MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền tảng in ấn trực tuyến vừa chạy thử nghiệm 5 tháng, doanh thu 300 triệu đồng nhưng định giá công ty lên đến 16 tỷ, vẫn huy động được 5 tỷ từ Shark Bình và Shark Liên

01-11-2019 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Printgo ra đời với sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái thiết kế, in ấn, kết nối khách hàng với các nhà in ấn, giúp việc in ấn dễ dàng, tạo ra quy trình đồng bộ từ việc thiết kế đến in ấn.

Thương vụ tiếp theo là màn gọi vốn của Nguyễn Tuấn Anh - CEO nền tảng thiết kế, in ấn trực tuyến Printgo kêu gọi 4 tỷ với 20% cổ phần.

Giới thiệu trước nhà đầu tư, Tuấn Anh cho biết Printgo ra đời với sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái thiết kế, in ấn, kết nối khách hàng với các nhà in ấn, giúp việc in ấn dễ dàng, tạo ra quy trình đồng bộ từ việc thiết kế đến in ấn. Thị trường in ấn ước tính đạt 421 tỷ USD vào năm 2020, đặc biệt Việt Nam và các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức tăng trưởng từ 6% – 8%.

Printgo đã có giai đoạn chạy thử nghiệm từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019, phục vụ được 500 khách hàng và có hơn 20% khách hàng sau 3 tháng quay lại sử dụng dịch vụ. Hiện tại, trung bình mỗi đơn hàng khoảng 1,5 triệu đồng.

Nền tảng in ấn trực tuyến vừa chạy thử nghiệm 5 tháng, doanh thu 300 triệu đồng nhưng định giá công ty lên đến 16 tỷ, vẫn huy động được 5 tỷ từ Shark Bình và Shark Liên - Ảnh 1.

Vừa mới chạy thử nghiệm nhưng Printgo tự nhận mình là nền tảng thiết kế và in ấn số 1 Việt Nam

Trả lời câu hỏi Printgo có gì khác biệt so với các nhà in ấn khác của Shark Liên, CEO Tuấn Anh cho rằng các xưởng in hiện tại chưa có công cụ quản lý khách hàng, quản lý dữ liệu in ấn. Anh đã xây dựng công cụ cho phép khách hàng tự thiết kế mang cá tính riêng của họ. Printgo hoạt động dựa trên việc thu tiền từ khách hàng, chia sẻ lại với các nhà in ấn và giữ lại 15%. Công ty này tự tin rằng đến 2020 sẽ nằm trong top 2 thị trường in ấn trực tuyến.

Với 4 tỷ kêu gọi đầu tư, Printgo sẽ tập trung phát triển nhanh đội ngũ kỹ thuật, công nghệ và đẩy mạnh marketing. Hiện tại, công ty có 2 cổ đông gồm CEO Tuấn Anh và một nhà đầu tư thiên thần giữ 54% cổ phần công ty.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình tại sao lại định giá công ty 16 tỷ pre money, Tuấn Anh cho biết dựa trên quy mô thị trường in ấn trực tuyến đủ lớn để làm, doanh thu đến thời điểm hiện tại đạt 300 triệu đồng mặc dù mới chạy thử nghiệm.

Shark Hưng dành lời khen cho ý tưởng của Printgo và cho rằng đây là thị trường có thể phát triển ở Việt Nam và đưa ra lời đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần hoặc 2 tỷ cho 20% cổ phần, 2 tỷ còn lại cho vay chuyển đổi.

Shark Việt quyết định không đầu tư vì cho rằng định giá công ty chưa phù hợp, ý tưởng Printgo chưa rõ ràng.

Shark Dũng đề nghị 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần và 3 tỷ là khoản vay theo KPI.

Shark Bình cho rằng các start up đến với Shark Tank luôn gặp vấn đề về định giá. Ông cho rằng Printgo là dự án rất khó đoán trong tương lai và đề nghị các Shark nên đầu tư chung nhưng không nhận được sự đồng ý của Shark Dũng.

Shark Liên cho rằng ý tưởng của Printgo khá hay ho và đưa ra lời đề nghị 4 tỷ cho 25% cổ phần. "Tôi đang có một super app có hàng triệu user, chỉ cần đấu nối với app của bạn thì bạn có ngay một lượng khách vô cùng lớn. Tôi giúp bạn có thể thực hiện đúng ước mơ của bạn", Shark Liên nói với các "cá mập" khác. Cùng với đó, Shark Bình mở lời đầu tư theo 1 tỷ đồng.

Cuối cùng, CEO Tuấn Anh quyết định chọn hợp tác với Shark Liên và Shark Bình vì cho rằng "bà ngoại U60" có thể đưa Printgo tiến xa hơn nữa dù rất ngưỡng mộ Shark Dũng. Sau màn gọi vốn, CEO Printgo cho biết anh rất tự tin vào mô hình kinh doanh của mình và tin rằng sẽ làm được điều gì đó để thay đổi ngành in ấn ở Việt Nam hiện nay.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên