó có nội dung về Quỹ BOG.

Vấn đề Quỹ BOG đã được Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội về tính hiệu quả qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Theo đó, việc thực hiện kiểm toán Quỹ BOG tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho thấy: "Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong các Quý II, III, IV và cả năm 2013, Quý I/2014 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công khai tình hình trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG để người dân biết và giám sát.

Quỹ BOG được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ BOG cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các doanh nghiệp thực hiện.


Việc trích lập Quỹ BOG đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.


Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Chỉ khi giá thế giới tăng làm giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, trên cơ sở văn bản điều hành của Liên Bộ, doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ BOG.


Mức sử dụng Quỹ BOG không phải là một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành của từng chủng loại (được tính toán theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và công bố công khai) và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước...


Quỹ BOG được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có trách nhiệm hạch toán đầy đủ, chính xác khoản trích lập Quỹ BOG vào giá vốn hàng bán. Định kỳ hàng Quý hoặc theo yêu cầu quản lý đột xuất, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ BOG về Bộ Tài chính.



Hồng Hà

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên