MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu bỏ Tết, doanh nghiệp chắc chắn sẽ buồn vì những lý do không thể chối cãi được này

17-01-2017 - 10:08 AM | Doanh nghiệp

Những tưởng doanh nghiệp khổ nhất dịp tết vì nhân viên chểnh mảng công việc, mải mê chơi xuân nhưng không phải. Với nhiều doanh nghiệp, tết là lúc họ kiếm được bộn tiền. Một ngày ít ra cũng kiếm được bằng 3, bằng 4 ngày thường.

Nhiều người cho rằng, nên bỏ bớt Tết, lễ hội để tăng năng suất lao động. Ý kiến này tất nhiên sẽ gặp phải hàng loạt ý kiến cả khen ngợi lẫn “ném đá”.

Thực tế, Tết có thực sự chỉ là “lãng phí, tốn tiền, tốn thời gian” như nhiều người nghĩ không?

Có vẻ là không.

Vì mùa tết thường là mùa doanh nghiệp ăn nên làm ra nhất trong năm. Đây là những lý do:

-Thứ nhất: Ai cũng muốn có quần áo, giày dép mới dịp tết, doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc tất nhiên là rất vui vì điều này. Tết đến, hầu như ai cũng mua cho mình, người thân những bộ áo quần mới, giày dép mới đi chơi xuân, gặp gỡ người thân. Tất nhiên, cùng với đó, ngành may mặc sẽ hưởng lợi lớn.

Nếu bạn không tin, bạn có thể nhìn vào kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp may mặc lớn trong nước vừa giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán là Việt Tiến (mã chứng khoán VGG). Quý 4/2015 là quý công ty đạt doanh thu hơn 6.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 311 tỷ đồng, mức doanh thu, lợi nhuận này cao hơn cả 3 quý còn lại trong năm cộng lại.

-Thứ nhì: Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng là mừng nhất. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu ngày tết, bánh chưng xanh”-cách chuẩn bị tết xưa nay dù có thay đổi một chút tùy theo thời thế nhưng cùng có chung một điểm: đủ đầy. Ai cũng quan niệm rằng, tết đủ đầy thì sẽ có một năm mới sung túc. Vì thế, tiêu dùng ngày tết tăng rất cao. Những doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh lúc này sẽ bán được cơ số thứ như mắm, muối, rau củ quả, dưa cà, thịt thà, trứng, dầu ăn, bánh trái, cà phê, vang…với tốc độ nhanh hơn mọi quý trong năm. Những doanh nghiệp kinh doanh hoa, giỏ quà ngày tết cũng chỉ chờ dịp này để tung hàng ra bán. Có hộ gia đình, chỉ một tháng tết là kiếm đủ tiền ăn tiêu cả năm ròng.

-Thứ ba: Doanh nghiệp sản xuất bia, nước ngọt, rượu…hẳn là mừng khi mùa xuân tới còn hơn mùa hè nóng nực. Nếu như ngày thường, người dân thường sử dụng đủ thứ nước uống khác nhau khó cân, đo, đong đếm được thì ngày tết lại khác. Hầu như gia đình nào cũng mua cho mình két bia, vài chục lon nước ngọt để khi quây quần với người thân chúc tụng mừng năm mới.

Trên các mặt báo dần xuất hiện những dòng tít “cháy” hàng bia thì song song với đó, không cần nói mọi người cùng biết, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành hàng này cũng sẽ tăng rất mạnh. Cũng vì thế, mùa tết luôn là mùa các doanh nghiệp ngành bia đầu tư mới cho cả thiết kế bao bì sản phẩm chứ không “dùng lại” mẫu mã đã bán quanh năm.

-Thứ tư: Người dùng có buồn vì chi phí đi lại đắt đỏ thì họ vẫn phải đi. Cầu vượt quá cung nhiều lần, doanh nghiệp vận tải từ đường bộ, đường sắt đến đường hàng không lúc nào cũng tấp nập, quá tải. Túi tiền của họ tất nhiên cũng sẽ rủng rỉnh hơn nhiều khi mà một ngày giáp tết làm bằng 3-4 ngày thường.

-Thứ năm: Không rõ nét bằng những ngành hàng trên, các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng khác như ô tô, xe máy, điện máy….cũng tấp nập đón khách. Không ít người vay nóng để sắm ô tô chơi tết, đổi “dế” xinh để diện đi chơi xuân.

-Thứ sáu: Doanh nghiệp ngành sơn, trang trí nội, ngoại thất cũng lên ngôi dịp tết. Tết đến, nhiều gia đình có thói quen sơn sửa lại cửa nhà, sắm lại cái bóng đèn bị mờ, mua thêm cái đèn nhấp nháy, dán cái ảnh đẹp cho tường nhà…Doanh nghiệp ngành này cũng vui không kể xiết mỗi dịp tết đến xuân về.

Nếu kể cho hết thì có lẽ nghìn trang giấy cũng không hết được niềm vui của doanh nghiệp, dân buôn bán dịp tết. Thống kê của Nikkei tháng cuối cùng của năm ngoái cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vượt trở lại lên 51,3 điểm, trên mức trung bình 50 điểm và cao hơn nhiều so với các tháng trước đó. Trong tháng cuối cùng của năm ngoái, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng.

Tiêu dùng dịp tết từ xưa đến nay luôn tăng cao so với những ngày thông thường. Doanh nghiệp, dân buôn cũng kinh doanh nửa tháng bằng cả năm ròng. Bỏ tết, nhiều doanh nghiệp, dân buôn chắc hẳn sẽ rất buồn chứ không chỉ người dân đã quen với cái tết sum vầy.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên