Nếu bỏ chính sách miễn thị thực, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm tác động xấu đến ngành du lịch nghỉ dưỡng
Theo các chuyên gia, nếu dừng chính sách miễn thị thực với khách Tây Âu, thiệt hại cho các doanh nghiệp là rất lớn. Khách sẽ bỏ qua Việt Nam vào mùa hè này, ước chừng số lượng có thể giảm 20%. Khi đó sẽ kéo theo rủi ro dài hạn về các hãng hàng không, các nhà đầu tư hạ tầng như resort, condotel...
Các nước trong khu vực thi nhau "mở cửa"
Theo nhận định của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), thì chính sách thị thực nhập cảnh (visa) đang là một trong những chính sách tác động rất lớn đến lưu lượng khách quốc tế. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ dùng "chiêu bài" này để hút khách quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp khách nước ngoài, nhiều quốc gia đang trong "cuộc đua" mở rộng diện miễn thị thực.
Điều này đặc biệt đúng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nơi Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines đều miễn thị thực cho công dân hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mặc dù không phải tất cả các quốc gia đó đều thực hiện miễn thị thực song phương. Công dân Indonesia chỉ được hưởng miễn thị thực từ 57 quốc gia và con số tương tự cho Philippines là 61 quốc gia. Tuy nhiên, cả 2 nước này rộng cửa miễn visa cho hàng trăm quốc gia.
Indonesia đã miễn thị thực cho 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu là miễn 30 ngày, trong đó có Úc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Đài Loan, Đức là những thị trường hàng đầu đưa khách đến Indonesia.
Thái Lan năm 2016 đón 32,6 triệu khách quốc tế, trong đó có 8,7 triệu khách Trung Quốc, chiếm 26,9% thị phần khách. Dù không miễn visa nhưng Thái Lan áp dụng chính sách linh hoạt là cấp tại cửa khẩu cho khách Trung Quốc. Áp dụng tương tự với Ấn Độ, Thái Lan đã thu hút tới 1,2 triệu khách từ nước này trong năm 2016. Cũng nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương, Thái Lan đã thu hút gần 1 triệu khách Mỹ trong năm 2016; các thị trường Anh, Úc, Đức cũng đạt từ 700.000- 800.000 lượt
Trong khi các nước ASEAN đều miễn visa từ 30-90 ngày thì Việt Nam nhiều năm qua vẫn "bảo lưu" chính sách miễn 15 ngày, không cho phép khách đã được miễn visa quay lại trong vòng 30 ngày. "Chính sách miễn visa này thể hiện sự không ổn định và chỉ có tác dụng khoảng 50%"- ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Thiên Minh, thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định
Bỏ miễn thị thực sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch nghỉ dưỡng
Dù Việt Nam đã thực hiện visa điện tử, song theo chuyên gia Lương Hoài Nam, thành viên TAB, e-visa chỉ là phương tiện để giải quyết thủ tục visa thuận tiện hơn, tức là vẫn cần giấy tờ và đóng phí. Như vậy không đủ hấp dẫn để hút khách quốc tế như miễn visa, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, có lượng khách cao, doanh thu lớn.
Thậm chí, theo ông Hoàng Nhân Chính –Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, Hội đồng lữ hành và du lịch thế giới (WTTC), thị thực điện tử sẽ làm giảm số lượng khách du lịch tiềm năng vì nhiều lý do khác nhau.
Với khách muốn đặt chỗ ngay, gặp vé giá rẻ hoặc vé giờ chót nhiều khả năng chọn điểm đến với chi phí phải chăng và không đòi hỏi thị thực nhập cảnh. Khách du lịch thuần túy, đặc biệt là khách gia đình thì việc đăng ký thị thực trực tuyến vừa mất thời gian, vừa tốn kém vì phải làm thủ tục cho nhi đình 4 , tương đương với chi phí cho 1 hoặc 2 đêm lưu trú thêm ở các điểm đến như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hoặc Lào.
"Với thương nhân thì còn đáng ngại hơn vì phải xin thị thực. Ngay cả thị thực trực tuyến cũng là sự nhiêu khê vì có thể đang trong chuyến công tác họ cần bổ sung Việt Nam vào hành trình. Đã có những trường hợp, các thương nhân chỉ biết về yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh khi họ cố gắng lên một chuyến bay tới Việt Nam và bị từ chối khi làm thủ tục lên máy bay" – ông Chính cho hay.
Điều đáng nói là trong khi chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu những năm qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về lượng khách và doanh thu, thì vẫn còn ý kiến muốn xóa bỏ chính sách này. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Thiên Minh, thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cảnh báo nếu dừng chính sách miễn thị thực với khách Tây Âu, thiệt hại cho các doanh nghiệp là rất lớn.
"Khách sẽ bỏ qua Việt Nam vào mùa hè này, ước chừng số lượng có thể giảm 20%. Khi đó sẽ kéo theo rủi ro dài hạn về các hãng hàng không, các nhà đầu tư hạ tầng như resort, condotel... Như vậy sẽ mất đi khoảng 200.000 lượt khách và mất 300 triệu USD. Và để sửa chữa sai lầm ấy, có thể mất nhiều năm chứ không phải một hay hai mùa", ông Kiên nhấn mạnh
Cũng lo ngại "viễn cảnh xấu", bà Hoàng Thị Kim Vân, GĐ Kinh doanh Công ty du lịch Wild Lotus Adventures cho rằng: "Chúng tôi không biết nói thế nào với khách khi chúng ta đang miễn lại không miễn nữa. Chắc chắn họ sẽ không còn niềm tin ở chúng ta. Còn nếu chúng ta tiếp tục gia hạn thì tại sao không làm sớm hơn, thời gian miễn lâu hơn? Trong khi hiện nay đang có rất nhiều nhà đầu tư mới hào hứng với cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Sao ta không thể hiện thiện chí chào đón họ?", bà Vân nói.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra rất nhiều kỳ vọng cho ngành du lịch đến năm 2020, như: thu hút 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách
du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD…Nhưng, "vũ khí" đơn giản và đem lại hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu đó là chính sách visa thông thoáng thì vẫn thí điểm thì liệu bao giờ ngành du lịch mới đạt mục tiêu?.