MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Navico (ANV): Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 17,7 triệu USD, tăng 11% cùng kỳ

06-03-2019 - 09:05 AM | Doanh nghiệp

Navico dự báo giá bán thành phẩm có thể giảm nhẹ do nguồn cung cá tra nguyên liệu sẽ dồi dào hơn chủ yếu từ Việt Nam và một số nước khác như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.

CTCP Nam Việt (Navico, ANV) vừa công bố bản tin IR tháng 2 với ước tính kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 17,7 triệu USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018. Dự cho những tháng tới, Công ty kỳ vọng tình hình tiếp tục khả quan nhờ vào lượng đặt hàng tăng mạnh.

Hiện, Navico đã hoàn thành thi công cho 100 ha tại vùng nuôi Bình Phú, khâu ươm giống sẽ được bắt đầu từ tháng 4/2019 và lô cá tra nguyên liệu đầu tiên sẽ được thu hoạch vào tháng 10/2019.

Điểm qua toàn ngành cá tra 2 tháng đầu năm 2019, Công ty dự báo giá bán thành phẩm có thể giảm nhẹ do nguồn cung cá tra nguyên liệu sẽ dồi dào hơn chủ yếu từ Việt Nam và một số nước khác như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia. Cùng với đó, việc thiếu hụt con giống sẽ được cải thiện nhờ vào việc tập trung đầu tư của cả Chính phủ và các công ty xuất khẩu. Vùng nuôi bền vững và hiệu quả sẽ là xu hướng chung của ngành cá tra, Navico nói thêm.

Navico (ANV): Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 17,7 triệu USD, tăng 11% cùng kỳ - Ảnh 1.

Nguồn: ANV.

Liên quan đến xuất khẩu, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu nhờ vào việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, EVFTA có hiệu lực và việc tăng giá của các loại cá trắng khác sẽ dẫn đến việc chuyển đổi sang sử dụng cá tra. Chi tiết tình hình tại các nước:

1. Hoa Kỳ: Sau khi FSIS đánh giá thực địa, Mỹ đã công bố kết quả dự thảo công nhận tương đương đối với Hệ thống kiểm soát ATTP, chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Trong 3 nước được đề xuất công nhận lần này, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với báo cáo của Việt Nam đạt mức cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%). Mỹ sẽ sớm công bố kết quả chính thức công nhận tương đương đối với Việt Nam;

2. Trung Quốc: Trung Quốc là thị trường có tiềm năng lớn nhưng yêu cầu về chất lượng và ATTP ngày càng cao. Trong thời gian qua, cơ quan Hải quan của Trung Quốc đã dần siết chặt hoạt động nhập khẩu cá tra qua đường mậu biên, yêu cầu các lô hàng thủy sản nhập khẩu phải được sản xuất từ cơ sở có tên trong danh sách và phải kèm theo chứng thư do NAFIQAD cấp. Hiện tại có 167 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được phép xuất khẩu vào thị trường này;

3. Châu Âu: Châu Âu có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về ATTP, bao gồm cả thủy sản. Mặc dù tình hình đã được cải thiện đáng kể từ năm 2014, các cơ quan thẩm quyền EU vẫn rất quan ngại đến các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. DG SANTE đã có Công thư thông báo rằng biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh của Việt Nam vẫn chưa thực sự có hiệu quả và sẽ ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản sang thị trường EU đối với DN có lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh. Trong đợt thanh tra sắp tới, EU sẽ tập trung kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh;

4. Brazil: Brazil không cho phép sử dụng phụ gia trong sản phẩm cá tra fillet đông lạnh. Thị trường này sẽ ngừng nhập khẩu sản phẩm từ cơ sở sản xuất có nhiều lô hàng vi phạm và không cung cấp báo cáo hành động khắc phục đúng thời hạn. Bên cạnh đó, Brazil là quốc gia duy nhất yêu cầu phải đăng ký nhãn hàng hóa các nhóm sản phẩm trước khi xuất khẩu sang thị trường này gây tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp. Việt Nam đang yêu cầu Brazil xem xét thay thế áp dụng các quy định của Codex và thông lệ quốc tế.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên