"Né" sân bay Tân Sơn Nhất, mô hình bay thuê chuyến của Vietravel Airlines có thể đối mặt rủi ro vì lý do này
Tránh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang rơi vào tình trạng quá tải và có dấu hiệu xuống cấp, Vietravel Airlines lựa chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến.
- 23-12-2019Tại sao ngành bia - giải khát Việt Nam lại khiến doanh nghiệp ngoại sẵn sàng chi tỷ USD?
- 23-12-2019Tại sao nhà đầu tư Úc chọn Việt Nam thay vì Ấn Độ?
Ngày 23/12, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Trong đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam với quy mô 3 tàu bay A320/321, B737 hoặc tương đương trong năm đầu tiên khai thác, tăng dần đến 8 tàu bay sau 5 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 700 tỷ VND, thời hạn hoạt động dự án 50 năm.
"Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 92/2016 của Chính phủ quy định số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không tối thiểu là 3 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không, tối thiểu là 1 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung. Dự kiến quy mô đầu tư của nhà đầu tư là phù hợp", Bộ KH-ĐT nhận định.
Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến Vietravel Airlines sẽ mất khoảng 9 tháng thực hiện đầu tư, trước khi chính thức khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.
Tránh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang rơi vào tình trạng quá tải và có dấu hiệu xuống cấp, Vietravel Airlines lựa chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến.
Ngoài ra, việc nhà đầu tư chọn sân bay Phú Bài làm căn cứ đã có thỏa thuận với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về ký hợp đồng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP bảo đảm đủ các dịch vụ cần thiết.
Theo Bộ KH-ĐT, dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ VND, đóng góp vào GDP khoảng 3.185 tỷ VND.
Cụ thể, tính toán ở mức sơ bộ, thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỷ VND và hơn 1.203 tỷ VND cho thặng dư xã hội; tạo việc làm cho khoảng 595 người góp phần giải quyết vấn đề xã hội, thu ngoại tệ cho đất nước trên các chuyến bay quốc tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.460 tỷ VND.
Bộ KH-ĐT cho rằng đối với giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án của Vietravel Airlines như đã nêu trên có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ, hiệu quả của dự án có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác do mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao.
Mặt khác, việc sử dụng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đạt giới hạn khai thác trong thời gian tới).
Vietravel Airlines có xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với mô hình hoạt động, quy mô đội tàu bay theo từng giai đoạn cụ thể. Trong năm đầu tiên khai thác số lao động là 223 người (bao gồm: 26 phi công, 70 tiếp viên, 10 thợ kỹ thuật...). Đến năm khai thác thứ 5, số nhân sự là 595 người (bao gồm 72 phi công, 212 tiếp viên và 68 thợ kỹ thuật...).
Để đảm bảo nguồn nhân lực, hãng này dự kiến sẽ thuế phi công nước ngoài là chủ yếu trong giai đoạn đầu; trong giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện việc đào tạo và tìm kiếm phi công có bằng lái cơ bản (ATPL), phi công quân sự để chuyển loại sang A320/321 nhằm rút ngắn thời gian đào tạo và chi phí.