MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng tuổi nghỉ hưu: "Thiệt thòi về phía người lao động!"

13-10-2016 - 07:45 AM | Xã hội

TS. Doãn Ngọc Hải cho rằng, nếu nâng tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì thời gian nghỉ hưu trung bình còn rất ngắn đối với nam và không dài đối với nữ. Trong khi đó độ tuổi này sức khỏe người lao động đã giảm sút và mắc nhiều bệnh mạn tính.

Đây là những thông tin mà TS. Doãn Ngọc Hải (Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế) trao đổi với phóng viên Infonet xung quanh đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu khi ông đang tham dự Hội thảo Quốc tế về “An toàn và sức khỏe nghề nghiệp” ở Sri Lanka.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác nhận đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ lại được nêu ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và dự kiến năm 2017 trình Quốc hội. Theo đó, dự kiến, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam. Với tư cách là người đứng đầu Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Doãn Ngọc Hải: Theo tôi việc này là bình thường, về quản lý nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị được Chính phủ giao phụ trách về bảo hiểm xã hội, khi có nguy cơ tiền quỹ không đủ chi trả cho người đóng thì phải đề xuất các giải pháp.

Tuy nhiên, việc đầu tiên phải làm rõ mức đóng, thời gian đóng và mức hưởng đã phù hợp chưa, sau đó thì việc quản lý quỹ đã tốt chưa, quỹ có bị sử dụng lãng phí, thất thoát, không đúng đối tượng không, các khoản đầu tư có được bảo tồn không? Khi tất cả các yếu tố trên đã được tính đến thì mới tìm giải pháp khác.

Bản chất của quỹ này do chính người lao động đóng vào nên để không vỡ quỹ chỉ có hai cách là chi ít đi hoặc đóng tăng thêm. Do đó, theo tôi việc kéo dài tuổi lao động thực chất là tăng thời gian đóng và giảm thời gian hưởng.

Vậy ông cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu như dự kiến đề xuất của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội là hợp lý chưa?

TS. Doãn Ngọc Hải: Về quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ giải pháp nâng tuổi nghỉ hưu vì các lý do sau: Thứ nhất là thiệt thòi về phía người lao động (so với hiện nay) do đóng nhiều hơn mà hưởng ít đi.

Thứ hai, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam theo số liệu năm 2015 cho thấy đối với nam là 70,7 tuổi, đối với nữ là 76,1 tuổi. Với quy định nâng thời gian nghỉ hưu như đề xuất thì nam được hưởng trung bình là 8,7 năm và nữ là 16,1 năm sau khi nghỉ hưu. Như vậy thời gian nghỉ hưu trung bình còn rất ngắn đối với nam và không dài đối với nữ.

Trong khi đó độ tuổi này sức khỏe đã giảm sút và mắc nhiều bệnh mạn tính dẫn đến chất lượng sống không đảm bảo. Hơn nữa khi nâng tuổi nghỉ hưu thì những người lao động lớn tuổi có nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao hơn và hậu quả sẽ gây gánh nặng cho xã hội.

Từng trả lời báo điện tử Infonet, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã cho rằng nếu nâng tuổi nghỉ hưu “cần phân biệt lao động trí óc và lao động chân tay, chứ cứ cào bằng tất cả mọi người lao động là chưa hợp lý”. Điều này có đúng không thưa ông? Với chức năng nhiệm vụ của mình, xin ông cho biết Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã có nghiên cứu cụ thể về sức khỏe của người lao động ở mỗi ngành nghề chưa?

TS. Doãn Ngọc Hải: Tôi đồng ý với ý kiến của nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo tôi nếu cào bằng là không hợp lý. Bởi theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có trên 50 triệu người trong độ tuổi lao động làm việc ở các ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề có các đặc điểm lao động khác nhau và người ta hay chia thành lao động chân tay và lao động trí óc, tuy nhiên cách phân chia này cũng chưa được chính xác mà phải đánh giá gánh nặng lao động, tức là căn cứ vào nhiều yếu tố để đánh giá.

Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường là Viện quốc gia trực thuộc Bộ y tế, được Bộ Y tế giao trách nhiệm về chuyên môn liên quan đến sức khỏe người lao động. Trong thời gian qua Viện đã nghiên cứu đánh giá điều kiện lao động và gánh nặng lao động của hầu hết các ngành nghề từ nhân viên y tế, công nhân lĩnh vực khai khoáng, công nhân các nhà máy, xí nghiệp, các ngành như xăng dầu, hàng không, dệt may, luyện kim, cao su, hóa chất…

Tôi đơn cử như ngành y không phải là lao động chân tay nhưng gánh nặng lao động lớn do điều kiện lao động căng thẳng, phải chịu trách nhiệm trên tính mạng của người khác trong khi các điều kiện lao động chưa đảm bảo.

Do đó, theo tôi thì mỗi một ngành nghề có các điều kiện lao động khác nhau và gây tác động đến sức khỏe khác nhau, thường đánh giá dựa vào các yếu tố của điều kiện lao động như nóng, ồn rung, bụi, hóa chất độc hại … và sức khỏe người lao động bao gồm các chỉ tiêu tâm sinh lý lao động và ecgônômi (mối quan hệ giữa con người và lao động).

Việc quan trọng là Nhà nước cần quan tâm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động bởi chính họ mới là người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển. Việc nghỉ hưu sớm giúp người lao động có thời gian chăm lo sức khỏe và gia đình, và cũng còn khả năng tìm các công việc làm thêm phù hợp với sức khỏe của họ, như vậy là giúp cho xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

Được biết, ông đang tham dự hội thảo quốc tế về “An toàn và sức khỏe nghề nghiệp”. Xin ông cho biết, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu có được đưa vào bàn luận tại hội thảo hay không?

TS.Doãn Ngọc Hải: Đúng vậy. Tôi đang đi dự hội nghị về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ở Sri Lanka với sự tham gia của nhiều nước như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Đài Loan. Tôi cũng đã đưa vấn đề này ra thảo luận, tuy nhiên câu trả lời rất khác nhau. Mỗi quốc gia có cách tính riêng tùy thuộc vào điều kiện và thu nhập của người lao động. Hiện nay tuổi nghỉ hưu của Nhật bản là 65 tuổi cho cả nam và nữ, Sri Lanka là 55 tuổi cho cả nam và nữ, Singapore là 62 tuổi cho cả nam và nữ, Đài Loan là 62 với nam và 55 với nữ.

Các quốc gia này cũng đều có ý định nâng tuổi nghỉ hưu tuy nhiên đều vấp phải sự phản ứng của dư luận và người lao động nên chưa được thông qua. Hay đơn cử gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương Đức kêu gọi mọi người hãy làm việc đến 69 tuổi. Ngay lập tức lời kêu gọi này đã gây ra cuộc tranh cãi gay gắt khi các chính trị gia thì phản đối còn các nhà phân tích thì ủng hộ.

Xin cảm ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này !

Theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương, với việc già hóa dân số , mô hình bệnh tật cũng thay đổi: một mặt người già phải đối phó với các bệnh lây nhiễm, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính và thoái hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…. Đa số các bệnh này ít nhiều liên quan đến lối sống và phải điều trị suốt đời.

Theo nghiên cứu của BV Lão khoa Trung ương, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại BV Lão khoa Trung ương, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh. Do mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp, phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị, do vậy cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi trẻ.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên