"Nền kinh tế" Youtube: Khi trẻ em không còn muốn làm phi hành gia, chúng muốn trở thành... Youtuber
Gần 33% trong số trẻ em được LEGO khảo sát cho biết chúng muốn trở thành một Youtuber khi lớn lên. Chỉ có 11% muốn làm phi hành gia.
- 17-09-2020Thiệt hại du lịch Đà Nẵng năm 2020 có thể lên đến 26.000 tỷ đồng
- 17-09-2020Người chơi Việt Nam chiếm 45% casino Phú Quốc
- 16-09-2020Vì sao ẩm thực Việt chuộng tươi ngon, bận đã có ship nhưng phở, bún, cháo lòng "ăn liền" vẫn bán tốt?
Công ty LEGO đã khảo sát 3.000 trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 12 từ Mỹ, Anh và Trung Quốc, cũng như 326 phụ huynh có con từ 5 đến 12 tuổi. Gần một phần ba số trẻ em trong cuộc khảo sát cho biết chúng muốn trở thành một Youtuber khi lớn lên, trong khi chỉ có 11% nói rằng chúng muốn trở thành một phi hành gia.
Một ước mơ như vậy hoàn toàn có cơ sở. Với một lượng người hâm mộ đủ lớn, làm vlog (video blog) có thể là một công việc kinh doanh sinh lợi. Lao động trong lĩnh vực này thường được gọi là các nhà sản xuất/sáng tạo nội dung.
Chính xác thì những nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp kiếm tiền bằng cách nào?
Quảng cáo
Nếu một Youtuber đạt 1.000 người đăng ký và 4.000 giờ xem trong vòng một năm, họ có thể bắt đầu kiếm tiền từ tài khoản của mình bằng quảng cáo. YouTuber chỉ được trả tiền khi người xem xem toàn bộ quảng cáo hoặc nhấp vào quảng cáo đó.
YouTube Premium
Đây là dịch vụ đăng ký hàng tháng cho phép người hâm mộ xem nội dung yêu thích của họ mà không có quảng cáo. Người dùng YouTube được cắt giảm lợi nhuận đăng ký, dựa trên số lượt xem mà kênh của họ mang về cho Youtube.
Tài trợ của doanh nghiệp
Các thương hiệu đôi khi cũng trả tiền cho người tạo nội dung để quảng bá sản phẩm của họ. Một Vlogger thường cần một lượng lớn người theo dõi trước khi các thương hiệu sẵn sàng làm việc với họ.
Tự kinh doanh
Nếu một nhà sáng tạo nội dung có ảnh hưởng, có lượng người hâm mộ trung thành, họ có thể kiếm được tiền khi bán hàng có thương hiệu của họ. Người ta ước tính rằng PewDiePie, Youtuber nổi tiếng nhất thế giới, kiếm được hơn 6 triệu USD mỗi tháng từ việc bán hàng.
Mặc dù có nhiều lựa chọn khác nhau về cách kiếm tiền trên YouTube, nhưng chắc chắn, có một điều tiên quyết là: không thể kiếm sống từ Youtube nếu không có lượng người theo dõi lớn.
Với hơn 50 triệu người sáng tạo nội dung trên YouTube, việc tạo ra được sự chú ý trong một thị trường cạnh tranh như vậy không phải là điều dễ dàng. Có sự khác biệt lớn giữa "thị hiếu Youtube" của các quốc gia. Ví dụ, trong khi Youtuber nổi tiếng nhất của Mỹ, Like Nastya có 57 triệu người đăng ký - làm video về nội dung Trẻ em, thì các Youtuber hàng đầu châu Âu lại thường làm về chủ đề Làm đẹp và Phong cách sống.
Youtuber nổi tiếng nhất thế giới là Vlogger người Thụy Điển PewDiePie. Anh nổi tiếng với những video phát trực tiếp việc chơi game - "Let’s Play". PewDiePie gia nhập YouTube vào năm 2010 và hiện đã có 105 triệu người đăng ký theo dõi.
Kênh Youtube có nhiều người theo dõi nhất Việt Nam là NTN Vlogs - hạng mục Giải trí - với 8,95 triệu người theo dõi.
Accredited Debt Relief sử dụng Công cụ tính tiền trên YouTube Noxinfluencer, tính toán số lượt xem và số người đăng ký trung bình của một kênh YouTube để ước tính số tiền mà kênh kiếm được từ quảng cáo trên mỗi nghìn lượt xem. (Tất cả các số liệu đều là ước tính vì có nhiều yếu tố chưa xác định quyết định thu nhập, chẳng hạn như loại video và vị trí của kênh). Theo đó, NTN Vlogs được cho là kiếm tới 19.600 USD mỗi tháng (454 triệu VND). Nhưng con số này vẫn còn rất xa so với các Youtuber hàng đầu thế giới.
Theo danh sách Những ngôi sao YouTube được trả lương cao nhất năm 2019 của Forbes, Ryan Kaji đứng đầu với thu nhập 26 triệu USD trong năm 2019. Thứ hai là Dude Perfect với 20 triệu USD. Thứ ba, Anastasia Radzinskaya (kênh Like Nastya), mới 5 tuổi, đã kiếm được 18 triệu USD.
PewDiePie, Youtuber có nhiều người theo dõi nhất thế giới lại không phải người kiếm được nhiều tiền nhất. Anh chỉ đứng thứ bảy với 13 triệu USD, theo Forbes.
Việc các em nhỏ ước mơ làm Youtuber càng trở nên hợp lý hơn khi “YouTube là "bảo mẫu" phổ biến nhất trên thế giới" - Eyal Baumel, Giám đốc điều hành của công ty quản lý Yoola, chuyên về các ngôi sao kỹ thuật số nói.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện vào năm 2019, các video có trẻ em có lượng xem cao gấp gần ba lần so với các loại video khác từ các kênh có lượng người đăng ký cao tương tự. Một nghiên cứu khác của Pew cho thấy 81% phụ huynh có con từ 11 tuổi trở xuống cho phép con mình xem YouTube.
Những chương trình "nhiều chất xám" trên YouTube thường không kiếm được nhiều tiền. Mười kênh có thu nhập cao nhất trên YouTube đã thu về tổng cộng 162 triệu USD từ ngày 1/6/2018 đến ngày 1/6/2019, có Ryan và Nastya, cũng như 5 game thủ chơi các game nổi tiếng như Minecraft và Fortnite.
Nhưng thu nhập không dừng lại ở Youtube, Ryan hiện có một dòng đồ chơi, quần áo và đồ gia dụng mang thương hiệu của cậu được bán tại Target, Walmart và Amazon; một chương trình truyền hình trên Nickelodeon và thỏa thuận với Hulu trong việc bán video. Nastya sẽ tung ra một dòng đồ chơi và trò chơi di động, đồng thời xuất bản một cuốn sách vào năm tới. Năm ngoái, cô bé cùng bố mẹ chuyển từ Krasnodar, Nga đến Boca Raton, Florida.