Netland có quá liều lĩnh với tham vọng đầu tư hàng loạt dự án bất động sản cao cấp?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn, liệu Netland có đủ nội lực để hiện thực hoá chiến lược, trong khi vốn hoá chỉ dừng lại ở mức trăm tỷ, thâm niên hoạt động khá khiêm tốn?
Thành lập vào tháng 3/2014, với mức vốn điều lệ ban đầu 1,9 tỷ đồng cũng như được niêm yết HNX vào tháng 4/2018, Netland lên kế hoạch cho năm 2019 – tập trung phân khúc nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp tại các thành phố biển Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận… Trong đó, Công ty sẽ chính thức làm chủ đầu tư dự án Cao ốc Phan Thiết với mức lợi nhuận dự kiến 47 tỷ đồng, hay dự án Barya Citi tại Bà Rịa Vũng Tàu, dự kiến thu về 115 tỷ lợi nhuận sau thuế trong tương lai.
Song song, Netland cũng tham gia góp vốn đầu tư với tỷ lệ sở hữu 20% tại dự án Cồn Tân Lập (Nha Trang), kỳ vọng lợi nhuận thu về 73 tỷ đầu tư, đi cùng 70 tỷ đồng làm môi giới dự án; Công ty không bỏ sót cơ hội thu hàng chục tỷ đồng lợi nhuận tại thành phố Đà Nẵng – thông qua dự án tại khu vực Non Nước.
Đại diện Công ty khẳng định, lợi nhuận thu về trong năm 2019 lên đến 110 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2018, con số này ghi nhận mức tăng trưởng đến 53%.
Ông Trần Khánh Quang – Phó Chủ tịch HĐQT Netland cho biết đi cùng nền tảng môi giới (công ty con là Danh Khôi), Netland đang khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại, đặc biệt Nhật Bản.
Đón đầu làn sóng du lịch tại thành phố biển
Thứ nhất, về thị trường bất động sản (TT BĐS ) năm 2019 ông Quang cho biết: “Năm vừa rồi TT BĐS phát triển khá tốt, và đặc điểm cho năm 2019 dự báo là nguồn cung sẽ bị hạn chế. Do đó, nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng mở rộng ra khu vực xung quanh Tp.HCM như Long An, Bình Dương,… đó là xu hướng chung”.
Netland lựa chọn hướng tập trung phát triển đầu tư căn hộ cao cấp tại các thành phố đô thị biển đơn cử tại Đà Nẵng, khách hàng có thể chi trả 3 triệu đồng/đêm trong khi tỷ lệ lấp đầy lên đến 70%. Netland quyết định đầu tư dự án cao cấp tại Khu Non nước. Khác với Nha Trang, Netland theo đó lựa chọn mức giá phải chăng, thay vào đó vị trí dự án được đặt ngay đường biển Trần Phú. Còn tại Phan Thiết, mặt bằng giá dự kiến thấp hơn so với hai khu vực trên, Netland hướng đến đầu tư căn hộ cho người dân địa phương.
2019 chưa cần vay vốn, đang nhận được quan tâm từ nhiều nhà đầu tư Nhật
Thứ hai, một cơ sở cho thành công năm 2019 chính là vốn tự có của Netland, hệ thống bán hàng đứng thứ 3 thị trường phía Nam, thông qua công ty con là Danh Khôi. Cũng chính lợi thế này, Netland hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại, đặc biệt Nhật Bản. Một số đối tác chiến lược hiện nay của Netland phải kể đến: Sanei Architecture Planning., Ltd – Tập đoàn chuyên đầu tư BĐS Nhật với thâm niên 26 năm, G7-Holdings INC, Anabuki – dự kiến chọn Netland là đối tác đầu tiên trong việc đầu tư dự án tại Việt Nam… cùng nhiều bên khác với tổng sở hữu lên đến 16% vốn cổ phần.
Cơ cấu cổ đông Netland
Trở lại với hệ thống bán hàng của Netland, năm 2016 chính thức hợp tác phát triển dự án, một số sản phẩm đầu tay phải kể đến như Queen Pearl (Phan Thiết, Bình Thuận), Haborizon (Nha Trang)… Bước sang năm 2017, Netland mua lại 95% Danh Khôi, đến nay đã thiết lập được nền tảng môi giới với 200 đơn vị sales trực chiến, ngoài ra còn liên kết với 1.500-2.000 sales khác.
“Danh Khôi đứng thứ 3 tại thị trường phía Nam. Netland lựa chọn chiến lược marketing không dừng lại sau khi bán hàng; mà tiếp tục tạo giá trị cho khách hàng, Công ty luôn để lại 30% chi phí marketing cho khâu hậu chăm sóc nhằm khai thác tiếp nhu cầu khách hàng đang có”, lãnh đạo khẳng định.
Ưu điểm nổi bật của Công ty là ít sử dụng vốn vay kể từ lúc thành lập, năm 2019 Netland khẳng định vẫn chưa có dự định huy động vốn ngân hàng, đồng thời cũng không phát hành cổ phiếu. Các dự án ví dụ Barya City thì lấy vốn từ đợt phát hành tăng từ 120 tỷ lên 240 tỷ, 20% vốn góp cho Cồn Tân Lập cũng đã chuẩn bị sẵn, dự án Sài gòn Metromall thì nhận được vốn rót của đối tác Nhật…
Tính đến nay, Netland chỉ cần một khoảng vốn nhỏ để đặt cọc rồi phân phối, theo đó 30% vốn đặt cọc vẫn có thể xoay sở được từ các dự án, lợi nhuận hoặc hoạt động môi giới, nên không cần vay vốn, nếu cần thì có thể chỉ vay một lượng nhỏ, đại diện Công ty chia sẻ.
Liên quan đến phát hành, dự kiến 2020 Công ty sẽ tăng vốn một lần nữa để bù đắp cho thiếu hụt đầu tư cũng như cho những dự án phát triển trong tương lai.
Kết thúc năm 2018, Netland ghi nhận doanh thu thuần 177 tỷ, lãi ròng hơn 70 tỷ đồng, lần lượt tăng 96% và 118% so với thực hiện năm 2017.