Nếu cơ thể phát đi những tín hiệu bệnh tật này, hãy bỏ việc ngay vì bạn đang ghét cay ghét đắng nó rồi đấy!
Đi làm vốn không phải là một chuyện dễ dàng, nhưng nếu đối mặt với quá nhiều áp lực và căng thẳng từ công việc, sức khỏe của bạn sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Ngày nay, rất nhiều người đang bị mắc kẹt trong những công việc tệ hại - một vấn đề nghiêm trọng mà các lao động cũng như các nhà tuyển dụng cần chú ý tới. Theo Jeffrey Pfeffer - giáo sư trong lĩnh vực hành vi tổ chức, sự quản lý yếu kém của các công ty là nguyên nhân gây thiệt hại 8% chi phí y tế và dẫn tới 120.000 ca tử vong mỗi năm tại Mỹ.
Trước khi bạn nhận ra mình chán ghét công việc hiện tại đến mức nào, cơ thể bạn sẽ phát đi những tín hiệu bệnh tật dưới đây. Chúng cảnh báo rằng sức khỏe của bạn đang bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng từ những áp lực nặng nề trong công việc.
Mất ngủ
“Dấu hiệu đầu tiên mà mọi người thường phàn nàn chính là việc mất ngủ hàng đêm”, theo bác sĩ tâm lý Monique Reynolds. “Nhiều người cho biết họ không thể ngủ được vì cứ mải nghĩ ngợi lung tung hoặc không hề cảm thấy buồn ngủ chút nào. Họ thức dậy giữa đêm, nghĩ về danh sách những việc cần làm.”
Mất ngủ vài đêm không phải là chuyện gì to tát, nhưng nếu nó trở thành thói quen thường xuyên thì có nghĩa là công việc đang trở nên quá sức với bạn.
“Nếu việc mất ngủ có liên quan đến công việc, nó là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị mất cân bằng,” Reynolds nói.
Đau đầu
Cơ bắp thường sẽ căng ra để bảo vệ cơ thể khỏi các chấn thương. Vì vậy, khi bạn cảm thấy môi trường làm việc quá áp lực, bạn sẽ cảm thấy nhức mỏi và căng cơ, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. Tình trạng căng thẳng triền miên ở cổ, vai và đầu có thể dẫn tới chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng.
“Stress có thể gây ra các triệu chứng sinh lý và phát triển thành các cơn đau,” Reynolds cho biết.
Căng cơ
Khi công việc trở nên quá mệt mỏi, bạn sẽ cảm thấy như đang phải chiến đấu với một con hổ dữ ngay tại bàn làm việc. Nếu não bộ cảm nhận được một mối đe dọa nào đó, nó sẽ tự động kích thích cơ thể, khiến cho nồng độ adrenaline và hàng loạt các hormone gây căng thẳng khác tăng vọt.
“Khi phải làm việc trong môi trường căng thẳng, hệ thần kinh của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái báo động nguy hiểm,” Reynolds nói. “Chúng ta liên tục phòng bị, sẵn sàng phản ứng với bất kỳ vị sếp hay đồng nghiệp khó tính nào.”
Nếu bạn thường ngồi làm việc với tư thế khom vai hay bạnh hàm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy công việc đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.
Tinh thần đi xuống
Reynolds lưu ý rằng stress có thể làm trầm trọng thêm các chứng bệnh tâm lý. “Những người thường xuyên cảm thấy lo lắng khi làm việc cần phải đề phòng, vì những nỗi lo lắng ấy có thể sẽ ngày càng nặng hơn và biến thành bệnh,” bà cho biết.
Nếu sếp của bạn là một người hay gây khó dễ, sức khỏe của bạn sẽ phải trả giá. Vào năm 2012, 279 nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy những bất công ở nơi làm việc có thể là nguyên nhân khiến cho các nhân viên mắc bệnh trầm cảm hoặc ăn quá độ.
Hay ốm
Nếu bạn liên tục bị cảm lạnh, hãy suy nghĩ lại về công việc của mình. Nhiều nghiên cứu cho biết stress triền miên có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn dễ ốm hơn bình thường.
Mệt mỏi cả ngày
Sự mệt mỏi, kiệt sức được nhắc tới ở đây là loại mệt mỏi mà không một giấc ngủ ngắn hay một giấc ngủ nướng vào cuối tuần có thể bù đắp được.
Pfeffer cho biết, những những môi trường làm việc tệ hại có thể tạo ra một chu kỳ bào mòn thể xác và tinh thần chúng ta. “Bạn sẽ cảm thấy quá tải vì làm việc trong nhiều giờ đồng hồ liền, và bạn sẽ mất nhiều giờ đồng hồ để làm việc vì cảm thấy quá tải,” ông cho biết.
Đau dạ dày
Khó tiêu, táo bón, đầy hơi có thể là dấu hiệu của stress bởi stress ảnh hưởng đến những gì cơ thể tiêu hóa và làm biến đổi các vi khuẩn đường ruột. Chính vì vậy, tâm trạng của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Giáo sư Kevin Kelloway - một nhà nghiên cứu tại Đại học St. Mary của Canada - cho biết, đây là lý do khiến bạn cảm thấy đau nhói bụng mỗi khi buồn phiền. Ông cũng từng cảm thấy như vậy khi phải làm công việc mà mình ghét.
“Trong vòng 6 tháng, tôi nhận ra rằng mình luôn bị đau bụng vào mỗi chiều chủ nhật. Nó không chỉ đơn giản là một triệu chứng, mà là một tín hiệu kịp thời cảnh báo tôi về công việc, bởi tôi luôn nghĩ tới việc mình sẽ phải làm gì vào sáng thứ 2,” Kelloway nhớ lại. “Mọi triệu chứng biến mất sau khi tôi nghỉ việc và làm một công việc khác.”
Thay đổi khẩu vị
Khẩu vị có liên quan mật thiết tới não bộ của bạn. Khi bị stress đột ngột, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết ra adrenaline nhằm ngăn chặn quá trình tiêu hóa để não bộ tập trung giải quyết những công việc trước mắt. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, tuyến thượng thận sẽ sản sinh và tích tụ cortisol - một loại hormone gây cảm giác thèm ăn. Chính vì vậy, mọi người thường chọn cách ăn uống mỗi khi phải đối mặt với áp lực trong công việc.
Ngoài ra, các loại đồ ngọt cũng có tác dụng làm dịu những phản ứng và cảm xúc liên quan tới stress. Đó là lý do mọi người thường ăn đồ ngọt mỗi khi bực dọc. Tuy nhiên, đây là một thói quen không tốt cần tránh.
Theo các chuyên gia, khi gặp áp lực và căng thẳng trong công việc, bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ hoặc định hình lại suy nghĩ tiêu cực của mình. “Không phải ai cũng có thể nhảy việc, vậy nên hãy tập trung kiểm soát những thứ nằm trong tầm tay của mình,” Reynolds cho biết. Dù vậy, nếu các triệu chứng trên vẫn không ngừng thuyên giảm, cách tốt nhất để bạn cảm thấy khá hơn là dũng cảm từ bỏ công việc hiện tại của mình. “Bạn phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ chứ không phải những triệu chứng bên ngoài,” Pfeffer khuyên.
HuffPost