Nền kinh tế số Việt Nam thuộc nhóm 'bứt phá' trên toàn cầu
Mới đây, trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) đã hợp tác cùng Mastercard công bố Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số (Digital Intelligence Index – DII). Đây là chỉ số ghi nhận những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.
- 07-12-2020Đà Nẵng trợ cấp 356 tỷ đồng cho hơn 21 nghìn lao động thất nghiệp
- 07-12-2020Đà Nẵng lần đầu tiên trong nhiều năm tăng trưởng âm 9,77%
- 07-12-2020Bloomberg: Sau Việt Nam, Singapore tiếp tục tìm kiếm đối tác 'bong bóng du lịch' mới
Theo đó, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia và vùng lãnh thổ: Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông là những khu vực được đánh giá có nền kinh tế số năng động nhất. Báo cáo nhấn mạnh, những quốc gia và vùng lãnh thổ này có nguồn nhân lực lớn, hợp tác R&D tích cực giữa ngành công nghiệp và giới học viện, cũng như thành tích mạnh mẽ trong việc tạo ra và đưa các sản phẩm kỹ thuật số trở thành xu hướng.
Ngoài ra, Hoa Kỳ, Đức, Israel và một số các quốc gia khác có nền kỹ thuật số tiên tiến, đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy đổi mới. Nhóm quốc gia Australia, New Zealand và Nhật Bản được ghi nhận có nền tảng kinh tế số vững chắc, có tính thích nghi cao với kỹ thuật số. Song, động lực phát triển số tại các quốc gia này đang chậm lại. Nhìn chung, các nước này có xu hướng đánh đổi tốc độ lấy tính bền vững và thường đầu tư vào việc hợp tác kỹ thuật số và xây dựng thể chế mạnh mẽ.
Nhóm nền kinh tế bứt phá tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Báo cáo nhận định, đây là nhóm quốc gia đang phát triển nhanh chóng, có động lực tăng trưởng lớn, là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc được ghi nhận có thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với triển vọng nền kinh tế số, mở rộng áp dụng kỹ thuật số.
Theo báo cáo, mặc dù Việt Nam có chỉ số tiến triển kỹ thuật số thấp nhưng chỉ số thích nghi lại cao, là dấu hiệu tích cực về nhu cầu công nghệ của người dân ngày càng tăng cao. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Dịch vụ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard, ông Matthew Driver nhận định: "Chỉ trong vài tháng, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy công cuộc số hóa nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhanh hơn ít nhất 5 năm, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái kỹ thuật số trong khu vực. Bên cạnh đó, cũng với sự hỗ trợ sâu sắc từ chính phủ các quốc gia, sự tin cậy và gắn kết ngày càng tăng của người tiêu dùng, sự phát triển số hóa trong phân khúc doanh nghiệp quy mô nhỏ đã đem lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế số của khu vực".
Trưởng bộ phận Kinh doanh Toàn cầu tại Fletcher, ông Bhaskar Chakravorti kết luận: "Đại dịch chính là phép thử thuần túy nhất về sự tiến bộ của toàn cầu trong công cuộc số hóa. Từ đó có thể thấy rõ hơn về vai trò của nền kinh tế số trong quá trình phục hồi kinh tế với bối cảnh đầy biến động trên toàn cầu".